1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ: Bùng nổ căng thẳng chính trị do vấn đề đối phó siêu bão Milton

Thanh Thành

(Dân trí) - Giữa lúc người dân và giới chức ở bang Florida nỗ lực dọn dẹp và gắng gượng dậy sau siêu bão Milton, vấn đề ứng phó với thảm họa thiên nhiên lại gây tranh cãi trong giới chính trị Mỹ.

Mỹ:  Bùng nổ căng thẳng chính trị do vấn đề đối phó siêu bão Milton - 1

Ảnh chụp từ trên không cho thấy các con phố bị ngập sau khi bão Milton đổ bộ vào đất liền tại Siesta Key, Florida hôm 10/10 (Ảnh: Reuters).

Trong ngày 11/10, người dân ở Florida bắt đầu xuống đường dọn dẹp cây cối và đường dây điện gãy đổ, đồng thời dọn dẹp các khu dân cư bị ngập lụt sau khi siêu bão Milton càn quét qua khu vực này khiến ít nhất 16 người thiệt mạng.

Mặc dù bão Milton không gây ra đợt nước biển dâng cao thảm khốc như lo ngại ở Florida - một trong nhiều tiểu bang từng bị bão Helene tấn công cách đây khoảng 2 tuần - nhưng đối với nhiều người, việc dọn dẹp có thể mất nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng.

Là cơn bão Đại Tây Dương mạnh thứ 5 được ghi nhận, Milton có thể khiến riêng các công ty bảo hiểm chịu thiệt hại lên tới 100 tỷ USD, các nhà phân tích cho biết.

Chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ hết sức cho người dân trong khi mức độ thiệt hại rõ ràng vẫn đang được đánh giá.

Nhưng ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump, người đang bám sát Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos, đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Joe Biden vì cách xử lý các nỗ lực phục hồi sau siêu bão này.

"Chính phủ liên bang... đã không làm những gì các bạn được cho là phải làm, cụ thể là đối với tiểu bang Bắc Carolina", ông Trump nói trong tuyên bố hôm 11/10.

Bắc Carolina bị ảnh hưởng nặng nề sau bão Helene và bản thân ông Trump cũng đã phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt với bà Harris ở đó.

Bà Harris, vốn cáo buộc ông Trump đang lan truyền những lời dối trá về phản ứng của chính phủ, đã phản pháo lại việc chính trị hóa vấn đề này trong một sự kiện hôm 10/10. "Thật đáng buồn, chúng ta đã thấy trong 2 tuần qua, kể từ sau cơn bão Helene, và bây giờ là ngay sau siêu bão Milton, mọi người đang chơi trò chính trị", bà Harris nói nhưng không nêu tên cụ thể ông Trump.

Các chính trị gia của cả hai phe đều nhận thức sâu sắc về việc tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush đã giảm mạnh như thế nào sau khi cơn bão Katrina tàn phá New Orleans vào năm 2005. Tỷ lệ ủng hộ đối với ông Bush đã không thể phục hồi sau một phản ứng được nhiều người cho là không thỏa đáng vào thời điểm đó.

Trong một tuyên bố, chính quyền ông Biden cho biết, Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang sẽ cần thêm kinh phí từ Quốc hội, nơi đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện và đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện, đồng thời thúc giục các nghị sĩ "cần hành động nhanh chóng".

Lốc xoáy chết người

Người dân Florida cho biết họ đã trải qua một thảm họa kép. Trong khi siêu bão Milton đổ bộ vào bờ biển phía tây của tiểu bang vào tối 9/10, nhiều người dân ở cách đó hơn 160km dọc theo bờ biển phía đông của tiểu bang đã hứng chịu những thiệt hại tồi tệ nhất.

Hãng tin CBS News dẫn nguồn tin từ Sở Thực thi Pháp luật Florida cho biết, có ít nhất 16 người tử vong liên quan đến bão. Tại quận St. Lucie, hàng loạt cơn lốc xoáy đã khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 2 người thuộc cộng đồng người cao tuổi Spanish Lakes, theo các quan chức địa phương.

Theo PowerOutage.us, khoảng 2,75 triệu ngôi nhà và doanh nghiệp tại Florida đã mất điện vào cuối ngày 10/10.

Thống đốc Florida Ron DeSantis đã cảnh báo rằng, mặc dù tiểu bang đã tránh được "kịch bản xấu nhất", nhưng thiệt hại vẫn còn rất đáng kể.

Theo Reuters