1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ đánh giá năng lực phát triển vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Tình báo Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang vượt Nga trong cuộc đua phát triển tên lửa siêu vượt âm.

Mỹ đánh giá năng lực phát triển vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc - 1

Tên lửa siêu vượt âm DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc).

Trong phiên điều trần trước một tiểu ban thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 10/3, ông Paul Freisthler, trưởng nhóm khoa học công nghệ của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đã so sánh năng lực phát triển vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc và Nga - hai đối thủ lớn nhất của Washington.

"Trong khi Trung Quốc và Nga đều đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm và có khả năng đã triển khai các hệ thống tác chiến, thì Trung Quốc đang dẫn trước cả về cơ sở hạ tầng hỗ trợ và số lượng hệ thống", ông Paul Freisthler nói.

Ông Freisthler cho rằng, Trung Quốc đang theo đuổi phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có gắn đầu đạn lướt siêu vượt âm đã được thử nghiệm từ năm 2014.

Theo ông, trong hai thập niên qua, Trung Quốc "đạt bước tiến đáng kể" trong việc phát triển các công nghệ tên lửa siêu vượt âm thông qua các nỗ lực đầu tư, phát triển, thử nghiệm và triển khai "mạnh mẽ và tập trung". Điều này cũng áp dụng đối với tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân, ông nhấn mạnh.

Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ thử vũ khí siêu vượt âm, trong đó có tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 có tầm bắn ước tính 1.600km có thể vươn đến các vị trí của lực lượng quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ông cho rằng, Trung Quốc có thể đã triển khai DF-17 từ năm 2020.

Trong khi đó, Nga đang triển khai 3 hệ thống siêu vượt âm gồm tên lửa Kinzhal, phương tiện lượn siêu vượt âm Avangard, tên lửa hành trình chống hạm Zircon.

Tên lửa siêu vượt âm có tốc độ di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, có khả năng thay đổi đường bay khiến chúng khó bị đánh chặn. Những năm gần đây, Trung Quốc và Nga ra sức phát triển công nghệ này.

Theo RT