Mỹ bị tấn công vũ khí hóa học ở Mosul
Một tiền đồn của quân đội Iraq có các cố vấn quân sự Mỹ và Australia đã bị các phiến quân IS tấn công bằng chất độc hóa học vào ngày 16/4.
Một sĩ quan thuộc lực lượng chống khủng bố cho Business Insider biết, đối phương đã nã rocket chứa khí clo xuống tiền đồn này, trong khi một số người khác khẳng định IS đã dùng khí mù tạt.
Ít nhất 6 binh sĩ Iraq đang phải được chăm sóc y tế tại một bệnh viện dã chiến, nhưng không có sĩ quan phương Tây nào bị thương trong vụ tấn công. Lầu Năm Góc sau đó đã đưa ra một tuyên bố nói rằng cuộc tấn công này ''càng cho thấy sự tuyệt vọng của IS khi chúng đang cố thủ tại Mosul''.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phát biểu: ''Theo tôi được biết, không có binh sĩ Australia nào bị ảnh hưởng do vụ tấn công hóa học này và họ đã giúp đỡ các nạn nhân''.
Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Mỹ tại Iraq vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về vụ việc này.
Đây là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học thứ hai mà IS tiến hành trong những ngày gần đây. Trước đó, một sĩ quan quân đội Iraq khẳng định rằng phiến quân IS đã phát tán khí độc ở quận al-Abar, phía tây thành phố Mosul (Iraq).
Trong quá khứ, phiến quân IS đã rất nhiều lần dùng các chất độc hóa học để chống lại các lực lượng chống khủng bố. Một số binh sĩ thuộc lực lượng người Kurd ở Iraq khẳng định rằng IS đã sử dụng các loại đạn súng cối chứa chất độc hại.
Mosul là thành phố lớn thứ hai ở Iraq và hiện là nơi xảy ra một cuộc giao tranh dữ dội kể từ khi quân đội Iraq tiến hành chiến dịch quân sự nhằm giải phóng thành phố khỏi sự kiểm soát của IS.
Từ đó đến này, quân đội Iraq cùng các lực lượng đồng minh và liên quân do Mỹ đứng đầu đã giành lại được khu vực phía đông thành phố Mosul. Tuy nhiên cuộc chiến nhằm giành lại phía tây thành phố vẫn còn căng thẳng, mặc dù có người khẳng định hơn một nửa khu vực này đã được giải phóng.
Dấu hỏi lớn
Thông tin về việc IS tấn công một tiền đồn của quân đội Iraq có các cố vấn quân sự Mỹ và Australia bằng vũ khí hóa học một lần nữa thể hiện sự trùng khớp với những nghi vấn trước đó mà phía Nga và Syria đưa ra.
Ngày 5/4, Moscow lên tiếng xác nhận, không quân Syria đã phát động cuộc tấn công nhằm vào một kho chứa có các loại vũ khí hóa học của lực lượng phiến quân ở Idlib vào trưa 4/4.
Đáng chú ý, theo phát hiện của điện Kremlin, số vũ khí hóa học được nhồi trong các quả đạn pháo được các tay súng phiến quân sản xuất, tích trữ trước khi chuyển đến Iraq.
''Kho đạn hóa học bị trúng oanh kích nằm ở phía Đông thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib'', điện Kremlin thông báo.
Với những chứng cớ mới từ phía quân đội Iraq, những cáo buộc của Mỹ và phương Tây về việc quân đội Syria sử dụng các loại vũ khí hóa học ở Idlib để lấy cớ tấn công phiến quân IS càng trở nên thiếu cơ sở.
Mỹ cáo buộc quân đội Syria tấn công vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở Idlib rồi bất ngờ dội 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs của Syria.
Cuộc tấn công này đã phá hủy hoặc làm hư hại các kho nhiên liệu, kho đạn dược và khoảng 20% phi đội chiến đấu cơ, làm giảm năng lực phòng không của Syria. Không những thế, nó còn tạo điều kiện cho phiến quân được đà mở rộng phạm vi chiếm đóng tại miền Tây Syria. Phải chăng đây mới là mục đích thực sự của phương Tây?.
Với lý do sở hữu vũ khí hóa học, Mỹ tấn công Iraq và cũng với lý do ấy, Mỹ can thiệp vào Syria, biến nơi đây trở thành bãi chiến trường, tạo cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy, gây nên thảm họa nhân đạo chưa từng có tại đất nước Trung Đông này.
Vũ khí hóa học và những nguyên liệu chế tạo nó mà Chính phủ Syria sở hữu đã bị tiêu hủy dưới sự chứng kiến của Liên Hợp Quốc. Vậy số vũ khí hóa học mà phiến quân và IS đang sử dụng để gây tội ác trên khắp các chiến trường của Syria, Iraq từ đâu ra?
Theo Song Hà
Đất Việt