Màn "giăng lưới" vây bắt kỹ sư bán bí mật tàu ngầm Mỹ của FBI
(Dân trí) - Các đặc vụ FBI đã "giăng lưới" để vây bắt cặp vợ chồng kỹ sư có âm mưu bán bí mật tàu ngầm hạt nhân Mỹ cho chính phủ nước ngoài.
Jonathan Toebbe, một kỹ sư hạt nhân của hải quân Mỹ, và vợ, Diana Toebbe, đã bị bắt ở Tây Virginia, Mỹ trong tháng này với cáo buộc làm gián điệp.
Các công tố viên cáo buộc Jonathan tìm cách chuyển những thông tin bí mật về tàu ngầm lớp Virginia tinh vi và đắt đỏ của hải quân Mỹ cho một người mà anh ta nghĩ là đại diện của chính phủ nước ngoài nhưng thực chất lại là đặc vụ ngầm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Diana cũng bị cáo buộc trông chừng cho chồng mình tại một số địa điểm nơi Jonathan bỏ lại các vật dụng chứa dữ liệu mật.
Mặc dù đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt, nhưng hai vợ chồng Jonathan vẫn không nhận tội tại tòa án liên bang ở Martinsburg, Tây Virginia. Nếu bị kết tội, cả hai sẽ phải ngồi tù.
Quốc gia mà Jonathan tìm cách bán tin mật chưa được xác định trong các tài liệu của tòa án và cũng không được tiết lộ trước tòa trong phiên xét xử hôm 20/10.
Một thẩm phán đã nghe các tranh luận nhưng vẫn chưa đưa ra phán quyết liệu Diana có tiếp tục bị giam giữ hay không. Peter Olinits, một đặc vụ tại Pittsburgh chuyên điều tra phản gián, cho rằng Diana vẫn nên bị giam giữ trong khi vụ việc được tiếp tục điều tra.
Olinits cho biết, vào ngày cặp đôi bị bắt giữ, các đặc vụ đã tìm thấy 11.300 USD tiền mặt, các hộ chiếu vẫn còn giá trị của trẻ em và một túi chứa USB và găng tay cao su.
Olinits cũng đề cập các tin nhắn văn bản từ năm 2019-2020, trong đó 2 vợ chồng Toebbe thảo luận về việc sẽ rời khỏi Mỹ. Tuy nhiên luật sư của Diana Toebbe, Edward MacMahon, đặt ra giả thuyết rằng thân chủ của ông, người từng làm giáo viên tại một trường tư ở Annapolis, bang Maryland, có thể đang đề cập trong tin nhắn về việc cô cảm thấy lo lắng trước viễn cảnh Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.
MacMahon lập luận rằng bởi vì FBI không ghi lại bất kỳ cuộc trò chuyện nào của 2 vợ chồng Toebbe, nên các đặc vụ không có bằng chứng cho thấy thân chủ của ông biết bất kỳ kế hoạch nào của chồng bà hoặc chính xác là chồng bà đang làm gì.
FBI "giăng lưới"
FBI bắt đầu mở cuộc điều tra Jonathan từ cuối năm 2020, sau khi nhận được một gói hàng chuyển ra nước ngoài, trong đó có thông tin mật về công nghệ tàu ngầm Mỹ. Gói hàng bị chặn lại tại hệ thống bưu cục của một quốc gia chưa được tiết lộ, sau đó bằng cách nào đó đã chuyển về một văn phòng tùy viên pháp lý của FBI.
Các công tố viên cho biết trong gói hàng, Jonathan đã gửi kèm một bức thư đề nghị bán thông tin mật của hải quân Mỹ cho đại diện chính phủ nước ngoài. Bức thư đề ngày gửi là 1/4/2020 và ghi địa chỉ gửi lại ở Pittsburgh. Tuy nhiên, thông tin bên trong gói hàng chỉ có một phần dữ liệu mật và Jonathan đã để lại hướng dẫn cho người nhận để gợi ý họ cách mua thêm thông tin.
"Nếu bạn không liên hệ với tôi trước ngày 31/12/2020, tôi sẽ kết luận rằng bạn không quan tâm tới vấn đề này và tôi sẽ tiếp cận những người mua (thông tin) khác", nội dung bức thư cho biết.
FBI sau đó đã làm theo hướng dẫn ghi trong gói hàng và sử dụng một đặc vụ ngầm để liên lạc với Jonathan. Hai bên đã bí mật trao đổi qua lại và dàn xếp địa điểm để "nhận hàng". Đặc vụ ngầm của FBI đã đồng ý đổi 100.000 USD dưới dạng tiền ảo để lấy thông tin mật từ Jonathan.
Đặc vụ Olinits cho biết Diana đã đi cùng chồng vào 3 trong số 4 lần thực hiện nhiệm vụ "giao hàng". Olinits cho biết, để tránh bị nghi ngờ, 2 vợ chồng Jonathan sẽ ăn mặc giống khách du lịch hoặc người leo núi và đi vòng quanh địa điểm gửi tài liệu mật.
Các nhà điều tra cho biết Jonathan đã để lại thẻ nhớ chứa các thông tin mật tại địa điểm "giao hàng", giấu chúng trong các đồ vật như gói kẹo cao su hay bánh sandwich. Các thông tin mật bao gồm thông số về lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm Mỹ.
Jonathan Toebbe từng làm việc cho chính phủ Mỹ từ năm 2012 và được tiếp cận các bí mật quân sự. Người này cũng được tiếp cận một phòng thí nghiệm ở Pittsburgh nghiên cứu về năng lượng hạt nhân cho hải quân Mỹ.