Mọi con mắt đổ dồn về "phép thử" quan hệ Nhật- Trung
Quyết định sau cùng của Nhật đang là tâm điểm của sự chú ý, mà kết quả phụ thuộc trên bàn cân, lợi ích của việc cải thiện quan hệ với TQ, hay những ảnh hưởng của AIIB nặng hơn.
Tuy nhiên, trong số đó không có Nhật Bản – nước được đặt nhiều kỳ vọng do có tiềm lực kinh tế khổng lồ. Vì vậy, một nghi vấn nổi lên: liệu AIIB có làm lạnh thêm quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc và trở thành một trong những điều kiện để cải thiện mối bang giao này?.
Lý do chính thức
Bộ trưởng Tài chính Nhật bản Taro Aso cho biết, để Nhật Bản tham gia AIIB, ngân hàng này phải làm rõ được những điều kiện như việc đảm bảo sự quản lý cân bằng, kiểm duyệt các khoản vay dựa trên mức độ ảnh hưởng đối với môi trường và đảm bảo biện pháp an toàn xã hội. Ông Aso nhấn mạnh: “Nếu các điều kiện của AIIB không được đảm bảo thì Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hết sức thận trọng trước quyết định gia nhập".
Bên cạnh đó, trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm 1/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị phía Đức cùng hợp tác trong việc đảm bảo sự minh bạch trong các hoạt động và mục đích của dự án AIIB.
Vụ việc được báo Tokyo Shinbun của Nhật số ra hôm 22/4 đăng tải để chỉ trích thái độ “bất lịch sự” của ông Aso. Nhưng nó cũng được giới phân tích nhìn nhận như một sự đoạn tuyệt gần như chắc chắn và thái độ không có thiện cảm của Nhật Bản đối với đề nghị của Trung Quốc.
Theo các học giả, lo ngại “rớt tầm ảnh hưởng” của Nhật Bản là có cơ sở. Bởi, dường như AIIB mang tham vọng là cạnh tranh không chỉ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vốn chịu ảnh hưởng của Nhật, mà còn cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Mỹ chi phối. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng tỷ lệ sở hữu trong ADB chỉ là 5,5% so với 15,7% của Nhật và phần đóng góp của Trung Quốc cho IMF cũng rất èo uột so với 17% của Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi coi mối quan hệ với Trung Quốc là “mối quan hệ quan trọng nhất” (Sách xanh ngoại giao Nhật Bản 2015) và việc phá băng mối quan hệ này được xem là ưu tiên hàng đầu, Chính phủ Nhật Bản khó có thể giữ thái độ cứng rắn như hiện nay.
Giảm tông
Chỉ một tuần ngay sau khi chính thức tuyên bố từ chối tham gia AIIB, chính Bộ trưởng Aso, hôm 7/4, lại cho biết nước này sẽ có cuộc gặp cấp bộ trưởng tài chính với Trung Quốc vào tháng 6 tới đây. Trong đó, các vấn đề được trao đổi sẽ bao gồm cả việc Nhật Bản cân nhắc gia nhập AIIB. Nếu đúng, đây sẽ là sự thay đổi mang tính đột biến thể hiện sự “nhún nhường” của Nhật Bản trong ngoại giao kinh tế.
Tiếp theo là sự thay đổi nhanh chóng của ADB. Ngày 21/4 vừa qua, Chuyên viên Bộ Tài chính Nhật Bản Takehiko Nakao, cũng là người đứng đầu ADB, vừa mới tỏ ra hoài nghi sâu sắc đối với AIIB khi nêu một loạt vấn đề như: khả năng cạnh tranh thấp, bề dầy tích lũy chưa có, khả năng cho vay không cao, với hơn 50 quốc gia đã gia nhập nhưng có vẻ AIIB vẫn là một dự án của riêng Trung Quốc… Nhưng chỉ ngay hôm sau, tức 22/4, cũng chính ông này lại cho biết về khả năng sẽ có một hội nghị về AIIB trong phiên họp Đại hội đồng ADB vào tháng 5 tới đây.
Trong bối cảnh đó, bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ ngày 18/4 tuyên bố nước này luôn hoan nghênh Nhật Bản gia nhập AIIB và khẳng định rằng AIIB sẽ giữ quan điểm mở và đóng vai trò bổ sung cho các ngân hàng phát triển hiện có, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và kết nối của khu vực… Bên cạnh đó, Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 25/3 cũng phát đi thông điệp của nước này: “Việc Nhật Bản gia nhập AIIB sẽ là cơ hội có một không hai để cải thiện quan hệ với Trung Quốc”.
Đặc biệt, việc Chính phủ Nhật Bản từ chối tham gia AIIB cũng đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính giới nước này. Các đảng đối lập của Nhật Bản còn sử dụng vấn đề này như một vũ khí để công kích Thủ tướng Abe. Các chính khách đối lập công khai chỉ trích quyết định này dưới nhiều góc độ khác nhau như: “đây là thắng lợi của ngoại giao Trung Quốc và thất bại của ngoại giao Nhật Bản…”, “sự từ chối đóng góp vào quá trình thiết lập trật tự kinh tế, hạ tầng của châu Á…”, “quyết định mang diện mạo Hoa Kỳ..”, “đánh mất cơ hội cải thiện quan hệ ngoại giao..” v.v… Và trên hết, các đảng phái này đều mạnh mẽ yêu cầu Chính phủ Nhật Bản tham gia AIIB cho dù “muộn còn hơn không”.
Trong bối cảnh đó, quyết định sau cùng của Chính phủ Nhật Bản đang là tâm điểm của sự chú ý mà kết quả sẽ phụ thuộc vào việc trên bàn cân, lợi ích của việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc nặng hơn, hay những ảnh hưởng của AIIB nặng hơn. Theo đó, AIIB sẽ là “phép thử” của mối quan hệ Nhật – Trung.