1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ-Ấn tăng cường hợp tác an ninh hàng hải và công nghệ quốc phòng

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã có chuyến thăm Mỹ trong tuần qua với điểm dừng chân đầu tiên ở Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Hải quân Mỹ ở Hawaii. Đây là chuyến đi được đánh giá sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ hợp tác quốc phòng chiến lược song phương trong thời gian tới.

 


Bộ trưởng Carter giới thiệu với người đồng cấp Parrikar về động cơ máy bay (Ảnh: NDTV)

Bộ trưởng Carter giới thiệu với người đồng cấp Parrikar về động cơ máy bay (Ảnh: NDTV)

Tại Hawaii, ông Parrikar đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Ấn Độ tới thăm Parrikar. Ngoài ra, Bộ trưởng Parrikar cũng tham dự một hoạt động kỷ niệm sự kiện Trân Châu Cảng tại đây, cũng như có cuộc hội đàm với Chỉ huy PACOM, Đô đốc Harry B. Harris Jr.

Thông báo của PACOM cho biết, chủ đề chính trong cuộc hội đàm nêu trên tập trung vào an ninh hàng hải. Bộ trưởng Parrikar và Đô đốc Harry Harris đã “nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác an ninh hàng hải trong khuôn khổ tăng cường quan hệ quân sự giữa hai nước, đặc biệt là giữa các khu vực Ấn Độ Dương-Châu Á-Thái Bình Dương”. Ngoài ra, hai bên cũng “thảo luận về việc tiếp tục hợp tác an ninh hàng hải và khả năng tổ chức tuần tra chung trên biển giữa hải quân hai nước”.

Sau đó, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Parrikar khẳng định quan hệ hợp tác Ấn Độ - Mỹ “trong lĩnh vực an ninh hàng hải đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương”.

Trở lại với cuộc hội đàm ở PACOM, Bộ trưởng Parrikar và Đô đốc Harris cũng nhắc tới các cuộc tập trận quân sự với sự tham dự của các đơn vị hai nước, bao gồm cuộc tập trận “Malabar, Yudh Abhyas, Red Flag, Vajra Prahar và RIMPAC”. Trong số các cuộc tập trận này, Ấn Độ mới một lần duy nhất tham dự cuộc tập trận Red Flag với nội dung tác chiến không đối không hồi năm 2008. Lầu Năm Góc khẳng định quốc gia Nam Á sẽ cử các đơn vị tham dự cuộc tập trận Red Flag vào năm tới.

Sau khi rời Hawaii, Bộ trưởng Parrikar đã tới thủ đô Washington, D.C., nơi ông có cuộc hội đàm lần thứ ba trong năm với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter. Theo thông báo từ phía Ấn Độ, hai bộ trưởng đã thảo luận về nhiều vấn đề rộng “bao trùm cả mối quan hệ đối tác chiến lược quốc phòng giữa hai nước”.

Thông báo chung được đưa ra sau hội đàm khẳng định bộ trưởng quốc phòng hai nước dành sự chú ý đặc biệt cho Sáng kiến Công nghệ Quốc phòng và Thương mại (DTTI). Bộ trưởng Carter cho biết đây là dự án được xây dựng để “hỗ trợ mối quan hệ hợp tác song phương về công nghệ và công nghiệp quốc phòng”. Cả hai bộ trưởng đều “cam kết sẽ xác định các dự án bổ sung có thể để tăng cường hợp tác phát triển và sản xuất các thiết bị công nghệ cao phù hợp với nội dung của DTTI”.

Thông báo cho biết thêm bộ trưởng hai nước cũng đánh giá về những tiến triển tích cực trong nhóm hoạt động chung về hợp tác phát triển công nghệ cho tàu sân bay và một nhóm khác có chức năng tương tự về công nghệ động cơ máy bay chiến đấu. Hiện hai nước đang thảo luận để Mỹ cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ sử dụng cho tàu sân bay thứ hai đang được nước này xây dựng, bao gồm động cơ đẩy hạt nhân và hệ thống phóng máy bay điện từ.

Ấn Độ và Mỹ cũng tìm kiếm khả năng chuyển giao các công nghệ, như công nghệ động cơ máy bay, dù Lầu Năm Góc được cho là chưa sẵn sàng cung cấp các công nghệ tiên tiến nhất. Bộ trưởng Carter đã khẳng định với người đồng cấp Parrikar rằng Washington đã “thay đổi chính sách của nước này về việc chuyển giao công nghệ động cơ tuốc-bin khí cho Ấn Độ, cũng như cam kết chính sách mới sẽ tạo nhiều điều kiện để hai nước hợp tác.

Khả năng hai nước thắt chặt mối quan hệ hợp tác an ninh bằng các thỏa thuận chuyển giao công nghệ càng rõ ràng hơn sau chuyến thăm của Bộ trưởng Parrikar lên tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Dwight D. Eisenhower của Mỹ. Đây cũng là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đặt chân lên tàu sân bay Mỹ. Trong sự kiện này, phía Mỹ đã chủ động giới thiệu cho Bộ trưởng Parrikar xem các lần cất cánh của máy bay chiến đấu từ tàu Dwight D. Eisenhower, cũng như giới thiệu cho ông về động cơ máy bay được đặt trên tàu.

Ngoài các vấn đề như hợp tác trong an ninh hàng hải hay chuyển giao công nghệ quốc phòng, hai nước cũng thảo luận về một số vấn đề khác như chống khủng bố, cụ thể về tác động của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda tới các nhóm trong khu vực Nam Á như Lashkar-e-Tayibba hay mạng lưới Haqqani.

Giới quan sát đánh giá chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Parrikar là môt tín hiệu khẳng định mối quan hệ hợp tác quốc phòng song phương ngày càng phát triển. Về mối quan hệ này, Bộ trưởng Carter đánh giá “chuyến thăm của Bộ trưởng Parrikar là những bước đi lịch sử trong quan hệ hai nước và cho rằng mối quan hệ hợp tác quốc phòng chiến lược Mỹ - Ấn sẽ đóng vai trò quan trọng cho an nin toàn cầu”.

Ngọc Anh

Theo Diplomat