1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Mùa xuân dịu dàng” trong quan hệ Trung-Nhật

(Dân trí) - Ngày 6/5, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt đầu chuyến công du kéo dài 5 ngày tới Nhật Bản. Đây là chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới xứ sở hoa anh đào trong 10 năm trở lại đây.

Chuyến đi nhằm củng cố quan hệ giữa hai người khổng lồ châu Á, bỏ qua những hồi ức đau buồn mà quá khứ chiến tranh để lại. 

Ông Hồ Cẩm Đào là chủ tịch nước thứ hai của Trung Quốc, sau ông Giang Trạch Dân tới thăm Nhật Bản vào năm 1998, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 36 năm. Cuộc xâm lược của Nhật trong những năm 30 của thế kỷ 20 và sự chiếm đóng Trung Quốc đến cuối Đại chiến thứ 2 đã ảnh hưởng xấu đến niềm tin trong quan hệ hai nước, bất chấp việc Nhật Bản tuyên bố không tham gia chiến tranh.

Trước khi lên đường đến Nhật Bản, ông Hồ Cẩm Đào đã dành thời gian trả lời phỏng vấn với phóng viên đại diện cho 16 cơ quan báo chí có trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh. Tại cuộc gặp này, chủ tịch Trung Quốc mong các phương tiện truyền thông Nhật Bản chuyển tới người dân nước này những  lời chúc chân thành, tốt đẹp và hy vọng chuyến thăm sắp tới của ông cũng sẽ thành công rực rỡ, "một mùa xuân dịu dàng đang đến trong quan hệ giữa nhân dân hai nước".

 

Năm 2008 là năm kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp định hoà bình và hữu nghị Trung-Nhật. Theo ông Hồ Cẩm Đào, 30 năm trở lại đây, hai nước đều nỗ lực cải thiện, phát triển quan hệ ổn định lâu dài, láng giềng thân thiện đáp ứng các lợi ích cơ bản của mỗi quốc gia cũng như nhân dân hai nước. Trong thời gian tới thăm xứ sở hoa anh đào, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bày tỏ sự thân thiện với người dân nước sở tại bằng những cuộc thi đấu bóng bàn hữu nghị, nói chuyện với sinh viên và thăm các danh thắng lịch sử.

 

Nhưng chủ đề chính của chuyến thăm lần này là những vấn đề nóng như bất đồng xung quanh việc khai thác các mỏ khí đốt ở biển Đông và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sau vụ phát hiện bánh bao của Trung Quốc xuất khẩu sang Nhật Bản có chứa thuốc trừ sâu. Ngày 2/5, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố hy vọng sẽ có các cuộc nói chuyện thẳng thắn về hợp tác Trung-Nhật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ giới hạn ở quan hệ song phương mà cả các vấn đề liên quan đến hoà bình và an ninh khu vực. Một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của chuyến công du lần này của ông Hồ Cẩm Đào là Nhật hoàng Akihito, người rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng sẽ 3 lần tiếp đón chủ tịch Trung Quốc trong thời gian lưu lại Nhật Bản.

 

Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch Trung Quốc cũng sẽ đề cập đến các vụ nổi loạn gần đây ở Tây Tạng, ông Fukuda khẳng định sẽ tới tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh dự kiến được tổ chức vào ngày 8/8 tới.

 

Theo ông Satoru Miyamoto, chuyên gia của Viện quan hệ quốc tế Đông Bắc Á, cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều mong muốn chuyến công du của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có những kết quả như mong đợi  vì Trung Quốc là nước đăng cai Thế vận hội 2008, còn Nhật Bản là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh các nước phát triển 8 vào tháng 7 tới. Ông Satoru Miyamoto cũng nhận định, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thay đổi khí hậu, vấn đề cốt yếu dẫn tới thành công cho Hội nghị G8 sắp tới là một trong số những thành công chắc chắn đạt được trong chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc. Theo nguồn tin chính thức của chính phủ Nhật Bản, hai ông Hồ Cẩm Đào và Fukuda sẽ ký nhiều thoả thuận hợp tác, một trong số đó liên quan đến lĩnh vực thay đổi khí hậu.

 

Kể từ khi trở thành thủ tướng Nhật Bản vào tháng 9/2007, ông Fukuda luôn cố gắng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, giống như người tiền nhiệm Shinzo Abe. Ông Abe đã hâm nóng quan hệ hai nước bằng chuyến thăm diễn ra tháng 10/2006, sau đó Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo có chuyến thăm “phá băng” tới Tokyo tháng 4/2007, tiếp đến là ông Fukuda thực hiện chuyến thăm “báo hiệu mùa xuân” trong quan hệ hai nước hồi tháng 12/2007.

 

Quan hệ Nhật-Trung gần như bị đóng băng trong suốt nhiệm kỳ của Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006), nguyên nhân là ông Koizumi thường tới thăm ngôi đền Yasukuni, nơi tưởng niệm các binh sĩ Nhật Bản hy sinh vì đất nước, trong đó có cả những người bị coi là tội phạm chiến tranh.

 

Ngọc Nhàn

Theo AFP, Tân Hoa Xã

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm