1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ tỉ phú Trung Quốc Guo Guangchang “biến mất bí ẩn”

Mục tiêu "thuần hóa rồng nhỏ quá độc lập"?

(Dân trí) - Theo Le Monde, ông Guo Guangchang (Quách Quảng Xương) được trông thấy lần cuối tại sân bay Thượng Hải, khi bước xuống máy bay từ Hồng Kông tới. Tạp chí Tài Kinh vốn rất thông thạo tin tức cho rằng ông ta bị công an áp giải…

Nhật báo Le Monde số ra ngày 11/12 có bài viết xoay quanh vụ "mất tích bí ẩn" của tỉ phú nổi tiếng Quách Quảng Xương, Chủ Tập đoàn Phục Tinh và là một nhân vật thân cận với giới chức Thượng Hải.

Mục tiêu "thuần hóa rồng nhỏ quá độc lập"? - 1

Quách Quảng Xương, Người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Phục Tinh. (Ảnh AP)

Việc Tập đoàn Phục Tinh (Fosun) chính thức công nhận đã "mất liên lạc" với ông Chủ tịch đủ để tạo ra một cơn địa chân chứng khoán, dẫn đến việc tạm ngưng giao dịch với các công ty chính của tập đoàn, gây thiệt hại khoảng 2,9 tỷ USD.

Sở dĩ như vậy bởi Quách Quảng Xương không phải là một nhân vật bình thường. Ở tuổi 48, tỉ phú này là một trong những doanh nhân được coi là đặc biệt và năng động nhất Trung Quốc.

Từ hai bàn tay trắng, cha mẹ chỉ là những người nông dân, Quách Quảng Xương đã dựng nên cơ đồ trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Ông trở thành 1 trong những tâm điểm của dư luận sau khi nắm được Club Med sang trọng của Pháp và Xiếc Mặt Trời của Canada. Quách Quảng Xương ngày càng nổi tiếng và còn được mệnh danh là Warren Buffet của Trung Quốc.

Quách Quảng Xương là người tỉnh Chiết Giang, thời thập niên 1980 theo học tại đại học Phục Đán (Fudan), Thượng Hải, từ khi dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh tại thành phố này Quách liên tiếp đầu tư vào các ngành luyện kim, dược phẩm, bảo hiểm…

Cái tên Quách Quảng Xương xuất hiện dày đặc hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng hồi mùa hè vừa qua trong vụ án Vương Tống Nam (Wang Zongnan), Chủ tịch Tập đoàn quốc doanh Bright Food chuyên về nông sản thực phẩm, cổ đông chính của nhà sản xuất ngũ cốc Anh Weetabix. Ông Vương đã bị kết án 18 năm tù vì tội tham nhũng và biển thủ.

Tòa án nêu ra vụ tập đoàn Phục Tinh nhượng lại cho cha mẹ của Vương Tống Nam hai biệt thự gần Thượng Hải năm 2003 với giá 2,1 triệu nhân dân tệ (khoảng 300.000 euro), thấp hơn giá thị trường thời đó 2,7 lần. Giải thích việc này hồi tháng 8 vừa qua, tập đoàn Phục Tinh biện minh rằng đó là giá bình thường vào lúc thị trường địa ốc sụt giá thê thảm.

Mục tiêu "thuần hóa rồng nhỏ quá độc lập"? - 2

Quách Quảng Xương, Chủ tịch Tập đoàn Phục Tinh. (Ảnh chụp năm 2014. Nguồn: AP)

Quách Quảng Xương được cho là có quan hệ rất thân thiết với giới chức chính quyền Thượng Hải - khu vực mà ông Tập Cận Bình qua chiến dịch chống tham nhũng muốn triệt hạ mạng lưới của những cựu VIP vẫn còn đầy uy lực "trong bóng tối".

Phó Thị trưởng Thượng Hải đồng thời là Giám đốc Khu mậu dịch tự do mới thành lập, ông Ngải Bảo Tuấn (Ai Baojun) cũng đang bị điều tra vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", đồng nghĩa với tội tham nhũng.

Bởi thế, vụ biến mất bí ẩn của "Quách Chủ tịch" ngay từ đầu đã gợi nên những đồn đoán ông ta bị bắt, bởi Chủ Tập đoàn Phục Tinh là nhân vật "cần bị hạ gục" (?)

Một trong những lý do cũng bởi Quách Quảng Xương là đại diện của lớp người thành đạt mới của Trung Quốc, thuộc thế hệ doanh nhân trong lĩnh vực tư nhân được hình thành thời thập niên 90 như các nhà sáng lập Geely (xe hơi), Alibaba (internet), Sany (xây dựng), Hoa Vi (tức Huawei, viễn thông) hay Lenovo (tin học). Họ thăng tiến chủ yếu nhờ tạo dựng được mối quan hệ rất thân thiết với giới lãnh đạo các địa phương.

Qua mối giao du mật thiết với các giới chức, những ông chủ trẻ này càng tỏ rõ năng lực nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để vươn ra tầm thế giới bằng các sản phẩm và nhãn hiệu riêng của mình. Họ được coi là đóng vai trò quan trọng đưa Trung Quốc ra khỏi vị trí làm gia công cho phương Tây. Họ giúp Trung Quốc tăng trưởng nhiều hơn là các tập đoàn quốc doanh vẫn đang phải chật vật tái cấu trúc.

Điển hình nhất trong số đó là Phục Tinh, tập đoàn được đánh giá là hiện thân của một Trung Quốc đang chuyển mình sang lĩnh vực dịch vụ và xã hội tiêu dùng - "biên giới mới" của đất nước.

Tất cả điều đó chắc chắn ban lãnh đạo hiện nay của ông Tập Cận Bình đều biết rõ và có lẽ Bắc Kinh chỉ muốn thuần hóa những "rồng nhỏ quá độc lập", để chứng tỏ rằng với chủ nghĩa tư bản theo kiểu Trung Quốc thì Nhà nước vẫn đóng vai trò Thượng đế toàn năng... Tác giả Philippe Escande nhấn mạnh trong bài viết trên Le Monde.

Quý Cao (Theo Le Monde)