Moscow tố EU, NATO lập "liên minh gây chiến" với Nga
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga cho rằng các động thái EU và NATO về cơ bản nhằm hình thành một "liên minh mới" chống lại Moscow.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24/6 cho biết, Moscow "không ảo tưởng" rằng viễn cảnh "tâm lý bài Nga" trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm chấm dứt.
Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố, Nga sẽ theo chặt chẽ tất cả "bước đi thực tế" mà EU và các quốc gia ứng viên muốn gia nhập EU phải thực hiện. Nhà ngoại giao Nga dường như muốn nhắc đến Ukraine, quốc gia vừa được EU trao tư cách ứng viên hôm 23/6.
"Bây giờ, EU cùng với NATO đang thành lập một liên minh khác - một liên minh hiện đại - để đối phó và cuối cùng là chiến tranh với Liên bang Nga", ông Lavrov cảnh báo.
Bình luận của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông đề xuất thành lập một liên minh hàng hải quốc tế để hộ tống các tàu chở ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen như một nỗ lực can thiệp vào khu vực dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Ông Lavrov cho rằng các kế hoạch như vậy là không cần thiết trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Ông cũng khẳng định Moscow sẽ đảm bảo an ninh cho các tàu thuyền đi qua eo biển Bosphorus, một hướng tiếp cận Biển Đen quan trọng do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Hội đồng châu Âu tuần này đã trao quy chế ứng viên cho Ukraine và Moldova. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng Ukraine, Moldova sẽ phải tiếp tục nỗ lực ở giai đoạn tiếp theo để tiến tới chính thức được kết nạp vào EU.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đây là "thời điểm lịch sử và chưa từng có" trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Ukraine.
Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận việc Ukraine trở thành thành viên của EU, tương tự việc Ukraine gia nhập NATO. Đây là sự thay đổi về lập trường của Nga, vì trước đây Moscow không phản đối Ukraine gia nhập EU.
Tham vọng gia nhập EU và NATO của Ukraine đã được duy trì trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Ukraine từng thừa nhận việc nước này chính thức được kết nạp vào NATO dường như sẽ khó có khả năng xảy ra trong tương lai gần.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine 4 tháng trước, 27 quốc gia thành viên EU đã ban hành 6 gói trừng phạt Moscow, bao gồm đóng băng tài sản và cấm thị thực đối với các nhà tài phiệt và quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu, đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương, ngắt kết nối ngân hàng khỏi hệ thống tài chính SWIFT và cấm nhập khẩu than và một phần dầu mỏ của Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi các động thái trừng phạt của châu Âu là "con dao 2 lưỡi" khi các lãnh đạo EU dường như đã tạo ra thiệt hại nghiêm trọng tới nền kinh tế của chính họ. Giá nhiên liệu tăng phi mã trong thời gian qua đã khiến một số quốc gia hứng chịu lạm phát kỷ lục. Ông Putin cảnh báo thiệt hại trực tiếp của EU vì các lệnh trừng phạt có thể vượt qua mốc 400 tỷ USD trong một năm và người dân trong khối sẽ phải gánh khoản phí này.