1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mối nguy hiểm đang rình rập F-16 của Ukraine sau vụ S-300 Nga diệt MiG-29

Minh Phượng

(Dân trí) - Mới đây, tên lửa S-300 Nga đã bắn hạ 1 máy bay MiG-29 Ukraine ở Kharkov. Đây chỉ là một trong những mối nguy hiểm đang rình rập phi công F-16. Để sống sót, phi công phải làm gì?

Mối nguy hiểm đang rình rập F-16 của Ukraine sau vụ S-300 Nga diệt MiG-29 - 1

Ukraine đang rất cần tiêm kích F-16 để thay đổi cuộc chơi (Ảnh: Sky News).

Tên lửa S-300 Nga chớp nhoáng bắn hạ MiG-29 Ukraine

Tại mặt trận Kharkov, gần thành phố Volchansk, nơi đang giao tranh ác liệt, 2 chiếc MiG-29 của Ukraine đã tiến hành không kích vào các vị trí Nga trong khu vực.

Theo kênh Mach, hệ thống phòng không S-300 của Nga, có trận địa tại Belgorod đã phóng 3 tên lửa. Một quả đã trúng đích, tiêu diệt một chiếc, trong khi 2 quả còn lại bắn trượt chiếc thứ hai, do phi công phản xạ tránh được.

Volchansk nằm ngay gần biên giới giữa Nga và Ukraine, chỉ cách Belgorod khoảng 60km. Các máy bay Ukraine được cho là xuất phát từ sân bay Poltava, cách khu vực tác chiến hơn 345km.

Các thông tin cho thấy, chiếc MiG-29 bị rơi ở phía nam thành phố, chìm trong biển lửa trên mặt đất nhưng không có thông tin nào về dù bung ra, rất có khả năng phi công đã thiệt mạng.

Theo suy đoán, trong 2 chiếc máy bay này vừa thực hiện nhiệm vụ ở Volchansk, có thể thuộc lô tiêm kích của Slovakia tặng cho Ukraine, vì một chiếc MiG-29AS xuất xứ từ Slovakia treo 5 quả bom GBU-39B SDB đã hoạt động gần mặt trận chỉ một ngày trước đó.

Năm ngoái, Slovakia đã có động thái quan trọng khi chuyển 13 tiêm kích MiG-29AS từ lực lượng không quân nước này sang Ukraine, trong đó có 4 chiếc do phi công Ukraine điều khiển và số còn lại vận chuyển bằng đường bộ.

Hiện tại, số lượng máy bay chính xác của Ukraine vẫn chưa rõ ràng. Các thông tin vẫn đề cập đến tiêm kích MiG-29 và Su-27 của Ukraine thường xuyên xuất kích.

Ngoài ra, các nguồn tin của cả hai bên đều khẳng định, Ukraine vẫn đang còn sử dụng máy bay ném bom Su-24 và máy bay cường kích Su-25, nhưng số lượng rất ít.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Liên Xô phát triển và sau này Nga cải tiến có khả năng phát hiện, bám sát và đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Việc phát hiện mục tiêu của hệ thống phòng không S-300, bắt đầu bằng hệ thống radar trinh sát nhìn vòng 64N6E và radar chiếu xạ 30N6E.  

Trong đó radar 64N6E có phạm vi phát hiện lên tới 300km, theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc. Sau khi phát hiện, thông tin mục tiêu sẽ được chuyển đến radar 30N6E, có nhiệm vụ khóa và dẫn đường cho tên lửa tới mục tiêu.

Đài 30N6E có thể theo dõi mục tiêu ở khoảng cách lên tới 200 km, sau khi khóa, nó liên tục cập nhật vị trí, tốc độ và quỹ đạo giúp chỉ huy và trắc thủ điều khiển của hệ thống S-300 xử lý dữ liệu và chọn tên lửa thích hợp để đánh chặn. Hệ thống này thường sử dụng dòng tên lửa 5V55 hoặc 48N6, được trang bị hệ thống dẫn đường bằng radar bán chủ động.

Mối nguy hiểm đang rình rập F-16 của Ukraine sau vụ S-300 Nga diệt MiG-29 - 2

Tiêm kích MiG-29 Không quân Ukraine (Ảnh: Telegram).

Những tên lửa này được trang bị radar bán chủ động, dẫn đường dựa vào sự chiếu xạ liên tục tới mục tiêu bởi radar 30N6E, để lao tới mục tiêu của chúng.

Khi tên lửa được phóng đi, nó nhận được thông tin cập nhật giữa chặng đường từ radar 30N6E để điều chỉnh quỹ đạo và đảm bảo vẫn đi đúng hướng. Giai đoạn bay này rất quan trọng để đánh chặn các mục tiêu di chuyển nhanh, vì nó cho phép tên lửa điều chỉnh đường đi, để đối phó bất kỳ hành động né tránh nào.

Khi đến giai đoạn cuối, đầu dò radar trên tên lửa sẽ đảm nhiệm vai trò cung cấp hướng dẫn chính xác cho lần tiếp cận cuối cùng. Thiết bị tìm kiếm này đảm bảo rằng tên lửa có thể tiếp cận mục tiêu một cách chính xác, ngay cả khi nó cố gắng thực hiện các hành động lẩn tránh vào phút cuối. Tên lửa được thiết kế để kích nổ đầu đạn ở gần mục tiêu, nhằm tối ưu hóa khả năng đánh chặn.

Việc tích hợp các hệ thống radar tiên tiến, công nghệ dẫn đường tên lửa và cơ chế chỉ huy và kiểm soát này cho phép hệ thống S-300 phát hiện và đánh chặn hiệu quả các mục tiêu ở khoảng cách trên 60km.

Khả năng theo dõi nhiều mục tiêu và cung cấp thông tin cập nhật liên tục của S-300, đảm bảo xác suất bắn hạ mục tiêu rất cao, khiến nó trở thành một vũ khí nguy hiểm trong mạng lưới phòng không của Nga.

Phi công F-16 của Ukraine muốn sống sót phải làm gì?

Ukraine đang rất cần máy bay chiến đấu, do số lượng máy bay này đã giảm đi rất nhiều trong vài năm qua. Tin vui là Không quân Ukraine sẽ sớm nhận được khoảng 85 máy bay chiến đấu F-16, cũng như các phi công Ukraine do các đối tác phương Tây huấn luyện, nhưng tin buồn là những nguy hiểm đang chờ đợi họ. Điều này đã được nhà báo, chuyên gia quân sự David Axe của Forbes viết.

Theo chuyên gia Axe, F-16 Ukraine có nhiệm vụ quan trọng nhất, là đánh chặn các máy bay tiêm kích bom Su-34 của đối phương vốn đang ném tới 3.000 quả bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh vào chiến tuyến Ukraine mỗi tháng.

Ông Axe cũng dẫn lời nhóm phân tích Ukraine Deep State cho biết, bom lượn có điều khiển là "vũ khí thần kỳ" đối với người Nga và hiện tại, người Ukraine "thực tế không có biện pháp đối phó nào".

Một chiếc Su-34 bay cao và nhanh có thể ném một quả bom lượn có điều khiển đi chính xác tới 40km hoặc thậm chí 70km đối với những loại bom lượn mới hơn. Khoảng cách đó đủ xa, để lực lượng phòng không dã chiến hiện có của Ukraine không thể đánh trả.

Tuy nhiên, nhà phân tích Justin Bronk trong một nghiên cứu mới của Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) ở London cho rằng, nhiệm vụ của các phi công F-16 của Ukraine sẽ rất khó khăn. Ông viết: "Sẽ rất khó để có thể đánh chặn các cuộc xuất kích của Su-34 thường xuyên".

Vấn đề chính mà các phi công F-16 phải đối mặt là hệ thống phòng không trên mặt đất của Nga, khiến máy bay chiến đấu Ukraine bay cao sẽ cực kỳ nguy hiểm, không chỉ ở khu vực chiến tuyến, mà hầu hết mọi nơi trên lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là trong phạm vi khoảng 160km tính từ tiền tuyến, nằm trong tầm bắn của hệ thống phòng không S-400 hay S-300 và thậm chí là S-500 của Nga.

Mối nguy hiểm đang rình rập F-16 của Ukraine sau vụ S-300 Nga diệt MiG-29 - 3

Tên lửa phòng không S-400 Nga khai hỏa (Ảnh: Telegram).

Mặc dù có khả năng Kiev đang đàm phán mua hoặc nhận viện trợ tên lửa không đối không AIM-120D, có tầm bắn 160km để lắp trên máy bay F-16 của mình, cho phép phi công Ukraine bắn hạ máy bay Su-34 từ sát vành đai hỏa lực của hệ thống phòng không của Nga. Nhưng trên thực tế, tên lửa AIM-120 sẽ không thể bắn được kịch tầm.

Ông Bronk viết: "Khi đến gần tiền tuyến, các phi công Ukraine sẽ phải điều khiển F-16 bay ở độ cao rất thấp để tránh bị lực lượng phòng không nhiều lớp của Nga phát hiện và bắn hạ... Ở độ cao thấp như vậy, tên lửa phóng đi trong không khí dày đặc với nhiều lực cản khí động học và tên lửa phải leo cao chống lại trọng lực, để đạt đến độ cao nơi mục tiêu của chúng đang bay.

"Kết quả là vào thời điểm động cơ tên lửa cháy hết sau vài giây đầu tiên, chúng gần như không đạt được tốc độ hoặc độ cao hiệu quả như khi chúng được phóng từ một máy bay chiến đấu bay trong không khí loãng ở độ cao lớn và tốc độ siêu âm", chuyên gia Bronk nhấn mạnh.

Được phóng từ độ cao thấp, tên lửa AIM-120 có khả năng mất đi tối đa tới 1/3 tầm bắn, như vậy có thể khiến máy bay ném bom lượn của Nga, vẫn nằm ngoài tầm bắn của tên lửa AIM-120, trừ khi các phi công Ukraine bằng cách nào đó có thể bay sâu vào bên trong lãnh thổ do Nga kiểm soát và "sống sót đủ lâu" để phóng tên lửa của mình.

Như ông Bronk đã chỉ ra, một giải pháp khả thi cho vấn đề này là tên lửa không đối không tầm xa hơn như  Meteor, có tầm bắn tới 360km trong điều kiện tối ưu. Nhưng "đen đủi" cho Ukraine, là tên lửa Meteor dường như không tương thích với F-16 và cũng không tương thích với máy bay chiến đấu Mirage-2000-5, mà Pháp đã cam kết cung cấp cho Kiev.

Loại máy bay chiến đấu duy nhất mà Ukraine có thể sẽ nhận được, cũng có thể sử dụng tên lửa Meteor là JAS-39 Gripen của Thụy Điển. Stockholm đã bày tỏ sẵn sàng tặng Gripen dư thừa cho Ukraine, nhưng họ chỉ bàn giao khi Ukraine nhận được lô hàng F-16 cuối cùng.

Các đồng minh của Ukraine rõ ràng đang lo lắng về việc lực lượng không quân Ukraine, không thể tiếp nhận với quá nhiều và quá nhanh vũ khí mới.

Vì vậy, nếu đánh giá của ông Bronk là chính xác, có thể phải mất một thời gian khoảng một năm hoặc hơn, trước khi Ukraine có được sự kết hợp giữa máy bay chiến đấu và tên lửa để dễ dàng bắn hạ máy bay ném bom lượn của Nga mà không khiến phi công Ukraine gặp rủi ro cao độ.

Thế nên, theo Bronk: "Hiện tại, tấn công vào các căn cứ sân bay của Nga là cách tốt nhất của Ukraine, để hạn chế thiệt hại mà không quân đối phương có thể gây ra cho lực lượng của họ ở tiền tuyến, chứ không phải trông chờ vào F-16".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm