“Mất vài tháng” để ngăn rò rỉ, nỗ lực ở Fukushima vẫn quyết liệt
(Dân trí) - Chính phủ Nhật Bản cảnh báo có thể mất vài tháng để ngăn chặn phóng xạ rò rỉ ra biển từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở phía Bắc thủ đô Tokyo. Trong khi đó, tinh thần quả cảm và quyết tâm chiến thắng vẫn hiển hiện từng giờ từng phút ở nơi này.
Khuyến cáo này được nhiều quan chức Nhật Bản đưa ra hôm qua, một ngày sau khi các nhân viên cứu cấp tại nhà máy Fukushima I phát hiện một vết nứt rộng 20 cm tại một bể bảo trì bằng bê tông, được tin là nơi nước nhiễm phóng xạ rò rỉ từ bên trong nhà máy rồi thoát vào biển.
Rò rỉ không ngưng hôm qua, sau khi bê tông được đổ vào bể, buộc các nhân viên phải dùng chất polymer thấm nước để làm chậm lại nơi rò rỉ nước.
Các chuyên gia nói rằng chất nhựa polymer dạng lỏng đã được bơm vào vào chiều ngày hôm qua theo lý thuyết sẽ nở lớn gấp 50 lần kích thước ban đầu, sau khi rắn lại.
Nhưng vài giờ sau, một người phát ngôn của Công ty Điện Lực Tokyo nói rằng họ không thấy có khác biệt gì trong mức phóng xạ rò rỉ vào nước vùng bờ biển gần nhà máy.
“Chúng ta chưa thoát khỏi tình thế khủng hoảng, nhưng có gì đó đã ổn định”, ông Goshi Hosono, một phụ tá của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói.
“Mất bao nhiêu thời gian nữa mới thành công trong việc bít lại vết nứt, tôi nghĩ là sẽ mát vài tháng cho một mục tiêu”, ông phát biểu trên truyền hình ngày hôm qua.
Không ngừng nỗ lực
Các chuyên gia quốc tế xác nhận: tình hình ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bị hư hại sau trận động đất tàn phá vào ngày 11/3 tại Nhật Bản tiếp tục xấu đi. Việc khôi phục hệ thống làm mát các lò phản ứng đã không thành công. Các chuyên gia khắc phục hậu quả đang phải đối mặt với một số vấn đề nan giải.
Các nguồn tin của chính phủ Nhật Bản cũng không giấu giếm thực tế này.
Nhưng rõ ràng, cuộc sống ở đất nước Mặt trời mọc đang dần trở lại bình thường. Người Nhật muốn quên đi cơn ác mộng này càng nhanh càng tốt.
Các chuyên gia ghi nhận sự gia tăng mức độ phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Trong tuần này, ở khu vực lò phản ứng số 1, mức phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn 10.000 lần, và mức phóng xạ iốt trong nước biển gần nhà máy điện đã vượt quá mức cho phép 4.500 lần. Cũng đã phát hiện trong đất có phóng xạ plutoni.
Một vấn đề khác là bụi phóng xạ. Gió thổi khiến cát bụi phóng xạ lan rộng ra các khu vực lân cận. Các giải pháp về mặt lý thuyết đã được tìm thấy - lấp lãnh thổ nhà máy điện bằng một lớp nhựa tổng hợp lỏng. Lớp nhựa này sẽ biến thành một màng ngăn không cho các phần tử phóng xạ lọt ra ngoài.
Phía trên nhà máy sẽ được bao kín bằng một lớp bảo vệ từ loại vải đặc biệt. Tất cả những biện pháp này sẽ làm giảm lưu lượng phóng xạ thoát ra bên ngoài và ngăn chặn bụi phóng xạ lan rộng.
Thực ra, không biết đến lúc nào thì công việc này mới được thực hiện. Công việc trước mắt là phải làm mát các lò phản ứng. Chỉ có những người đang khắc phục hậu quả mới biết được điều gì thực sự xảy ra tại địa điểm tai nạn.
Các phương tiện truyền thông đại chúng đã đăng tải e-mail trao đổi giữa một nhân viên của công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima và đối tác của anh ở văn phòng Công ty ở Tokyo: “Có rất nhiều người đang đấu tranh với tai nạn trong những điều kiện khắc nghiệt. Khóc lóc chỉ là vô ích. Tôi hứa với bạn rằng chúng tôi sẽ khôi phục lại”.
Hầu hết các nhân viên của nhà máy điện hạt nhân là người địa phương, họ và gia đình họ đều bị ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần. Nhà cửa của nhiều người đã bị thiên tai phá hủy.
Trong khi đó, chỉ cách Fukushima 240 km về phía nam là một cuộc sống hoàn toàn khác hẳn. Thủ đô của Nhật Bản hầu như đã phục hồi sau cú sốc. Để tiết kiệm năng lượng, đèn chiếu sáng không cần thiết và quảng cáo ngoài trời bị cắt, làm cho Tokyo có phần ảm đạm. Nhưng nói chung cuộc sống thủ đô Nhật Bản không hề thay đổi.
Người dân ở thủ đô Tokyo không cảm thấy lo lắng gì. Chính quyền Nhật Bản cam kết rằng tất cả mọi vấn đề đang được kiểm soát.