Máy bay KC-46A Mỹ trễ hẹn vẫn đắt hàng
Thiếu tướng Không quân Mỹ, Duke Richardson vừa tiết lộ, máy bay tiếp dầu KC-46A sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào 25/9 tới đây.
Chậm tiến độ
Ông Richardson cho biết thêm, tham gia vào thử nghiệm, máy bay KC-46A sẽ tham gia tập cùng với một loạt các loại máy bay chiến đấu. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, sang tháng 1/2016, KC-46A do hãng Boeing sản xuất này sẽ thực hiện việc tiếp nhiên liệu trên không.
Thông tin về sự kiện chiếc KC-46A lần đầu cất cánh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Không quân Mỹ và một số đồng minh. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên KC-46A được lên kế hoạch cất cánh. Nhưng so với kế hoạch ban đầu, dòng máy bay tiếp dầu mới này bị chậm hơn một năm.
Theo tuyên bố của Tướng Không quân Mỹ Mark Welsh hồi đầu năm 2014: "Đây là một cái tên danh giá. Tôi đã có cơ hội chứng kiến chiếc máy bay đầu tiên trên dây chuyền lắp ráp vài tuần trước. Chiếc máy bay này sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 6/2014".
KC-46A là một trong 3 chương trình ưu tiên trong dự thảo ngân sách, cùng với chương trình máy bay chiến đấu F-35 Joint Strike Fighter và chương trình máy bay ném bom tầm xa mới.
Đồ họa máy bay tiếp dầu KC-46A.
Không quân Mỹ đã ký với hãng Boeing hợp đồng mua máy bay KC-46A vào tháng 3/2011. Theo hợp đồng, Boeing phải bàn giao 17 chiếc máy bay loại này đến năm 2017.
Sau đó, Không quân Mỹ sẽ đặt hàng tiếp tục để mua thêm KC-46A. Tính chung, đến năm 2027 Không quân Mỹ sẽ có trong tay 179 chiếc máy bay KC-46A mới để thay thế phi đội máy bay tiếp dầu KC-135 đã cũ, việc sản xuất sẽ hoàn thành vào năm 2018.
Việc thiết kế chiếc KC-46A dựa trên nền tảng chiếc máy bay chở khách B767-2C. Máy bay tiếp dầu KC-46A dài hơn 50 m, có khả năng chuyên chở 96.000 kg nhiên liệu.
Theo tính toán, buồng lái của KC-46A trang bị hoàn toàn bằng kỹ thuật số. Chiếc máy bay này có thể bay với vận tốc 920 km/h với bán kính hoạt động là 12.200 km. Theo giới chức Mỹ, KC-46A có thể thực hiện cùng lúc nhiệm vụ tiếp dầu cho nhiều máy bay của lực lượng Không quân và Hải quân.
Vẫn đắt hàng
Bất chấp việc máy bay KC-46A bị chậm tiến độ nhưng quốc gia đồng minh Mỹ trong khối NATO là Ba Lan đã trở thành khách hàng đầu tiên khi quyết định đặt mua 4 chiếc KC-46A.
Lý giải cho quyết định này, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết, do sau những sự kiện gần đây trong khu vực, đặc biệt là khu vực Baltic vì vậy vùng biển này đã trở thành một khu vực nguy hiểm nên việc Ba Lan đầu tư cho quốc phòng là hoàn toàn dễ hiểu.
Ngoài việc quyết định mua sắm máy bay KC-46A, theo chương trình mua sắm vũ khí được Bộ Quốc phòng Ba Lan công bố, nước này vừa quyết định mua tên lửa hành trình AGM-158, nâng cấp tiêm kích F-16 và mạnh tay chi tiêu khi mua 120 pháo tự hành K-9 của Hàn Quốc.
Thông tin này được Defense News đăng tải cho biết, theo đó, chính phủ Ba Lan cũng đã dặt bút ký vào bản hợp đồng với Mỹ có trị giá khoảng 250 triệu USD để mua lửa hành trình không - đối - đất (JASSM) AGM-158 cho phi đội gồm 48 chiến đấu cơ F-16.
Các tên lửa AGM-158 sẽ được chuyển giao cho quân đội Ba Lan trong giai đoạn từ năm 2016 tới 2019. Theo kế hoạch này, Lực lượng vũ trang Ba Lan có thể bắt đầu đưa vào hoạt động các tên lửa này vào tháng 3/2017.
Theo Chúc Sơn
Đất Việt