Máy bay chiến đấu robot đầu tiên trong lịch sử Mỹ
(Dân trí) - Có kích cỡ bằng máy bay chiến đấu phản lực, máy bay robot Reaper sở hữu động cơ tuabin phản lực cánh quạt, có thể bay với vận tốc 300m/phút và đạt tới độ cao trên 15 km. Nó được trang bị tia hồng ngoại, tia laser, radar, và 1 tấn rưỡi tên lửa cùng bom dò tìm mục tiêu.
Tất cả đã sẵn sàng, nhưng không có ai trên khoang lái. Khi nó ném bom các mục tiêu ở Iraq, phi công sẽ ngồi trước một màn hình điều khiển ở Nevada, Mỹ, cách xa đó hàng chục ngàn km.
Thời khắc ra đời của phi đội máy bay không người lái “tìm diệt” mang tên Reaper (Thần chết), phi đội máy bay tấn công robot đầu tiên trong lịch sử hàng không, sẽ là một thời khắc mang tính bước ngoặt lớn. Thời khắc đó, theo chỉ huy không lực Mỹ tại Iraq Gary North sẽ “sớm đến”. Dự kiến Reaper sẽ được triển khai đầu tiên ở Afghanistan và sẽ tới Iraq vào từ khoảng mùa thu này đến mùa xuân tới. Máy bay Reaper sẽ thay thế cho các máy bay người lái ở Iraq.
Ước tính hiện có khoảng hơn hai chục máy bay không người lái MQ-1 Predators “thị sát” bầu trời Iraq. Phi đội do thám viễn chinh thứ 46 này đã trở thành lực lượng chính trong cuộc chiến tại Iraq của Mỹ, bảo vệ các đoàn xe của Mỹ, lần theo hoạt động của quân nổi dậy trong đêm qua các thiết bị cảm ứng hồng ngoại, và thỉnh thoảng phóng một trong hai tên lửa Hellfire của nó tới mục tiêu. Từ bay 36.000 giờ vào năm 2005, phi đội Predator ước tính quần đảo bầu trời Iraq và Afghanistan 66.000 giờ trong năm nay.
| |
Một chiếc MQ-4 Predator của Mỹ tại căn cứ không quân Balad. Đây là loại máy bay chiến đấu không người lái thường được sử dụng ở Iraq. |
So với chiếc Predator cũ đời 1995, MQ-9 Reaper là máy bay không người lái (UAV) có tính năng vượt trội.
Với tổng trọng lượng 5 tấn, máy bay chiến đấu Reaper nặng gấp 4 lần chiếc Predator. Kích thước của nó, dài gần 11m, cánh sải hơn 20m, được xếp ngang bằng với máy bay chiến đấu A-10 nổi tiếng của Không lực Hoa Kỳ.
Trong khi chiếc Predator chỉ trang bị được 2 tên lửa Hellfire, chiếc Reaper có thể mang tới 14 đơn vị vũ khí không đối đất, hay 4 tên lửa Hellfire và 2 quả bom nặng hơn 200kg.
Đại tá Joe Guasella, chỉ huy trưởng Cơ quan điều khiển trung tâm cho biết Reaper “không phải là một phi đội thông thường, mà là một phi đội tấn công, có khả năng hủy diệt vô cùng lớn”.
| |
Một chiếc MQ-9 Reaper tại căn cứ không quân Creech, Nevada, Mỹ. |
“Cái tên Reaper đã nói lên được bản chất của loại vũ khí mới này”, Tướng Michael Moseley cho biết trong buổi công bố tên của loại máy bay mới này hồi tháng 9 năm ngoái.
Cơ quan nguyên tử ở San Diego cho đến nay đã chế tạo được ít nhất 9 máy bay MQ-9, với giá 69 triệu USD cho một bộ 4 máy bay, bao gồm cả các thiết bị dưới mặt đất.
Dự kiến Reaper sẽ hoạt động giống như Predator. Một đội gồm hai phi công và một người điều khiển các bộ phận cảm ứng, sẽ làm việc tại các trạm điều khiển bằng máy tính và màn hình video. Đội ở Balad, ở trong nhà chứa máy bay cạnh đường băng, sẽ thực hiện việc cất và hạ cánh. Tương tự đội ở Căn cứ không quân Creech tại Nevada, theo dõi máy bay qua vệ tinh.
Bộ binh Mỹ, được trang bị máy tính xách tay có thể tải các đoạn băng video trực tiếp về máy bay không người lái ở ngay trên đầu họ.
Tốc độ của Reaper cũng ưu việt hơn. “Vấn đề của chúng tôi là tốc độ”, một quan chức nói khi nhắc tới vận tốc 140m/phút của chiếc Predator. “Nếu có binh sỹ nào liên lạc, chúng tôi có thể không đến đó kịp. Reaper sẽ nhanh hơn và bay xa hơn”. Dự tính máy bay robot mới nếu được nạp đầy đủ đạn dược sẽ bay được 14 giờ, đủ để do thám và đợi mục tiêu hiện ra.
Người Anh cũng rất ấn tượng với máy bay không người lái Reaper, và dự định sẽ mua 3 chiếc để triển khai ở Afghanistan vào cuối năm nay.
PV
Theo AP