1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Một năm dội bom IS, Mỹ và liên quân đang sa lầy?

(Dân trí) - Đã tròn một năm kể từ ngày 8/8/2014 khi Mỹ và liên quân tiến hành các vụ không kích nhắm vào nhóm Hồi giáo cực đoan IS. Chiến dịch tốn kém này ngốn chi phí ước tính gần 10 triệu USD/ngày nhưng lại đang sa lầy, trong khi IS vẫn không ngừng lớn mạnh.

Chi phí khổng lồ

Ngày 8/8 qua đánh dấu tròn một năm kể từ khi Mỹ và liên quân mở những đợt không kích đầu tiên nhắm vào tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

kobane-af828

Số liệu được Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ công bố ngày 7/8 cho thấy, tổng cộng Mỹ và đồng minh đã tiến hành 5.946 cuộc không kích tại Iraq và Syria, với 10.684 mục tiêu bị đánh phá. 3.262 công trình của IS, 119 xe tăng, 1.202 phương tiện và 2.577 vị trí chiến đấu bị phá hủy.

Đến nay, 3.300 quân nhân Mỹ đang được triển khai tới Iraq, cùng với 1.200 binh sỹ từ 17 quốc gia khác để huấn luyện quân đội Iraq.

Chi phí trong một năm qua cho chiến dịch này hiện đã cao ngất ngưởng. Số liệu được Lầu Năm Góc công bố hồi tuần trước cho thấy Mỹ đã tiêu tốn 3,5 tỷ USD, tương đương khoảng 9,4 triệu USD/ngày.

Trong cuộc họp báo hôm 7/8, người phát ngôn của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, đại tá Pat Ryder cho biết tính tới tháng 4, IS đã mất từ 25 – 30% lãnh thổ có dân cư mà nhóm này từng kiểm soát tại Iraq và Syria.

“Trong năm qua, chúng ta đã loại trừ hàng nghìn chiến binh IS khỏi chiến trường, cùng với hàng chục lãnh đạo cấp cao của tổ chức này”, ông Ryder khẳng định.

“Lãng phí khủng khiếp”

Tuy nhiên, chiến dịch của Mỹ và đồng minh đang bị nhiều chuyên gia xem là kém hiệu quả trong khi quá tốn kém.

Tờ The Hill tại Mỹ cho biết, IS đã nhanh chóng bù đắp tổn thất lực lượng bằng những tân binh. Hiện nhóm này vẫn có từ 20.000 - 30.000 chiến binh tại Iraq và Syria, tương đương thời điểm Mỹ và liên quân bắt đầu không kích.

is-in-tel-abyad-town-9a6db

Cây bút Trevor Timm của tờ Guardian tại Anh trong bài viết ngày 5/8 thì mô tả chiến dịch này là “sự lãng phí khủng khiếp và không có mục tiêu rõ ràng cũng như thời điểm kết thúc”.

“Đến nay, hàng tỷ USD đã được chi ra, hàng nghìn quả bom được trút xuống, hàng trăm thường dân bị sát hại, còn ISIS vẫn không hề yếu hơn so với tháng 8 năm ngoái, khi các cuộc không kích bắt đầu”, ông Timm viết.

Nhà báo này cũng chỉ trích việc không kích gây thương vong cho dân thường ở mức rất cao. Trong khi Mỹ chỉ thừa nhận làm 2 người dân thiệt mạng trong suốt một năm qua, báo cáo mới đây của các phóng viên và nhà nghiên cứu trong khu vực tin rằng, con số thật phải lên tới gần 500 người.

David Deptula, một thiếu tướng không quân Mỹ đã về hưu thì cho rằng sự thận trọng quá mức và cường độ thấp của các cuộc không kích sẽ không thể đẩy lùi IS.

“Các cuộc không kích đến nay chỉ có thể được gọi là thiếu máu”, ông Deptula khẳng định với tờ NRP, và tin rằng chỉ chục cuộc không kích mỗi ngày sẽ không đem lại kết quả gì.

Bản thân tình báo Mỹ cũng thừa nhân, về cơ bản IS không yếu đi so với một năm trước. Trong một báo cáo được hãng tin AP đăng tải ngày 31/7, các cơ quan tình báo Mỹ mô tả tình hình hiện tại là “bế tắc chiến lược”.

is-territory-9dcd2

Nhà nước Hồi giáo vẫn có một đội quân cực đoan được chu cấp đầy đủ, có khả năng củng cố lực lượng bằng các chiến binh thánh chiến nước ngoài, nhanh tương đương tốc độ Mỹ có thể triệt hạ. Trong khi đó, nhóm này đã mở rộng ra nhiều nước, như Libya, bán đảo Sinai của Ai Cập và Afghanistan.

Và cũng theo các quan chức tình báo Mỹ cùng các chuyên gia khác, IS không hề có nguy cơ bị đánh bại trong tương lai gần.

“Áp lực họ đang tạo ra tại khu vực Raqqa, Syria là đáng kể…nhưng nhìn vào bức tranh toàn cảnh, ISIS hầu như vẫn như xưa”, Harleen Gambhir, chuyên gia chống khủng bố tại Viện nghiên cứu chiến tranh, Washington khẳng định.

Mỹ và đồng minh đang sai lầm

Chiến lược chống IS của chính quyền Mỹ và các đồng minh phương Tây đang bị xem là sai lầm, hoặc ít nhất bế tắc.

“Không có điều gì đặc biệt ở ISIS khiến chúng trở thành những kẻ duy nhất có thể tồn tại lâu dài như một nhà nước phi chính thức. Chúng không được trang bị tốt hơn để nắm giữ các vùng lãnh thổ như al-Qaida hay các nhóm phiến quân khác chúng ta từng thấy tại Trung Đông hoặc Bắc Phi trong thập kỷ qua”, Michael Nayebi-Oskoui, một nhà phân tích cấp cao về Trung Đông tại Stratfor, một công ty tư vấn và tình báo toàn cầu tại Texas, Mỹ.

Sự khác biệt, theo Nayebi-Oskoui, đó là ở sự kết hợp nguy hiểm giữa những bất ổn từ cuộc nội chiến hiện tại ở Syria, tạo ra khoảng trống quyền lực cho IS điều hành nhà nước Hồi giáo, và sự thiếu đồng thuận cũng như hợp tác giữa các lực lượng chống IS.

Trên thực tế, mỗi bên tham gia liên minh chống IS lại có những mục tiêu khác nhau. Washington sẽ không nhúng tay vào cuộc nội chiến giữa chính quyền Syria và những bên còn lại. Thay vào đó, Mỹ sẽ dành mọi nỗ lực để bảo vệ các lợi ích của mình ở nước ngoài, cũng như trong nước.

Các bên khác trong liên minh, như Arập xê út, chủ yếu quan tâm đến việc hạn chế ảnh hưởng của Iran có thể lan rộng nhờ khủng hoảng tại Syria và Iraq.

“Tình hình tại Syria hiện tại quá bi đát, điều tương tự cũng đang diễn ra tại Iraq, và sự hiện diện của các phần tử thánh chiến tại đây sẽ còn tiếp tục”, Robin Simcox một chuyên gia tại cơ quan tư vấn Henry Jackson Society, London, Anh nhận định. “Cách duy nhất ISIS có thể tuyển mộ thêm quân là thông qua kiểm soát lãnh thổ - mà đến nay cộng đồng quốc tế không thể giành lại đủ nhanh và đủ nhiều”.

Thanh Tùng

Tổng hợp

 

Một năm dội bom IS, Mỹ và liên quân đang sa lầy? - 4

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm