1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

MC cãi nhau ầm ĩ trên truyền hình Mỹ vì mâu thuẫn thuẫn về Covid-19

(Dân trí) - Hai người dẫn chương trình của đài CNBC (Mỹ) đã tranh luận gay gắt trên sóng truyền hình khi nói về phản ứng với đại dịch Covid-19, mà cho tới nay đã khiến hơn 100.000 người tại nước này tử vong.

MC cãi nhau nảy lửa trên truyền hình
MC cãi nhau ầm ĩ trên truyền hình Mỹ vì mâu thuẫn thuẫn về Covid-19 - 1

Hai người dẫn chương trình của CNBC. (Ảnh: 9News)

Người dẫn chương trình Andrew Ross Sorkin và Joe Kernen đã tranh luận nảy lửa trong chương trình phát sóng ngày 27/5 về cách ứng phó của người Mỹ với Covid-19. Cuộc tranh luận bắt đầu gay gắt khi Kernen nói rằng Sorkin đã phản ứng thái quá với dịch Covid-19. Theo Kernen, Sorkin quá bi quan về thị trường trước tác động của Covid-19. Sorkin nói, “nhiều người thông thái” đặt ra nghi vấn rằng là sao thị trường chứng khoán có thể bùng nổ trong tình hình hiện nay.

“Sao có thể gọi họ là những người thông thái được. Họ đã sai đến 35%. Sao họ có thể coi là thông thái. Chỉ bởi vì họ có thể thấy những gì bày ra trước mắt ư? Điều đó không khiến họ trở nên thông thái”, Kernen tranh luận.

Sorkin phản bác lại và cho rằng đồng nghiệp của mình đã không để ý đến con số hơn 100.000 người tử vong vì Covid-19.

“Bình tĩnh! Bình tĩnh! Bình tĩnh. Tôi không muốn tranh luận điều này với anh, Joe. Mỗi sáng anh hãy thử tự đặt ra câu hỏi như tôi đặt ra. Đó là những câu hỏi mà nhà đầu tư đang tự hỏi mình mỗi sáng”.

Cuộc tranh luận những tưởng đến đó sẽ ngừng lại thì bất ngờ Kernen một lần nữa đánh giá Sorkin quá tiêu cực vì tình hình.

“Anh đang hoảng loạn về thị trường, hoảng loạn về Covid-19, hoảng loạn về máy thở, hoảng loạn về trang phục bảo hộ, hoảng loạn việc liệu chúng ta có thể trở lại bình thường không”, Kernan nói.

Sorkin vì thế cũng khó kiềm chế hơn và đáp lại Kernen: “Anh thì không hoảng loạn về điều gì cả. 100.000 người đã mất mạng đấy Joe. Tất cả những gì anh làm là cố bênh vực cho bạn mình, ngài Tổng thống (Donald Trump)! Đó là những gì mà anh đã làm. Mỗi sáng trong chương trình này, anh sử dụng và lạm dụng vị trí của mình, Joe”.

Cuộc tranh luận tiếp tục gay gắt khi Kernen nói bình luận của đồng nghiệp là “hoàn toàn không công bằng” bởi công việc anh làm đơn giản là cố gắng khuyên nhà đầu tư không quá hoảng loạn. Tranh luận chỉ kết thúc khi Kernen quay trở lại với bản tin.

Hơn 100.000 người chết trong 4 tháng

MC cãi nhau ầm ĩ trên truyền hình Mỹ vì mâu thuẫn thuẫn về Covid-19 - 2
Mỹ hiện là quốc gia có nhiều ca mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu trên trang web Worldometer, tính đến hết ngày 27/5, Mỹ ghi nhận hơn 102.000 ca mắc Covid-19, trong tổng số hơn 1,7 triệu người mắc bệnh. Mỹ hiện là nước có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới. Theo tính toán của Reuters, trong tháng 5 này, trung bình mỗi ngày Mỹ ghi nhận khoảng 1.400 người chết vì đại dịch Covid-19, giảm so với trung bình 2.000 ca trong tháng 4.

Trong vòng khoảng 4 tháng, dịch Covid-19 đã khiến nhiều người chết tại Mỹ hơn số người chết vì AIDS trong giai đoạn 1981-1989. Đại dịch này cũng gây chết chóc nhiều hơn dịch cúm mùa tại Mỹ trong nhiều thập niên. Dịch cúm mùa khiến nhiều người ở Mỹ tử vong nhất là giai đoạn 1957-1958 với khoảng 116.000 người tử vong.

Mỹ hiện ghi nhận hơn 1,7 triệu ca mắc Covid-19, và số người mắc bệnh tại một số bang miền nam tiếp tục tăng trong tuần qua.
Đại dịch Covid-19 đến nay đã khiến gần 5,8 triệu người trên thế giới mắc bệnh, trong đó hơn 350.000 người đã tử vong. Khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, dịch đã lan ra hầu khắp các châu lục và châu Mỹ hiện là tâm dịch của thế giới.

Trong số 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, Mỹ đứng thứ 8 về tỷ lệ tử vong trên đầu người. Theo số liệu của Reuters, tại Mỹ, cứ 10.000 người tại Mỹ thì có 3 trường hợp tử vong. Bỉ đứng đầu về tỷ lệ này với 8 người chết trên 10.000 dân, tiếp đến là Tây Ban Nha, Anh và Italia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hứng chỉ trích vì coi nhẹ mối nguy hiểm của dịch Covid-19 - một đại dịch mà chủ nhân Nhà Trắng từng so sánh với cúm mùa thông thường. Chỉ đến giữa tháng 3, ông Trump mới ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để hạn chế đà lây lan của dịch.

Đến nay, các bang của Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại để khôi phục kinh tế, xã hội vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên giới chuyên gia cảnh báo, việc mở cửa này cần tiến hành một cách thận trọng, từ từ để tránh nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát. 

Minh Phương
Theo Reuters, 9News