Mối quan hệ phức tạp giữa cựu Tổng thống Sarkozy và cố lãnh đạo Libya
(Dân trí) - Sau gần 5 năm điều tra, ngày 21/3, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chính thức bị thẩm vấn về cáo buộc nhận gần 70 triệu USD của chính phủ Libya tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông hồi năm 2007.
Ngày 21/3, cựu Tổng thống Pháp Sarkozy đã lần đầu tiên bị thẩm vấn liên quan đến cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế. Mặc dù cuộc điều tra vụ việc này đã được bắt đầu từ năm 2013, song đến nay ông Sarkozy mới chính thức bị thẩm vấn và chịu sự giám sát về pháp lý.
Vụ việc bị phanh phui từ năm 2011 sau khi Saif al-Islam, con trai cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, nói rằng chính phủ nước này đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy và nắm trong tay đầy đủ bằng chứng, đồng thời yêu cầu ông Sarkozy trả lại số tiền này.
Trong suốt gần 5 năm qua, có nhiều thông tin cho thấy ông Sarkozy có thể đã phạm tội. Trong đó, đáng chú ý nhất là tuyên bố của Ziad Takieddine - một tay buôn vũ khí gốc Pháp. Trả lời phỏng vấn trang tin Mediapart năm 2016, Takieddine cho biết đã giới thiệu ông Sarkozy với cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Takieddine tiết lộ đã mang 3 vali tiền từ Libya về Pháp và cũng đưa tận tay 5 triệu euro cho Claude Guéant - Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy.
Trước đó năm 2012, chính trang Mediapart cũng từng công bố một bản ghi nhớ trong kho tài liệu của cơ an ninh Libya nêu rõ chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy đã nhận 50 triệu euro (tương đương gần 70 triệu USD theo tỉ giá khi đó) từ chính phủ của Gaddafi. Số tiền này nhiều hơn gấp đôi số tiền tranh cử tối đa mà ông được phép nhận khi tranh cử là 21 triệu euro.
Trong khi đó, luật sư của cựu Thủ tướng Libya Baghdadi Ali Al-Mahmoudi tiết lộ chính ông Sarkozy đã từng cảm ơn Gaddafi vì “số tiền tài trợ hậu hĩnh”.
Về phần mình, ông Sarkozy kiên quyết phủ nhận các cáo buộc nhận hối lộ, gọi đây là những tuyên bố “nực cười” và là “sự thao túng trắng trợn”.
Tuy nhiên, hãng tin France24 ngày 21/3 cho rằng cựu Tổng thống Pháp Sarkozy có mối quan hệ khá phức tạp với cố lãnh đạo Libya Gaddafi. Không lâu sau khi nhậm chức, ông Sarkozy đã mời Gaddafi tới thăm Paris và chào đón nhà lãnh đạo Libya với nghi thức cấp cao, bất chấp sự phản đối của nhiều quan chức Pháp. Khi đó, ông Gaddafi bị coi là kẻ độc tài và tài trợ cho khủng bố.
Dưới sự lãnh đạo của Gaddafi, Libya là một quốc gia giàu có với trữ lượng vàng lên tới 143 tấn, song phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt tài chính của quốc tế. Đến đầu năm 2011, phong trào nổi dậy bắt đầu bùng phát ở Libya yêu cầu ông Gadhafi từ chức sau hơn 40 nắm quyền. Và ngay trong tháng 3 năm đó, nhờ sự mở đường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Pháp đã phát động một chiến dịch can thiệp quân sự tại Libya nhằm “bảo vệ dân thường” trước các cuộc tấn công của chính quyền Gaddafi.
Tuy nhiên, việc Pháp can thiệp quân sự vào Libya có thể không đơn giản chỉ để bảo vệ lợi ích của người dân nước này. Trong một tuyên bố khi đó, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết nước này sẽ cùng Mỹ, Anh và một số nước khác thành lập liên minh quân sự, tham gia chiến dịch chống lại chính quyền Gaddafi. Chỉ sau đó nửa năm, chính quyền Gaddafi bị lật đổ và nhà lãnh đạo này bị sát hại.
Có ý kiến cho rằng việc cựu Tổng thống Pháp Sarkozy quyết định can thiệp vào tình hình Libya hồi năm 2011 có thể nhắm tới cả lợi ích dầu mỏ và xây dựng tầm ảnh hưởng về chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.
Nhật Minh
Tổng hợp