1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ - Australia hợp tác đối phó động thái quân sự của Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Australia thống nhất về việc hợp tác để đối phó các động thái quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Mỹ - Australia hợp tác đối phó động thái quân sự của Trung Quốc - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles gặp nhau tại Lầu Năm Góc hôm 5/12 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Trong cuộc gặp ngày 5/12 tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã bày tỏ sự thống nhất về việc "đối phó các hoạt động quân sự gây bất ổn định của Trung Quốc".

Cuộc gặp này nằm trong khuôn khổ cuộc tham vấn cấp bộ trưởng Mỹ - Australia diễn ra vào ngày 6/12.

Đến ngày 7/12, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace sẽ tới Washington họp với 2 người đồng cấp Mỹ và Australia. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng 3 nước thuộc thỏa thuận an ninh AUKUS.

Nhóm công nghệ quốc phòng của Australia, Mỹ và Anh đã được thành lập để cung cấp công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Canberra.

Cuộc họp AUKUS đến trong bối cảnh 3 nước có hạn chót tới tháng 3 năm sau để quyết định xem đội tàu của Australia sẽ dùng công nghệ Mỹ hay Anh, cũng như lộ trình cho hạm đội của Canberra.

Australia cho biết họ cần tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có tầm hoạt động xa và khả năng tàng hình. Chúng sẽ mang theo vũ khí thông thường.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về Trung Quốc công bố tuần trước cho rằng, Bắc Kinh dường như đã thực hiện một nỗ lực ngoại giao để khiến AUKUS bị hủy bỏ. Lầu Năm Góc nhận định, Trung Quốc "định nghĩa không chính xác về AUKUS như một hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân".

Canberra cho biết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà Australia tham gia không cấm khí tài sử dụng động cơ hạt nhân.

Một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp giữa 2 bộ trưởng nhấn mạnh, Australia và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm cả hợp tác công nghệ.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và là thị trường xuất khẩu quặng sắt hàng đầu, nhưng Canberra ngày càng lo ngại về các động thái của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương sau khi nước này ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon trong năm nay.

Các nhà ngoại giao Australia cho biết, cuộc gặp giữa Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước tại G20 là một bước tiến hướng tới bình thường hóa quan hệ nhưng sẽ không mang lại sự thay đổi trong chính sách quốc phòng của Canberra.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm