1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ bất đắc dĩ mua thêm động cơ RD-180 của Nga

18 động cơ RD-180 sẽ được Mỹ mua thêm để dùng cho các tên lửa mang vệ tinh quân sự trong vòng 6 năm tới vì chưa tạo được đẳng cấp với Nga.

Reuters đưa tin, ông Robert Work, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 8/4 xác nhận việc Lầu Năm Góc sẽ cần tới 18 động cơ RD-180 nữa của Nga dùng cho các tên lửa mang vệ tinh quân sự lên vũ trụ trong vòng 6 năm tới.

Theo đó, nước này cần đảm bảo có ít nhất "hai phương tiện giá thành hợp lý và tin cậy được để đưa lên vũ trụ". Ông nói thêm rằng động cơ RD-180 chỉ cần trong giai đoạn quá độ phát triển động cơ tên lửa nội địa mới.

Động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Nga.
Động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Nga.

Lý giải cho điều này, ông Robert Work nói: "Chúng tôi không thấy có cách nào có động cơ mới trong ít nhất là 6 năm nữa... Do đó, trong giai đoạn quá độ, chúng tôi tin chắc rằng chúng ta cần các động cơ RD-180. Không quá 18, đó là lập trường của chúng tôi".

Các nhà lập pháp Mỹ năm ngoái nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu động cơ RD-180 của Nga, do lo ngại nó có thể làm United Launch Alliance (ULA) , một công ty liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing, khó tồn tại và chỉ còn công ty tư nhân SpaceX đưa vệ tinh lên vũ trụ.

Trước đó, động cơ RD-180 của Nga đã được Quốc hội Mỹ cấm sử dụng vào mục đích quân sự do những mâu thuẫn trên mặt trận chính trị với Nga ở Ukraine và bán đảo Triều Tiên. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ cũng cung cấp nguồn viện trợ để thay thế động cơ RD-180.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đang thúc đẩy để chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ đối với các động cơ tên lửa Nga ULA dùng cho các tên lửa Atlas 5.

ULA nói họ đang tiến lên phía trước, với hai công ty phát triển động cơ nội địa của Mỹ là Blue Origin và Aerojet Rocketdyne Holdings, nhưng các chương trình phát triển này rất khó khăn, mất nhiều năm để hoàn tất.

Trước đó, Lầu Năm Góc ngày 29/2 cho biết các hợp đồng chế tạo động cơ tên lửa, thay thế động cơ RD-180 phải mua của Nga, đã được ký tại Mỹ. Chương trình phát triển hệ thống động cơ mới được giao cho các công ty Aerojet Rocketdyne và United Launch Services.Aerojet Rocketdyne có nhiệm vụ chế tạo nguyên mẫu động cơ tên lửa AR1. Hợp đồng trị giá 115 triệu USD, với tổng số tiền đầu tư quốc gia có thể lên tới 536 triệu USD.

Còn United Launch Services nhận trọng trách thiết kế tên lửa đẩy Vulcan BE-4 với động cơ đẩy ACES. Hợp đồng trị giá 47 triệu USD, với tổng số tiền đầu tư quốc gia khoảng 202 triệu USD.

Theo thành viên Hội đồng chuyên gia thuộc Ủy ban Công nghiệp - Quốc phòng Nga, chuyên gia quân sự Viktor Mukharovsky, người Mỹ sẽ không thể thành công trong việc chế tạo động cơ tên lửa thay thế trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

“Điều không hề bí mật là trong giai đoạn căng thẳng trong quan hệ với Nga, ngân sách Mỹ đã không có khoản chi tiêu để mua động cơ của Nga.

Tuy nhiên, tình hình thực tế vẫn buộc ngân sách quân sự Mỹ năm 2016 dành ra khoản chi phí để mua thêm 20 động cơ RD-180, đồng thời vạch ra chương trình chế tạo động cơ tên lửa riêng của mình.

Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng rằng thời hạn đặt ra như vậy là quá ngắn để có thể thành công. Người Mỹ ngay từ giữa những năm 1990, khi bắt đầu nhận các động cơ tên lửa RD-180, đã cố gắng “bắt chước” nhưng không đem lại bất cứ kết quả nào", chuyên gia Mỹ Viktor Mukharovsky nói.

"Không có RD-180, sẽ là thảm họa cho an ninh quốc gia của Mỹ”, John Logsdon, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Viện chính sách vũ trụ tại Đại học George Washington thừa nhận.

Các chuyên gia bên động cơ tên lửa.
Các chuyên gia bên động cơ tên lửa.

Còn nhớ, hồi cuối tháng 12/2015, hợp đồng đặt mua 29 động cơ tên lửa RD-180 của Nga để phục vụ cho mục đích dân sự và thương mại được Mỹ thực hiện trước khi phương Tây ban bố các lệnh trừng phạt đối với Nga vì những bất đồng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Đơn đặt hàng lần này được ký sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu khổng lồ cho phép nới lỏng lệnh cấm sử dụng động cơ của Nga để phóng các vệ tinh quân sự và tình báo trong năm tài khóa 2016.

Động cơ RD-180 của Nga sẽ được dùng để nâng tên lửa Atlas 5 cho đến khi động cơ mới do Mỹ phát triển được cấp phép sử dụng.

Theo Huy Vũ (Tổng hợp)

Đất Việt