1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mối đe dọa hạt nhân sau các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên

Cẩm Hà

(Dân trí) - Khi phương Tây tập trung chú ý vào cuộc xung đột ở Ukraine, Triều Tiên đã thử phóng tên lửa mạnh nhất của nước này từ trước đến nay.

Mối đe dọa hạt nhân sau các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên - 1

Hình ảnh vụ thử tên lửa của Triều Tiên ngày 24/3. (Ảnh: KCNA).

Động thái mới và tham vọng của Bình Nhưỡng

Ngày 24/3, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đăng tải những bức ảnh và video ấn tượng về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân giám sát vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới và gọi đây là vụ phóng "kỳ diệu".

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa được phóng là mẫu Hwasong-17, ICBM cực lớn lần đầu ra mắt hồi tháng 10/2020. Giới phân tích phương Tây gọi đây là "tên lửa quái vật" vì nó có kích thước khổng lồ với khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Đây được cho là mẫu tên lửa uy lực nhất trong kho vũ khí chiến lược của Triều Tiên.

Mới đây nhất, ngày 17/4, KCNA thông báo, Chủ tịch Kim Jong-un đã đích thân thị sát vụ bắn thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới nhằm tăng cường khả năng hạt nhân của nước này.

Những sự kiện này nhắc nhở về mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên gây ra cho thế giới vào năm 2017. Trong năm đó, nước này đã tiến hành tới 16 vụ thử tên lửa và phóng 23 tên lửa các loại. Đặc biệt, hồi tháng 9/2017, Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 liên quan tới bom nhiệt hạch (bom H) với sức nổ lớn nhất so với 5 vụ thử trước. Các động thái này của Bình Nhưỡng đã khiến Mỹ và các nước đồng minh "nóng mặt".

Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump và lãnh đạo các nước đã có những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Bình Nhưỡng. Bán đảo Triều Tiên khi đó có lúc như đứng trên bờ vực chiến tranh.

Ông Trump khi đó tiết lộ với nhà báo Bob Woodward rằng nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên đã "gần hơn nhiều so với những gì mọi người biết".

Và giờ đây, nhiều tín hiệu rõ ràng cho thấy Triều Tiên đang có ý định bắt tay vào một vòng thử nghiệm vũ khí mới, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng thậm chí còn nghiêm trọng hơn 5 năm trước.

Triều Tiên đã tăng đều đặn tốc độ và quy mô các vụ thử tên lửa trong những tháng gần đây, phóng thử vũ khí mới phát triển từ tàu ngầm và tàu hỏa, đồng thời bắn thử tên lửa siêu thanh đầu tiên. Những vũ khí mới này được tiết lộ có khả năng cơ động cao này, di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, và đặc biệt có thể né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường.

Các quan chức Mỹ cũng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị thực hiện một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần đầu tiên kể từ năm 2017, sau khi hình ảnh vệ tinh ghi lại hoạt động mới tại cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên, nơi trước đó nước này tuyên bố đã phá hủy

Quan điểm quốc tế

Quan điểm quốc tế hiện nay đã khác so với năm 2017, khi đó Trung Quốc và Nga hợp tác với Mỹ để áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, quan hệ của Washington DC với Bắc Kinh và Moscow đã xấu đi, nên khả năng hợp tác giữa ba cường quốc để đối phó với một cuộc khủng hoảng hạt nhân mới là vô cùng mong manh.

Mặt khác, an ninh trong khu vực căng thẳng hơn khi Nhật Bản tăng chi tiêu quân sự, trong khi Hàn Quốc mua máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ và xây dựng kho vũ khí tên lửa riêng. Hơn nữa, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - người đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng 5 năm trước bằng cách thúc đẩy các cuộc đàm phán với Triều Tiên - sắp hết nhiệm kỳ và Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol, người có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng, sẽ kế nhiệm ông vào tháng 5 tới.

John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul (Hàn Quốc), chia sẻ với New Statesment rằng ông lo ngại về một chu kỳ leo thang nguy hiểm có thể quay trở lại trong những tháng tới, với những hậu quả vượt ra ngoài bán đảo Triều Tiên. Ông giải thích: "Chính phủ bảo thủ ở Seoul có xu hướng phản ứng cứng rắn đối với mỗi vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng".

Trong khi đó, Mỹ đang tập trung vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và đối phó với Nga. Nước này được cho sẽ tăng cường quan hệ an ninh với Hàn Quốc và Nhật Bản trong những năm tới.

Mối lo ngại vũ khí hạt nhân 

Mối đe dọa hạt nhân sau các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên - 2

Chủ tịch Kim Yong-un trong lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hồi tháng này (Ảnh: Reuters).

Khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền vào tháng 12/2011, một số nhà quan sát phương Tây lạc quan cho rằng ông có thể đưa đất nước bị cô lập và còn khó khăn về kinh tế theo một hướng mới. Ông là thành viên thứ ba của gia tộc Kim lãnh đạo Triều Tiên, kế nhiệm cha và ông nội mình. 

Trong một bài phát biểu đầu tháng 42012, Chủ tịch Kim Jong-un kêu gọi các quan chức Bình Nhưỡng áp dụng "thái độ sáng tạo và dám nghĩ dám làm", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện mức sống và phát triển "nền kinh tế của người dân". Ông long trọng tuyên bố sẽ tăng cường quân đội, đồng thời hứa rằng người dân "sẽ không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa", sau những khó khăn kinh tế trong những thập kỷ trước.

Năm 2013, ông Kim đã công bố chính sách Byungjin, hay "tiến bộ song song", có nghĩa là vừa theo đuổi vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế, mặc dù việc theo đuổi vũ khí hạt nhân đã dẫn đến các biện pháp trừng phạt, kìm hãm sự phát triển kinh tế của Triều Tiên. Từ lâu, ông khẳng định rằng các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng là điều cần thiết để đảm bảo sự tồn vong của đất nước, mô tả kho vũ khí hạt nhân như một "thanh gươm báu" bảo vệ đất nước.

Sau các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân gây ra cuộc khủng hoảng năm 2017, ông Kim Jong-un đột ngột tuyên bố "hoàn thiện lực lượng hạt nhân" vào năm 2018 và cho biết sẽ chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế với một loạt hội nghị thượng đỉnh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đó là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên hội đàm với một tổng thống Mỹ đương nhiệm và hình ảnh các cuộc gặp đều được công bố với người dân Triều Tiên như một cách ông Kim Jong-un chứng minh năng lực của một chính khách toàn cầu và vị thế của một cường quốc hạt nhân.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đi đến kết quả và chấm dứt vào năm 2019. Mặt khác, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào năm sau đó đã khiến Triều Tiên phải đóng cửa biên giới với thế giới bên ngoài.

Kể từ đầu năm tới nay, Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ phóng tên lửa tầm xa, nhưng các vụ phóng bị lu mờ bởi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Điều này có thể dẫn đến một tình huống nguy hiểm hơn 5 năm trước, vì kho vũ khí đáng gờm của Triều Tiên ngày càng tăng.