1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Một người Anh đòi quyền được chết

(Dân trí) - Một phụ nữ Anh 30 tuổi bị tật nguyền và đang phải chịu đựng bệnh tim trầm trọng, đã đệ đơn lên Toà án tối cao London để nhận quyền được chết, nhân danh sự tôn trọng quyền con người.

Cô Kelly Taylor đã phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của các bác sỹ từ hơn 1 năm nay. Cô mắc chứng Eisenmenger gây ra căn bệnh tim dị thường không thể phẫu thuật và chứng Klippel-Feil khiến bộ xương bị biến dạng. Cô cho biết: “Tôi quyết định làm điều đó vì tôi phải chịu đựng quá nhiều”. Cô chưa từng hưởng sống hạnh phúc và từ 5 năm nay, cực hình tồi tệ nhất đối với cô là sống ở trên đời này.

Kelly Taylor kết hôn cách đây 10 năm và hiện chồng cô đang từng ngày giúp cô chống chọi với bệnh tật. Ông đã hai lần cố giải thoát cho vợ, một lần bằng cách bỏ đói, nhưng cách đó thực sự đau đớn với Kelly. Các bác sĩ điều trị đã phải tăng lượng morphin để kéo dài tình trạng bán hôn mê cho cô. Nếu lượng morphin không đủ để mang Kelly về bên Chúa, ước nguyện cuối cùng của cô là được chết đói hoặc chết đuối. Các bác sĩ đã từ chối yêu cầu của cô vì cho rằng, làm như vậy giống như là sự gây chết không đau (euthanasia), hiện không được luật pháp Anh công nhận và có thể bị kết án 14 năm tù.

 

Các luật sư của Kelly Taylor định đem vấn đề ra trước Hội nghị châu Âu về quyền con người, dựa vào điều 3 quy định, cấm “ngược đãi phi nhân tính hay làm mất phẩm giá” và điều 8 nhấn mạnh đến sự tôn trọng cuộc sống riêng tư. Kelly Taylor cho biết, cô sẽ đòi đền bù và các quyền lợi nếu không được phép chết. Toà án tối cao Luân Đôn mở phiên sơ thẩm ngày 12/2 và dự kiến phiên toà kéo dài trong 3-5 ngày.

 

Tự tử có trợ giúp và sự gây chết không đau là bất hợp pháp tại Anh. Để tránh cấm đoán này, trong vài năm gần đây, có tới 60 người Anh đã tìm giải thoát khỏi cuộc sống địa ngục tại bệnh viện Dignitas ở Zirich, Thuỵ Sĩ, nơi mà tự tử có trợ giúp y học được công nhận. Nhưng Kelly Taylor không muốn thế, căn bệnh quái ác khiến việc di chuyển trở nên vô cùng khó khăn. Bản thân cô không muốn chết ở một nơi xa lạ mà muốn sống những giây phút cuối cùng trong ngôi nhà thân yêu của mình.

 

Ngày 12/2, phát ngôn viên của Hiệp hội y khoa Anh (BMA) tuyên bố rất có thiện cảm với cô Taylor nhưng không thể giúp cô hoàn thành ý nguyện, vì “điều đó sẽ kéo các bác sĩ vào vụ tự tử bất hợp pháp và phi đạo đức”. Ông Deborah Annetts của Hiệp hội “Chết với phẩm cách” lại cho rằng, Kelly Taylor chỉ yêu cầu có quyền được lựa chọn, kiểm soát cuộc sống của chính mình.

 

Theo nghiên cứu của Đại học bác sĩ hoàng gia (RCP) công bố tháng 5/2006, 73,2% bác sĩ Anh được hỏi phản đối thay đổi pháp lý liên quan đến sự gây chết không đau (euthanasi) và có tới 95,4% bác sĩ chuyên khoa điều trị tạm thời từ chối yêu cầu được chết của bệnh nhân. Euthanasia bị cấm ở hầu hết các nước trên thế giới, nhưng hợp pháp tại Hà Lan, Bỉ, Thuỵ Sĩ và bang Oregon của Mỹ.

 

Ngọc Nhàn

Theo AFP