1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mổ xẻ chiến lược quân sự quốc gia của Mỹ năm 2015

(Dân trí) - Lầu Năm Góc ngày 1/7 đã cho công bố Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, với các định hướng, phương thức và giải pháp xây dựng quân đội để bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích, an ninh quốc gia Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Mỹ đang đặc biệt chú ý đến sự phát triển của Trung Quốc
 
Cách tiếp cận mới về nguy cơ, đồng minh, đối tác, đối tượng... của Mỹ khiến giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.  

Từ xác định nguy cơ…

Thông qua Văn kiện chiến lược, Mỹ cho rằng “một cuộc chiến giữa Mỹ với một cường quốc khác cùng với những hậu quả “nghiêm trọng” của nó sẽ xảy ra ngày càng rõ nét, mặc dù cấp độ nguy cơ còn thấp. Đó là nhận định mới của Chiến lược quân sự Mỹ do Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey mới công bố.

Tướng Dempsey còn nhấn mạnh: “Kể từ sau khi bản Chiến lược quân sự quốc gia được công bố năm 2011 đến nay, sự hỗn loạn toàn cầu có xu hướng tăng lên, trong khi một số lợi thế cạnh tranh của Mỹ đang bị xói mòn dần”.

Văn kiện Chiến lược quân sự Mỹ khẳng định trong tương lai, các cuộc xung đột vũ trang sẽ xảy ra nhanh hơn, dài hơn và với năng lực quân sự ngày càng tân tiến hơn.

Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại về những nước đang phát triển các năng lượng công nghệ tối tân có thể khiến quân đội Mỹ mất đi ưu thế trong lĩnh vực này, nhất là “khả năng cảnh báo sớm và tấn công chính xác”, từ xa.

Đến đồng minh, đối tác…

Chiến lược quân sự quốc gia 2015 của Mỹ còn nêu rõ, Mỹ sẽ nghiêng về các đồng minh tại khu vực châu Á. Theo đó, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc cùng với NATO ở châu Âu được xác định là các đồng minh và đối tác hàng đầu.

Văn kiện Chiến lược quân sự mới còn xác định, việc tăng cường mạng lưới các đồng minh và đối tác đóng vai trò “trung tâm” trong nỗ lực gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới.

Theo giới chuyên gia, điều này phù hợp với Chiến lược toàn cầu mới của Mỹ và “chủ nghĩa Obama” là kêu gọi các đồng minh, đối tác “chia sẻ trách nhiệm” với Mỹ trong bối cảnh Washington đang thắt chặt chi tiêu quốc phòng.

Đối thủ tiềm tàng…

Điều đáng chú ý, trong Văn kiện Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, Mỹ đã chỉ đích danh Nga và Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng, rằng hai quốc gia này đang đe dọa các lợi ích toàn cầu của Mỹ.

Văn kiện dẫn ra sự hiện diện quân sự của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine, rằng Nga đang triển khai lực lượng quân sự đến miền Đông Ukraine để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai, mặc dù Moscow luôn bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc này.

Những hành động của Trung Quốc như: xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông, đơn phương cấm đánh bắt cá, xây cột hải đăng trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam… đang “làm gia tăng căng thẳng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương” khiến phía Mỹ rất quan ngại.

Các “mối đe dọa trực tiếp với Mỹ và an ninh khu vực” còn có cả Iran, Triều Tiên, đặc biệt là nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, khiến quân đội Mỹ cần sẵn sàng để đối phó.

Và sự phản ứng của các nước…

Ngay sau khi Chiến lược quân sự mới của Mỹ được công bố, Nga đã lên tiếng chỉ trích và cho rằng tài liệu này mang thông điệp “đối đầu” và không giúp bình thường hóa quan hệ hai nước.

Một tờ báo của Nga chỉ ra rằng, trong khi Chiến lược quân sự quốc gia mới của Mỹ nói về những hành động quân sự của Nga làm phương hại đến an ninh khu vực nhưng lại không đả động gì đến sự can thiệp, dính líu của Mỹ vào chiến dịch không kích ở Yemen.

Phát ngôn viện Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov bày tỏ sự nuối tiếc rằng, Chiến lược của Mỹ đề cập đến Nga như một “nhà nước theo chủ nghĩa xét lại” là không thể chấp nhận được.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh tại một cuộc họp báo ngày 3/7 cũng phản ứng găy gắt rằng: “Chúng tôi không hài lòng và phản đối những nội dung trong báo cáo của Mỹ về việc xác định “mối đe dọa Trung Quốc” và yêu cầu Washington nên bỏ qua tư tưởng “Chiến tranh Lạnh”. 

Nhìn chung, Chiến lược quân sự quốc gia 2015 của Mỹ được xây dựng nhằm bảo đảm duy trì một nền quốc phòng có “lực lượng quân đội được lãnh đạo, huấn luyện và trang bị tốt nhất thế giới”.

Vì thế, giới phân tích và dư luận quốc tế cho rằng, ngoài tính răn đe thường lệ như các Văn kiện Chiến lược quân sự đã công bố trước đây, thì Chiến lược quân sự quốc gia Mỹ 2015 “đậm mùi khói súng” hơn.

Nguyễn Nhâm