Mỹ - Ấn đáp trả "tập kích sân sau" của Trung Quốc
Sự trỗi dậy quyết liệt và chiến dịch “tập kích các sân sau” của Trung Quốc này buộc Ấn Độ và Mỹ phải đồng loạt đưa ra các chiến lược đáp trả.
Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 25/1 được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt lớn trong quan hệ Mỹ - Ấn. Đây là kết quả của một loạt các nỗ lực song phương nhằm khôi phục lại thời kỳ “hoàng kim” trong quan hệ giữa hai trong những nền kinh tế lớn của thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc - đối thủ chiến lược chung của cả hai cường quốc này đang hoàn thiện thế trận “liên hoành” nhằm hiện thực hoá ý tưởng trở thành trung tâm địa chính trị - địa kinh tế của khu vực.
Từ nguyên tắc tự lực phòng thủ, chống “tập kích sân sau”
Bằng sáng kiến “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (SREB)” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (MSR)”, Trung Quốc đang lên kế hoạch cho những khoản chi khổng lồ. Mục tiêu hướng đến hoàn thiện các kết nối với khu vực Nam Á. Chiến lược “chuỗi ngọc trai” và sự tăng cường hiện diện của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương cũng đang thách thức vai trò chủ chốt cùa Ấn Độ ngay tại “sân nhà”.
Ở châu Mỹ Latinh, một kịch bản tương tự cũng diễn ra khi Trung Quốc có những động thái thắt chặt quan hệ với cộng đồng các quốc gia tại đây. Cũng bằng sách lược “ngoại giao ngân lượng”, Trung Quốc đã thúc đẩy xu hướng “phi Mỹ hoá” ở khu vực Mỹ Latinh. Ngày 8/1/2015, Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) lần đầu tiên được tổ chức và hứa hẹn sẽ nhận được 250 tỷ USD đầu tư trong 10 năm từ Trung Quốc. Sự kiện này đã hiện thực hoá một thể chế cơ chế hợp tác liên khu vực gây chấn động vì ảnh hưởng trực tiếp đến “sân sau” của Mỹ nhưng lại không có sự hiện diện của Mỹ.
Sự trỗi dậy quyết liệt và chiến dịch “tập kích các sân sau” của Trung Quốc này buộc Ấn Độ và Mỹ phải đồng loạt đưa ra các chiến lược đáp trả. Tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama (12/2014) đã giải toả mối dây căng thẳng nhất trong quan hệ giữa Mỹ với châu Mỹ Latinh. Ngoài ra, Mỹ cũng tác động vào việc “phủ quyết” lộ trình xây dựng Khu vực Thương mại Tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) bằng cách lôi kéo các quốc gia thành viên của khối TPP (không có sự hiện diện của Trung Quốc) vào mục tiêu của khối này.
Đối với Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi ngay từ khi nhậm chức đã mạnh tay thi hành các chính sách tái khẳng định vị thế của Ấn Độ trong khu vực. Ông Modi đã vực dậy “chủ thuyết Gujral” được đề ra từ năm 1997. Chủ thuyết này chủ trương giải quyết hoà bình mọi bất đồng, đề cao sự thân thiện và quảng đại của Ấn Độ đối với láng giềng. Kể từ tháng 6/2014, hàng loạt các chuyến thăm cấp cao song phương đã được Ấn Độ thực hiện, đi kèm với những gói tài chính quan trọng đổ vào cơ sở hạ tầng ở Afganistan, Sri Lanka, Maldives, Bhutan, Nepal, Bangladesh.
Đến chính sách chủ động tiến công, phối hợp cùng tiến
Không chỉ cải thiện chính sách phòng ngự tự thân, cả Mỹ và Ấn Độ đều cùng lúc chuyển sang thế “chủ động tiến công” trên tinh thần phối hợp hành động. Quá trình tăng tốc chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ được gắn liền với chiến lược đẩy mạnh “Hành động phía Đông” của Ấn Độ thời ông Modi. Quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng cũng được tiến hành song song với quá trình xây dựng “Hành lang kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Ấn Độ chủ trì, cùng đối trọng với “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Cả hai “đồng minh tự nhiên” đều nhận thức rõ nhu cầu hợp tác thiết yếu giữa một kinh tế có quy mô dân số đông nhất và một siêu cường có tiềm lực quân sự hùng hậu nhất trong thế giới tư bản nhằm mục tiêu kiềm chế - đối trọng với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Trong thông điệp liên bang đầu năm 2015, Tổng thống Obama khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc dẫn dắt thế giới, tuy nhiên nhấn mạnh nước Mỹ không thể tự thân thực hiện điều đó.
Cần lưu ý rằng, chính sách xây dựng đồng minh của Mỹ vẫn luôn nhất quán dành cho Ấn Độ nhiều ưu tiên (bao gồm cả các vấn đề về hạt nhân) kể từ sau Tuyên bố chung về “Triển vọng Mỹ - Ấn thế kỷ 21” vào cuối thập niên 1990. Thậm chí Cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đã khẳng định sẽ ủng hộ Ấn Độ với vai trò “quốc gia lãnh đạo” châu Á.
Đến năm 2013, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh tính chất “không thể thiếu” với Ấn Độ trong mối quan hệ đối tác chiến lược kiểu mẫu “góp phần định hình thế kỷ 21”. Mặc dù Ấn Độ chưa khi nào chấp nhận vị trí đồng minh trong quan hệ với Mỹ mà chỉ ngừng ở quan hệ đối tác chiến lược. Và trên thực tế, giữa hai nước vẫn còn nhiều điểm bất đồng quan trọng, tạo nên nhiều giai đoạn thăng trầm trong quan hệ.
Chỉ trong vòng 3 tháng đầu của chính quyền mới điều hành ở Ấn Độ, liên tiếp các quan chức cấp cao của Mỹ như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Thương mại đã đến New Delhi. Các cuộc gặp cấp cao này đã mở đường cho chuyến thăm chính thức của tân Thủ tướng Ấn Độ N. Modi (tháng 9/2014) sang Washington theo lời mời từ phía Mỹ.
Kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - Ấn. Với mục tiêu “duy trì an ninh châu Á”, cả hai quốc gia đều kỳ vọng sẽ tạo nên một “khuôn mẫu về quan hệ đối tác” cho cả thế giới.
Chuyến đi hấp dẫn
Bước sang năm 2015, dựa trên những nền tảng gắn kết trở lại cuối năm 2014, quan hệ Mỹ - Ấn càng được củng cố thêm bởi chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry đến New Delhi, hoàn tất những thủ tục cuối cùng trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ vào ngày 25/1.
Đây cũng là lần đầu tiên có sự hiện diện của một Tổng thống Mỹ tại Lễ Quốc khánh của Cộng hoà Ấn Độ, và Barack Obama cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm chính thức Ấn Độ hai lần khi còn tại nhiệm. Tổng thống Obama cũng sẽ tham dự chương trình phát thanh quốc gia đặc biệt cùng Thủ tướng Modi nhân sự kiện trọng đại này. Những cử chỉ thân thiện, gây thiện cảm của vị nguyên thủ Mỹ hứa hẹn sẽ tạo ra một cột mốc trong quá trình giải toả mọi bất đồng trong quan hệ Mỹ - Ấn nói riêng, và xu thế hợp tác đối trọng, mà dù không nói ra nhưng ai cũng đoán là mục tiêu nhắm đến là Trung Quốc.
Với những nội dung tăng cường hợp tác liên quan đến lĩnh vực kinh tế, hạt nhân và quốc phòng, thế “hợp tung” giữa trục Mỹ - Ấn xem như đã được gia cố kỹ lưỡng. Là hạt nhân có thể “gánh vác” cùng với Mỹ vai trò điều phối quan hệ với các đồng minh thân cận liên khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, v.v… sự trở lại mạnh mẽ của Ấn Độ và trục quan hệ Mỹ - Ấn sẽ mở ra cơ hội làm gãy trận đồ “liên hoành” của Trung Quốc hiện nay.