1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Một người Brazil và ước mơ sớm tàn ở Anh

Jean Charles de Menezes đến Anh làm thợ điện, mong kiếm chút tiền để trở về Brazil mở một trang trại. Trước khi bị bắn 5 phát đạn vào đầu trong ga tàu điện ngầm London, anh tâm sự với gia đình rằng vài năm nữa sẽ có đủ tiền để không bao giờ phải xa quê.

Nhưng hôm chủ nhật vừa rồi, ông Matzinhos - cha của Menezes, phải ôm ảnh con trai khóc ròng trong ngôi nhà lợp ngói cuối con đường đất lầm bụi ở làng Gongaza, bang Minas Gerais. Trong bức ảnh, đứa con trai 27 tuổi của ông đang tươi cười khoe bộ ngực trần trong khi tập tạ.

Khi về thăm nhà năm ngoái, Menezes kể với gia đình rằng anh đang làm ăn khá, kiếm được tiền và có nhiều bạn tốt, và còn sắm được cả một chiếc xe tải nhỏ. Cha của anh, vốn là thợ xây cả đời không đi đâu xa khỏi Gongaza, lo ngại rằng London có thể là một thành phố nguy hiểm, nhưng Menezes nói với cha đừng lo ngại gì.

"Họ không đánh nhau", ông Matzinhos nhớ lại lời con. "Ở đó tốt lắm, người ta không lăm lăm súng trong tay khi đi lại trên đường đâu".

Menezes bị bắn chết hôm thứ sáu tại nhà ga Stockwell của London khi cảnh sát đang tiến hành chiến dịch săn lùng thủ phạm loạt vụ đánh bom bất thành trong ngày hôm đó.

Các nhân chứng cho biết khi bị truy đuổi, Menezes đang mặc một áo khoác dày. Cảnh sát mặc thường phục đã theo anh vào một toa tàu điện ngầm, quật Menezes xuống đất và bắn 5 phát vào đầu.

Cảnh sát trưởng London sau đó kết luận Menezes không liên quan gì đến các hành động khủng bố và cam kết cho điều tra vụ việc.

Menezes, thường được các bạn bè người Anh gọi thân mật là Jim, khi đó đang trên đường đi sửa một cái chuông của khách hàng ở khu Wilsden Green. Anh họ của Menezes là Alex Pereira cũng sống ở London cho biết em của mình thường mang các dụng cụ điện trong một chiếc túi và dùng tàu điện ngầm để đi lại trong thành phố.

Mẹ của Menezes cho biết niềm yêu thích nghề điện đến với Menezes từ khi anh còn bé tí, có lẽ bởi vì điện không đến được với ngôi nhà nằm trong khu trang trại cam và chuối của gia đình anh, nơi chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 20 km. Khi Menezes lên 10, cậu bé đã lắp một cái radio từ những đồ cũ và sau đó quyết tâm trở thành thợ điện.

"Thằng bé rất vui sướng khi thấy chiếc đài chạy được", bà nức nở trong khi những người họ hàng xúm lại an ủi.

Cũng như nhiều người Brazil khác, Menezes từ ngôi làng nhỏ Gongaza 7.000 dân tới Sao Paulo, thành phố lớn nhất nước để tìm việc. Nhưng sau vài năm, Menezes nghiệm ra rằng anh sẽ không bao giờ tiết kiệm đủ tiền để lập trang trại ở trong một đất nước mà hàng chục triệu người vật lộn cũng chỉ kiếm được chừng 125 USD mỗi tháng.

Quyết định rời Brazil kiếm sống không phải là quá khó, bởi anh là cư dân của một bang miền trung, nơi nổi tiếng là có nhiều người rời quê sang Mỹ hoặc châu Âu kiếm tiền, với hy vọng sau đó về quê lập nghiệp.

Bố của Menezes cho biết lúc đầu anh muốn đi Mỹ, nhưng không lấy được visa làm việc. Thế rồi Menezes được nhận giấy phép nhập cảnh vào Anh, và đã thông thạo tiếng Anh sau 9 tháng ở quốc đảo.

Người cha nhận tin con trai mình chết từ một ông bác sĩ của làng Gongaza. Hôm thứ bảy, bác sĩ tới nhà để điều trị bệnh cao huyết áp cho ông, sau đó bảo ông bình tĩnh rồi mới báo cho biết con trai Menezes của ông đã bị bắn chết.

Giọng run run, cha của Menezes nói ông vẫn chưa biết khi nào thì xác của con được mang về nhà chôn cất. Họ hàng Menezes lên tiếng đòi trừng trị những người có trách nhiệm trong vụ việc.

"Chúng tôi chỉ mong được thấy công lý", người cha nói.

"Tôi vô cùng tức giận cảnh sát. Làm thế nào mà họ lại giết cả công nhân?", vợ của ông thêm vào.

Những người dân làng Gongaza còn nhớ hình ảnh tươi trẻ của Menezes khi chơi đùa với những thanh niên tuổi 20 như anh. "Ở đây chẳng có nhiều việc để làm, ngoài uống, nhảy múa và ăn đồ nướng", Raimundo Neves, một chủ khách sạn trong làng có con trai cùng lứa tuổi với Menezes nói. "Nhưng Menezes hầu như không uống rượu hay hút thuốc".

"Thằng bé muốn có tương lai", bà nói. "Nó sống cho tương lai, còn chúng tôi giờ đây phải ôm một nỗi đau không gì xoa dịu được".

Theo T. Huyền

Vnexpress/ AP