1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Một lần thấy Fidel trào nước mắt

Ngày 28/7/1992, trong căn nhà một buồng xây bằng đá của xứ Galicia cằn cỗi ở Tây Ban Nha, Fidel Castro đã trào nước mắt. Tôi vừa kịp lách được vào phòng trước khi cánh cửa đóng lại, và nhìn thấy rõ giọt nước mắt hiếm hoi rơi xuống và biến mất trong chòm râu nổi tiếng của ông.

Trên đây là tiết lộ của nhà báo Phil Davidson trên tờ The Independent ngày 6/8 về những chi tiết ít ai biết trong cuộc đời của nhà lãnh đạo Cuba.

 

Nhà lãnh đạo Cuba kể với người anh em họ đến chào ông rằng cụ thân sinh ra Fidel, Angel Castro Argiz, từ ngày di cư sang Cuba năm 1902 vẫn luôn ao ước được về thăm lại ngôi nhà ở làng Lancara, nhưng cụ qua đời vào năm 1956 mà không được thỏa nguyện. Bây giờ, người con đến đây để thực hiện mong muốn của cha mình. Đến khi ông bước ra ngoài trời, đối diện với các ống kính, giọt nước mắt đã khô từ lâu và Castro trở lại thành nhà chính khách đường bệ, dù có vẻ ưu tư hơn thường lệ.

 

Trong nhiều lần đến Cuba sau đó và quan sát ông tại nhiều hội nghị thượng đỉnh trên khắp thế giới, tôi không bao giờ thấy "nhà lãnh đạo tối cao" thể hiện bất kỳ cảm xúc nào ngoài những lời lẽ hùng hồn nảy lửa chống lại chính sách đối ngoại của Mỹ, thường là rất có căn cứ. Còn một tuần nữa là đến sinh nhật thứ 80 của ông, người ta vẫn yêu và ghét ông, nhưng chắc chắn là không biết gì nhiều về ông.

 

Ít ai từng được thấy, hay nghe nói về những người thân trong gia đình ông, trừ nhân vật số 2 và là người đang tạm nắm quyền đất nước Raul Castro. Không có phủ chủ tịch, và hầu hết mọi người Cuba đều không biết ông sống ở đâu; một phần vì ông luôn di chuyển để đảm bảo an ninh, phần khác vì báo chí trong nước không bao giờ nói về nơi ở chính của ông ở phía tây Havana, nơi lực lượng an ninh gọi là Punto Cero - "điểm số 0".

 

Siêu mẫu Naomi Campbell từng đến Cuba cùng Kate Moss năm 1998. Cả hai gặp Castro sau một buổi ghi hình thời trang ở Havana. "Tôi so sánh ông ấy với Nelson Mandela vì cả hai đều là nguồn cảm hứng cho những người khác. Họ đều đấu tranh hết mình cho niềm tin của mình. Castro nói được gặp trực tiếp chúng tôi là điều rất phi thường. Ông biết tôi là phụ nữ da đen đầu tiên xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Vogue, còn Kate là người khởi đầu cuộc cách mạng của những người mẫu nhỏ nhắn. Do vậy tôi đồ rằng trong con mắt ông, cả hai chúng tôi đều là những nhà cách mạng".

Không ai được mời đến đây. Khách của Fidel Castro chỉ được thông báo nơi gặp trước một thời gian ngắn, tại một trong những nơi ở bí mật khác, hoặc là một khách sạn quốc doanh được bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Castro thích mời bạn bè đến ăn uống cùng ông từ sáng sớm. Trong nhiều năm liền, các vị khách bao gồm cả nhà văn Ernest Hemingway, và gần đây là nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez và huyền thoại bóng đá Argentina Maradona.

 

Sự tồn tại của Punto Cero chỉ được phát hiện sau khi một kênh truyền hình ở Florida phát bộ phim tư liệu 10 phần hồi năm 2002 mang tên Cuộc sống bí mật của Fidel Castro. Phim được làm dựa trên một cuốn băng video quay tại nhà riêng của người con trai của Castro là Antonio, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Antonio đã sơ ý để quên cuốn băng tại nhà người yêu cũ, cô này sau đó chạy trốn sang Miami. Thiết bị sang trọng duy nhất trong căn nhà trên là một chiếc TV màn hình lớn, nghe nói Castro thường dùng để xem các băng video do cơ quan tình báo thực hiện về hoạt động ly khai. Cuốn băng còn cho thấy Castro chuyện trò với 3 người cháu đang chơi trong chậu tắm, bên ngoài là một sân chơi tennis và bóng rổ.

 

Gần đây, lần đầu tiên Castro tiết lộ rằng khi đi ra nước ngoài, đến phút cuối cùng ông mới chọn 1 trong 2 chiếc máy bay phản lực giống hệt nhau, tin rằng như thế sẽ giảm bớt nguy cơ bị ám sát. Từng có tới hơn 30 âm mưu ám sát nhằm vào Fidel Castro đã được xác nhận.

 

Một số âm mưu ám hại Fidel Castro giống với kịch bản phim hài hơn là phim hành động. Như vụ một điệp viên CIA cài cắm trong số người phục vụ đưa cho ông điếu xì-gà nhồi chất nổ, nhưng do điếu thuốc không bén lửa nên Fidel đã vứt luôn. Rồi vụ một nhân viên trẻ ở khách sạn Habana Tự Do bị CIA mua chuộc, khi định cho thuốc độc vào ly sữa dâu yêu thích của Castro đã run tay đến mức thuốc rớt hết ra ngoài ly.

 

Các biện pháp gây hại ít ghê rợn hơn cũng từng được thi thố và thất bại với nhà lãnh đạo Cuba, bao gồm cả bộ đồ lặn có lớp lót tẩm thuốc độc hay chai dầu gội đầu có tác dụng làm rụng hết râu tóc của ông - được cho là có hiệu quả phá hoại hình ảnh "Ông râu quai nón" trứ danh.

 

Castro không chủ trương sùng bái cá nhân. Không nơi nào dựng tượng của ông, không đường phố nào mang tên ông, chỉ có một vài áp phích lớn in hình ông, vào những ngày lễ lớn. Các tranh cổ động thường xuyên in hình hai người đồng chí đã qua đời của ông là Ernesto Che Guevara và Camilo Cienfuegos. Và trong các khu chợ ở Havana, hình ảnh Che tràn ngập trên các loại áo phông, cốc chén, khăn bông và bất cứ thứ gì bạn thích.

 

Với chúng tôi, những thiếu niên hoặc lớn hơn một chút vào năm 1959, hình ảnh một Castro đẹp trai, râu quai nón, đứng hiên ngang trên chiếc xe Jeep tiến vào Havana, một tay khoác khẩu tiểu liên và tay kia cầm điếu xì-gà Cohiba, được đám đông chào đón bằng những bó hoa tung đầy người, từng là một khoảnh khắc lãng mạn đến dữ dội.

 

Tính chất lãng mạn của cuộc cách mạng lên đến đỉnh điểm khi chúng tôi biết rằng Fidel, Che và 80 người khác, sau khi lập kế hoạch làm cách mạng trong một nhà ăn ở Mexico, đã vượt biển về Cuba trên chiếc tàu ọp ẹp có sức chở 8 người, trong một hành trình sóng gió kéo dài hơn một tuần. Họ mua lại con tàu từ một người Mỹ, ông này đặt tên tàu là Granma để tưởng nhớ người bà của ông. Lần đầu tiên đến Cuba, tôi tưởng tên tờ báo của Đảng Cộng sản là một từ tiếng Tây Ban Nha mà tôi không rõ nghĩa. Đó là từ Granma, và đến bây giờ vẫn là cái tên đó.

 

Theo Thanh niên