1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ bắt 8 người “buôn lậu thiết bị công nghệ cao cho an ninh Nga”

(Dân trí) - 8 người, trong đó có một số người Nga, đã bị bắt ở Houston, Texas, vì bị cáo buộc xuất khẩu trái phép các thiết bị công nghệ cao cho các cơ quan an ninh của Nga.

Các thùng tài liệu được đưa đi sau khi FBI lục soát công ty Arc ngày 4/10.
Các thùng tài liệu được đưa đi sau khi FBI lục soát công ty Arc ngày 4/10.
 
Mỹ hôm nay công bố các cáo buộc hình sự đối với các thành viên của một đường dây đóng tại Texas, bị cáo buộc buôn lậu các thiết bị điện tử công nghệ cao của Mỹ. Những người này bị Mỹ cáo buộc đóng giả làm nhà sản xuất dân sự nhưng thực chất là làm việc cho quân đội Nga.

 

Alexander Fishenko, người sở hữu các công ty ở Texas và Mátxcơva, bị cáo buộc hoạt động tại Mỹ với tư cách là điệp viên không đăng ký của chính phủ Nga.

 

Cáo trạng cũng nêu tên 11 nghi phạm, 6 nam, 5 phụ nữ, có độ tuổi từ 31-58 và tất cả đều sẽ xuất hiện trước tòa án ở Houston, ngoại trừ 3 người hiện đang ở Nga. Một trong 3 người ở Nga là Sergei Klinov, 44 tuổi, điều hành công ty Apex. Công ty này bị Mỹ cáo buộc cung cấp vi điện tử được buôn lậu, không có giấy tờ xuất khẩu, cho các cơ quan an ninh Nga.  Tuy nhiên Klinov hôm nay cho biết “buồn và bối rối” trước các cáo buộc khi được đài phát thanh Tiếng vọng Mátxcơva phỏng vấn.

 

Hiện chưa có bình luận gì về những cáo buộc đối với những người bị bắt giữ.

 

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov dẫn lời giới chức Mỹ cho biết các cáo buộc mang “bản chất tội phạm”. Chúng “không liên quan đến bất kỳ hoạt động thu thập tình báo nào”, ông cho biết trên hãng thông tấn Nga Ria-Novosti. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết họ đã liên hệ với một trong những người bị bắt.

 

Fishenko, 46 tuổi, là công dân Mỹ, Nga và sở hữu công ty Arc Electronics Inc tại Houston. Fishenko sinh ở Kazakhstan, thuộc Liên Xô cũ, và tới học đại học tại Nga trước khi di cư sang Mỹ vào năm 1994. Ông này còn bị buộc tội rửa tiền.

 

Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ đối với việc xuất khẩu các vi điện tử có thể được dùng cho hệ thống radar và theo dõi, hệ thống vũ khí dẫn đường và bảng điều khiển nổ.

  

Theo luật Mỹ, ông Fishenko có thể phải đối mặt với hơn 12 năm tù nếu bị tuyên có tội đối với tất cả các cáo buộc.

 

“Khách hàng quân sự”

 

Các công tố liên bang cho biết Fishenko và đồng phạm đã “tham gia vào âm mưu có hệ thống và bí mật từ tháng 10/2008, nhằm thu thập công nghệ của các nhà sản xuất Mỹ và xuất sang Nga”.

 

Hãng tin AP đã miêu tả Fishenko là “một câu chuyện thành công ở Mỹ… một di dân từ Kazakhstan đã tạo ra hàng triệu USD cho công ty xuất khẩu Texas của ông”.

 

Theo tài liệu của tòa án, Fishenko tốt nghiệp một học viện kỹ thuật ở thành phố St Petersburg, trước khi tới Mỹ vào năm 1994. Ông có cả hộ chiếu Mỹ và Nga và thường xuyên ra nước ngoài làm ăn, kiếm được hàng chục triệu đô la nhờ xuất khẩu.

 

Trên trang web của ông ty, Arc Electronics tự giới thiệu là “nhà cung cấp trọn gói vi điện tử, phục vụ nhóm khách hàng đa dạng, trong đó có nhà sản xuất thiết bị gốc các thiết bị y tế, thiết bị dầu khí và các sản phẩm thương mại”.

 

Ghi chép kiểm toán của Arc cho thấy “sự giống nhau đến kinh ngạc về giao động trong lợi nhuận của Arc và chi tiêu quốc phòng của Nga trong nhiều năm qua”, tài liệu tòa án cho hay.

 

Các nhà điều tra cho biết họ cũng thu hồi được một lá thư một cơ quan tình báo nội địa Nga gửi cho Arc, phàn nàn là vi chíp do công ty này cung cấp có khiếm khuyết.

 

Những cuộc gọi và email bị chặn cũng “cấu thành bằng chứng rõ ràng về việc môi giới trái phép cho chính phủ Nga”.

 

Các công tố cho biết có bằng chứng cho thấy nhiều lần ông Fishenko tìm cách che giấu dấu vết của mình. Ví dụ vào tháng 3, ông “đã chỉ đạo một nhân viên công ty mua hàng của Nga “đảm bảo rằng người của chúng ta không thảo luận thêm thông tin, ví dụ như sản phẩm có bán cho khách hàng quân đội hay không”, tài liệu tòa án cho hay.

 

Các tài liệu và trang web do Arc và đối tác sử dụng được cho là đã thay đổi để xóa liên hệ với quân đội. Ví dụ, theo thông tin điều trần, nhân viên Arc Alexander Posobilov được cho là đã nói với một công ty mua hàng của Nga phải đảm bảo giấy chứng nhận xuất khẩu dùng từ “tàu câu cá” chứ không phải là tàu câu cá/chống tàu ngầm. “Như vậy chúng ta mới có thể bắt đầu làm việc được”, Posobilov, một trong những nghi phạm, được tòa án dẫn lời cho biết.

 

Khoảng 6 nhân viên FBI tại Houston đã lục soát công ty của Fishenko vào ngày 4/10, đưa đi ít nhất 18 thùng giấy tài liệu. Vợ của Fishenko, đồng sở hữu công ty, không bị cáo buộc.

 

Vũ Quý

Theo BBC, AFP