1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ bỏ chương trình tên lửa siêu vượt âm sau vụ phóng xịt

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ tuyên bố sẽ không mua tên lửa siêu vượt âm từ chương trình AGM-183A ARRW vì hàng loạt vấn đề phát sinh trong quá trình thử nghiệm, trong đó có các vụ phóng thử bất thành.

Mỹ bỏ chương trình tên lửa siêu vượt âm sau vụ phóng xịt - 1

Tên lửa AGM-183A (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Defense News dẫn lời Andrew Hunter trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ về mua sắm, công nghệ và hậu cần, cho biết nước này sẽ không mua tên lửa AGM-183A ARRW sau khi giai đoạn nguyên mẫu kết thúc. Lý do mà ông Hunter đưa ra là tên lửa này vẫn còn nhiều vấn đề khi thử nghiệm, như vụ thử thất bại trong tháng này. 

Tuy nhiên, không quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện 2 thử nghiệm tên lửa AGM-183A nhằm mục đích thu thập dữ liệu cho chương trình vũ khí siêu vượt âm tương lai.

"Mặc dù Lực lượng Không quân hiện không có ý định mua sắm từ chương trình Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ Máy bay (ARRW) sau khi giai đoạn nguyên mẫu kết thúc, nhưng sẽ có lợi nếu hoàn thành các bài thử nghiệm để thu thập thông tin có thể giúp ích cho các chương trình vũ khí tương lai", ông nói.

Trước đó, Bộ trưởng Không quân Mỹ thừa nhận vụ thử AGM-183A đã thất bại hồi tháng 3. Đây không phải lần đầu xảy ra vụ phóng xịt khi Mỹ thử nghiệm tên lửa dòng ARRW. Trong một lần thử hồi năm 2021, AGM-183A từng tách khỏi máy bay nhưng động cơ của nó không được kích hoạt. Hay trong một lần thử trước đó, AGM-183A gặp trục trặc, không thể hoàn thành quy trình phóng và vẫn treo trên máy bay khi trở về căn cứ.

Cơ chế hoạt động của AGM-183A là nó sẽ dùng một tên lửa đẩy để tăng tốc cho phương tiện lướt siêu vượt âm để đạt tới tốc độ và cao độ nhất định trước khi tách ra để phương tiện lướt lao về mục tiêu với tốc độ tối thiểu Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh).

Với việc từ bỏ chương trình ARRW, giới quan sát cho rằng, diễn biến này có thể được xem là bước lùi của Mỹ khi tiếp tục bị chậm chân hơn các đối thủ Nga - Trung trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm.

Tốc độ và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu vượt âm trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không. Ngoài ra, thời gian đốt cháy động cơ tên lửa được rút ngắn khiến việc phát hiện chúng bằng hệ thống cảnh báo sớm trên quỹ đạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn.

Hiện thời, Nga đã biên chế và sử dụng tên lửa siêu vượt âm trong tác chiến, trong khi Bắc Kinh đã có tên lửa siêu vượt âm sẵn sàng triển khai. Giới chức quân sự Mỹ nhiều lần thừa nhận Washington đang đi sau nhiều năm so với các đối thủ chiến lược trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Theo Defense News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm