1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mối quan hệ Bolton-Pompeo trên bờ vực chia rẽ sâu sắc

Căng thẳng kéo dài giữa hai nhân vật hàng đầu trong nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dần biến thành sự đối địch nghiêm trọng.

Từ nhiều tháng qua đã xảy ra nhiều xích mích giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đài CNN lần đầu tiên đưa tin này hồi tháng 5. Ông Bolton và ông Pompeo hiếm khi trao đổi bên ngoài các cuộc họp chính thức, bao gồm cả một tuần gần đây không nói chuyện với nhau.

Mối quan hệ Bolton-Pompeo trên bờ vực chia rẽ sâu sắc - 1

Ông Mike Pompeo nói chuyện với ông John Bolton trước một cuộc họp báo tại Vườn hồng vào tháng 6-2018. Ảnh: CNN

Trước tình trạng đó, ông Trump đã không cho biết liệu ông có quan tâm đến những bất đồng đang xảy ra trong nhóm cố vấn cấp cao của mình hay không. Trên thực tế, ông ấy đã nói trong quá khứ rằng ông ấy có xu hướng thích thú khi các trợ lý bất hòa với nhau.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã dẫn đến một trạng thái chia rẽ sâu sắc đối với các nhân viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ làm việc dưới thời ông Bolton - người chịu trách nhiệm điều phối chính sách đối ngoại và các lựa chọn an ninh quốc gia cho tổng thống.

Sự rạn nứt trong nội bộ Mỹ làm một số đồng minh và chuyên gia lo ngại về việc ai đang điều hành chính sách của ông Trump ở nước ngoài.

"Nhóm cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Mỹ hiện nay đang yếu nhất trong nhiều thập kỷ và hiện đang trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ lại không thực sự quan tâm vấn đề nghiêm trọng này", ông Tom Wright, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, cho biết.

Trong khi quan điểm của hai nhân vật trụ cột này về các vấn đề chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn chủ yếu là tương đồng, bao gồm Iran, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Venezuela, nhiều quan chức Nhà Trắng bày tỏ sự thất vọng khi mối quan hệ giữa một ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia có thể tan rã đến mức này.

Mối quan hệ Bolton-Pompeo trên bờ vực chia rẽ sâu sắc - 2

Ông Mike Pompeo và ông John Bolton tại Nhà Trắng vào tháng 10-2018. Ảnh: CNN

Ông Pompeo đã tham gia vào chính quyền Trump với tư cách là giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Ông có mối quan hệ gần gũi với ông Trump hơn bất kỳ thành viên nào khác trong chính quyền Mỹ. Kỹ năng của ông phù hợp với ý thích bất chợt của ông Trump theo cách mà ông Bolton đã không làm được.

Trong khi ông Pompeo có xu hướng đạt được sự cân bằng giữa những gì Tổng thống muốn và điều mà Hội đồng An ninh Quốc gia cảm thấy là quan trọng, ông Bolton lại tỏ ra hiếu chiến và thẳng thắn hơn trong quan điểm của mình, một phong cách đã khiến Tổng thống Mỹ khó chịu trong những tháng gần đây.

Trong bài phát biểu từ Phòng Bầu dục hồi tháng 5, ông Trump nói với các phóng viên: "Tôi thực sự đã tiết chế John Bolton, điều này khá tuyệt vời". Thêm vào đó, ông Trump cũng đã nói với những người khác, bao gồm cả các nhà lãnh đạo nước ngoài, rằng quan điểm diều hâu của ông Bolton không phải lúc nào cũng đại diện cho ông.

Tuần trước, tờ The Washington Post đưa tin ông Bolton đã phải ngồi ngoài khi các quan chức hàng đầu chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Taliban. Sự phản đối kiên quyết của ông Bolton đối với một thỏa thuận hòa bình đã làm phật ý Tổng thống Mỹ khi ông muốn rút quân đội khỏi Afghanistan vào cuối năm 2020.

Ông Bolton và các cố vấn khác đang chỉ trích gay gắt các điều khoản của thỏa thuận mới với Taliban, tin rằng dù mong muốn cơ bản của ông là rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, ông Trump vẫn có thể thay đổi ý định nếu thông tin bổ sung được trình bày theo một cách nhất định, nguồn quen thuộc với suy nghĩ của Tổng thống nói.

Trong khi đó, ông Pompeo và đặc phái viên dẫn đầu các cuộc đàm phán, ông Zalmay Khalilzad, vẫn tập trung vào việc đảm bảo một thỏa thuận hòa bình, điều này sẽ làm giảm số lượng quân đội Mỹ ở Afghanistan từ khoảng 14.000 xuống còn 8.000, phù hợp với mục tiêu rút quân của chính Tổng thống.

Giờ đây, ông Pompeo đã tránh mặt ông Bolton và các cuộc họp an ninh quốc gia gần đây là ví dụ rõ nét nhất về cách mà ông Pompeo đã xa lánh vị cố vấn an ninh này.

Theo Kim Nguyên

Pháp luật TP.HCM