1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ: Biểu tình tiếp diễn sau vụ cảnh sát bắn chết thanh niên da màu

(Dân trí) - Ngày 14/8, hàng trăm người dân tại thành phố Ferguson, bang Missouri của Mỹ tiếp tục biểu tình hòa bình sau khi một thanh niên da màu 18 tuổi bị cảnh sát bắn chết. Tình hình khiến Tổng thống Obama tiếp tục lên tiếng kêu gọi người dân địa phương kiềm chế.

Sau 4 đêm bạo loạn và chỉ trích từ công chúng đối với cảnh sát địa phương, hiện lực lượng cảnh sát của bang Missouri đã được điều động về Ferguson để làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh.

Người dân nhiều thành phố Mỹ tuần hành phản đối việc cảnh sát bắn chết Brown
Người dân nhiều thành phố Mỹ tuần hành phản đối việc cảnh sát bắn chết Brown

Bộ trưởng tư pháp Mỹ khẳng định, việc sử dụng thiết bị và phương tiện quân sự trước đó đã phát đi “một thông điệp đối nghịch”.

Trái ngược với không khí trong tối thứ Tư, cảnh sát địa phương và cảnh sát của bang đã không còn đối đầu mà bước đi cùng người biểu tình và bắt tay.

Đại úy Ronald Johnson, thuộc lực lượng tuần tra giao thông Missouri đã nhanh chóng khẳng định sự hiện diện của mình với tư cách người phụ trách mới trong chiến dịch này.

Trong khi đi phía trước đoàn tuần hành qua các tuyến phố, Johnson được nhìn thấy ôm lấy những người mình gặp. “Chúng ta tất cả đều muốn công lý. Chúng ta đều muốn có câu trả lời”, vị đại úy nói.

Trên khắp nước Mỹ, các buổi lễ cầu nguyện cũng đã được tổ chức. Trong đó, sự kiện tại Washington thu hút hàng trăm người tham dự tại công viên Malcolm X. Nhiều người cầm theo những biểu ngữ: “Giơ tay lên, đừng bắn”. Người biểu tình sau đó diễu hành tới các tuyến phố xung quanh và hô khẩu hiệu.

Tại New York, Boston, Detroit, Chicago cùng nhiều thành phố khác, các buổi cầu nguyện tương tự cho chàng thanh niên da màu Michael Brown cũng được tổ chức.

Cảnh sát Ferguson đã dùng nhiều đạn hơi cay trong đêm 13/8
Cảnh sát Ferguson đã dùng nhiều đạn hơi cay trong đêm 13/8

Trước đó, thống đốc bang Missouri Jay Nixon đã công bố việc thay thế lực lượng tuần tra, và khẳng định, các cuộc đối đầu bạo lực của cảnh sát với người dân địa phương đã khiến khu vực ngoại ô như “một vùng chiến sự”.

“Chúng ta sẽ phải giành lại niềm tin”, Nixon nói.

Căng thẳng bùng phát sau cái chết của Brown hôm chiều thứ Bảy vừa qua theo giờ địa phương. Các chi tiết về vụ việc vẫn chưa được làm rõ, nhưng các nhân chứng cho biết, nạn nhân 18 tuổi bị cảnh sát bắn chết với nhiều phát súng, dù không có vũ khí và tay đã giơ hàng.

Cảnh sát thì khẳng định đã xảy ra một cuộc vật lộn giữa Brown và các nhân viên cảnh sát, khiến một cảnh sát bị thương vào mặt.

Tổng thống Obama kêu gọi kiềm chế

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi người dân bình tĩnh và cam kết tiến hành điều tra vụ việc.

“Giờ chính là lúc dành cho sự yên tĩnh và hòa bình trên đường phố Ferguson”, ông chủ Nhà Trắng nói. “Giờ chính là lúc để mở một cuộc điều tra minh bạch, để thấy công lý được thực thi”.

Ghi nhận tình hình căng thẳng tại Ferguson thời gian qua, ông Obama tuyên bố giới chức địa phương có trách nhiệm phải “công khai và minh bạch” về cách thức họ tiến hành điều tra cái chết của Brown, và bảo vệ cộng đồng.

“Không thể có lời bào chữa nào cho hành vi bạo lực chống lại cảnh sát, hoặc những kẻ sẽ dùng vụ việc như một cái cớ để cướp phá và bạo loạn”, ông Obama nói. “Sẽ không có lời bào chữa nào cho hành vi sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát, chống lại các cuộc biểu tình hòa bình, hoặc bắt giam những người biểu tình vì đã thực hiện quyền của mình một cách đúng luật”.

Thanh Tùng
Theo BBC, AFP