Mỹ áp lệnh cấm vận vũ khí với Campuchia
(Dân trí) - Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và hạn chế xuất khẩu đối với Campuchia vì ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước này.
Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ngày 8/12 kêu gọi Campuchia "đạt được tiến bộ có ý nghĩa" trong việc giải quyết các vấn đề như tham nhũng cũng như "giảm bớt ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc ở Campuchia".
Cùng với lệnh cấm vận vũ khí, Mỹ cũng hạn chế việc Campuchia tiếp cận các thiết bị có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, các thiết bị quân sự ít nhạy cảm, các trang thiết bị và dịch vụ quốc phòng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo khẳng định "Mỹ vẫn hoàn toàn cam kết đối với độc lập của Campuchia và chủ quyền của người dân Campuchia".
Hồi tháng 11, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ đồng loạt ra thông báo về việc trừng phạt hai quan chức Campuchia bị cáo buộc trục lợi từ việc xây dựng tại căn cứ hải quân Ream do Mỹ tài trợ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cách đây một năm, Campuchia thông báo đã san phẳng một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream nhằm phục vụ công tác mở rộng cơ sở. Trước đó, Campuchia đã từ chối đề nghị của Mỹ tu sửa căn cứ.
Mỹ cáo buộc Campuchia thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại căn cứ này, hối thúc giới chức Campuchia công bố toàn bộ "ý định, bản chất và quy mô dự án hay vai trò của quân đội Trung Quốc".
Trung Quốc và Campuchia được cho là đã ký một "thỏa thuận bí mật" cho phép Bắc Kinh đóng quân, cất giữ vũ khí và neo đậu tàu chiến tại căn cứ hải quân Ream. Giới chức Mỹ từng tiếp cận bản thảo sơ bộ của thỏa thuận trên cho biết, thỏa thuận cho phép binh lính, vũ khí và tàu Trung Quốc sử dụng căn cứ tại Campuchia trong 30 năm và tự động gia hạn 10 năm một lần.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Campuchia đã bác bỏ những đồn đoán trên và nói rằng việc phá dỡ tòa nhà bên trong căn cứ Ream nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng căn cứ. Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết việc Trung Quốc xây dựng ở căn cứ Ream là một phần trong các hoạt động hỗ trợ phát triển.
Các động thái của Mỹ phản ánh nỗ lực của Washington nhằm giảm bớt ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, trong bối cảnh Campuchia đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hồi tháng 9 cho biết, Trung Quốc đã nhất trí cấp khoản viện trợ lên tới 272 triệu USD cho Campuchia và khoản viện trợ này đã được công bố nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng tặng và bàn giao cho Campuchia một sân vận động trị giá khoảng 160 triệu USD.
Thủ tướng Hun Sen nói rằng, Trung Quốc là "người bạn đáng tin cậy" và gọi việc trao tặng các món quà trên là "bước ngoặt mới trong mối quan hệ hữu nghị giữa Campuchia và Trung Quốc".
Trung Quốc đang trở thành một đồng minh kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng của Campuchia. Trung Quốc là nước viện trợ phát triển hàng đầu cho Campuchia với việc đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở quốc gia Đông Nam Á này. Khi đại dịch Covid-19 càn quét, Trung Quốc cũng viện trợ vaccine cho Campuchia.