1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mưu đồ sáp nhập Aleppo của Thổ Nhĩ Kỳ

Chuyên gia phân tích Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiết lộ âm mưu rất nguy hiểm của Tổng thống Recep Tayip Erdogan của nước này, khi can thiệp vào Syria và Iraq.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phân chia

Bình luận viên chính trị của tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Aydınlık là ông Mehmet Ali Guller trong buổi trả lời phỏng vấn của Sputnik đã nêu lên ý kiến rằng, Tổng thống nước này là ông Recep Tayip Erdogan đang theo đuổi không ít mục tiêu trong chiến dịch quân sự ở Syria.

Trong đó, các mục tiêu công khai được đặt ra khi mới bắt đầu chiến dịch Lá chắn Euphrates là bảo vệ đường biên giới khỏi mối đe dọa từ phía tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và ngăn chặn việc thành lập vùng tự trị người Kurd ở dọc tuyến biên giới miền bắc Syria.

Ngoài những mục đích trên, chuyên gia Mehmet Ali Guller còn cho biết, hành động của Ankara trên lãnh thổ Syria còn có một mục tiêu khác lớn lao hơn mà tờ báo thân chính phủ “Yeni Şafak” đã nói rõ về mục tiêu này: Sáp nhập tỉnh Aleppo làm tỉnh thứ 82 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo vị chuyên gia này, có thể Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về việc Hoa Kỳ sẽ thực hiện chiến dịch giải phóng Raqqa, còn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trung vào Aleppo, trong đó trọng tâm là al-Bab, bởi vì thị trấn chiến lược này là chìa khóa để mở cổng của Aleppo.

Bên cạnh đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều động thêm lính đặc nhiệm Mũ nồi tím và trang bị nặng tiến sâu vào lãnh thổ Syria, lập căn cứ quân sự ở làng Akhtarin và làng Edle, nhằm chặn con đường nối từ Afrin và Azaz tới al-Bab, đi lên Manbij để tiến tới Kobani ở phía đông bắc.

Nếu kế hoạch này thành công, chính quyền Erdogan sẽ cắt đôi tỉnh Aleppo, hoàn toàn ngăn chặn được việc người Kurd ở 3 khu tự trị bắt tay nhau, lập phòng tuyến chống Thổ Nhĩ Kỳ trên khu vực biên giới giữa hai nước, đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho phiến quân và khủng bố Syria đánh chiếm lại đất đai đã mất sở Aleppo.

Erdogan đang âm mưu sáp nhập Aleppo và Mosul vào lãnh thổ của mình?
Erdogan đang âm mưu sáp nhập Aleppo và Mosul vào lãnh thổ của mình?

Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng, chiến được al-Bab thì họ sẽ đạt được mục tiêu phân chia Syria thành các vùng ảnh hưởng với Mỹ, nhưng nắm được âm mưu này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đổi hướng tiến công của quân chính phủ đang trên đường tới Raqqa sang al-Bab.

Syria và người Kurd đập tan âm mưu của Erdogan

Như vậy, cuộc hành quân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chiếm giữ al-Bab đã gây ra những thay đổi chiến thuật trong chiến dịch quân sự của quân đội Syria. Theo truyền thông địa phương, quân đội Syria ngay lập tức đổi hướng và hôm 1/12 đã tiến đến gần al-Bab.

Với sự hỗ trợ của lực lượng không quân Nga và không quân nước mình, Quân đội Syria đã giải phóng làng Azrak khỏi tay IS, đồng thời cũng giải phóng hầu hết các khu dân cư ở phía tây al-Bab khỏi những kẻ khủng bố và chỉ còn cách thị trấn này khoảng 3 km.

Trong khi đó, lực lượng vũ trang của người Kurd cũng đã nhanh chóng phối hợp để tái chiếm thị trấn chiến lược al-Bab từ tay IS, đồng thời chặn bước tiến của Quân đội Syria Tự do (FSA), được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Các tay súng thuộc lực lượng dân chủ Syria (SDF), nòng cốt là các đơn vị dân quân người Kurd (YPG) di chuyển theo 2 hướng từ Afrin và Manbij ập tới al-Bab để thiết lập quyền kiểm soát ở quanh thị trấn này, kết nối 2 khu tự trị của người Kurd ở Aleppo là Afrin và Kobani.

Do đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến đến khu vực chỉ còn cách al-Bab một vài cây số, nhưng đã phải dừng lại sau khi bị tấn công. Như vậy, al-Bab thành một địa điểm giành giật giữa quân đội Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mà tại đó có thể bùng nổ cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai nước.

Với việc quân đội Syria và người Kurd chuẩn bị chiếm al-Bab, âm mưu cắt đôi Aleppo, ngăn cản người Kurd ở khu tự trị Afrin (phía tây) bắt tay với người Kurd ở phía đông sông Euphrates (2 khu tự trị Kobani ở Aleppo và Jazira thuộc al-Hasakah), của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn toàn bị phá sản.

Bao công lao sắp bị “trôi sông đổ bể” nên rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ mất hết kiên nhẫn. Tình trạng này là một trong những lý do giải thích tại sao gần đây Erdogan có những tuyên bố rất gay gắt chống Assad, thậm chí công khai tuyên bố đưa quân vào Syria là để lật đổ ông này.

Erdogan muốn lấy “lửa bên ngoài” thúc đẩy quyền lực bên trong?

Theo ý kiến của ông Guller, Erdogan đang áp dụng chiến lược chính sách đối ngoại, đặc biệt theo hướng Syria, như một công cụ trong chính sách đối nội của Thổ Nhĩ Kỳ, để đổi chế độ Cộng hòa Nghị viện sang chế độ Cộng hòa Tổng thống mà ông ta ôm ấp bấy lâu nay.

“Còn có một mục tiêu ảo, mà Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đã tuyên bố với cử tri bằng những ngôn từ. Mục tiêu này là biến Aleppo thảnh tỉnh thứ 82 của Thổ Nhĩ Kỳ, và Mosul thành tỉnh thứ 83” - chuyên gia Guller nhận định.

Đó là lí do tại sao mà Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực tham gia vào cuộc chiến tái chiếm thành phố Mosul ở Iraq, một mặt là để “chia phần” thắng lợi, mặt khác là để ngăn cản quân đội Iraq lập được chiến công lớn và ngăn chặn người Kurd có ảnh hưởng rõ rệt ở khu vực này.

Nếu chiếm được al-Bab, cùng với al-Rai và Akhtarin, Thổ Nhĩ sẽ cắt đôi tỉnh Aleppo, do đó Syria và người Kurd đã hợp lực ngăn chặn
Nếu chiếm được al-Bab, cùng với al-Rai và Akhtarin, Thổ Nhĩ sẽ cắt đôi tỉnh Aleppo, do đó Syria và người Kurd đã hợp lực ngăn chặn

Ông Erdogan đang cố gắng gắn kết mục tiêu này với mục đích sửa đổi Hiến pháp, chuyển từ sang chế độ Cộng hòa Nghị viện sang chế độ Cộng hòa Tổng thống, bởi vì ông ta tin rằng, chỉ có chiến thắng ở Syria và Iraq mới có thể đảm bảo sự thống nhất và sự đồng thuận rộng rãi về vấn đề sửa đổi hiến pháp.

“Trong bối cảnh này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã biến vấn đề Aleppo thành một phần trong chiến dịch tuyên truyền chính trị nội bộ nước mình”, nhà phân tích Guller nói.

Nói về vấn đề người Kurd, ông Guller nhận xét rằng, nếu mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là ngăn chặn việc thành lập một hành lang của người Kurd ở phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, thì chìa khóa không phải ở al-Bab, mà là ở thành phố Manbij, còn về mặt chính trị thì ở Damascus.

Giả sử chính quyền Erdogan muốn ngăn chặn việc người Kurd mở rộng ảnh hưởng trong cuộc chiến chống IS và thành lập Liên bang tự trị thì Ankara phải bàn bạc với chính quyền Assad và chính đồng minh Mỹ để tước bớt vai trò quan trọng của của họ.

Trong khi chưa thiết lập cuộc đối thoại với Damascus và Washington, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có cách nào ngăn chặn các tham vọng của người Kurd. Erdogan hiểu điều đó nhưng ông ta vẫn tiến hành chiến dịch “Lá chắn Euphrates”, chứng tỏ là ông ta muốn chiếm Aleppo của Syria.

Theo Thiên Nam

Đất Việt