Malaysia nói không với tiền Trung Quốc
Malaysia không muốn đi vào vết xe đổ của Sri Lanka để rồi rơi vào bẫy nợ và giao quyền quản lý dự án cho Trung Quốc.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 21-8 khép lại chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 5 ngày với tuyên bố hoãn 2 dự án hạ tầng gây tranh cãi được Bắc Kinh tài trợ, ít nhất là vào lúc này.
Không muốn sập bẫy
Một phần mục đích chuyến thăm là tái đàm phán về 2 dự án nói trên, gồm công trình xây dựng tuyến đường sắt bờ biển phía Đông (ECRL) trị giá 20 tỉ USD và hai đường ống dẫn khí đốt trị giá hơn 2 tỉ USD. Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Mahathir cho biết cần thêm thời gian để hoàn thành mục tiêu này.
Lấy lý do các điều kiện gây bất lợi cho phía Malaysia và chi phí cao, nhà lãnh đạo 93 tuổi hồi tháng 7 ra lệnh tạm ngưng các dự án trên. Chính quyền ông Mahathir cũng cáo buộc khoản vay lớn mà chính quyền người tiền nhiệm Najib Razak nhận từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho các dự án nêu trên đã bị chính các công ty Trung Quốc có liên quan hút cạn, dù các công trình còn lâu mới hoàn thành. "Các dự án sẽ không tiếp tục.
Hiện tại, ưu tiên của Malaysia là giảm nợ... Các dự án sẽ bị hoãn cho đến khi chúng tôi có đủ khả năng, sau đó có lẽ chúng tôi sẽ cắt giảm chi phí" - ông Mahathir nhấn mạnh trước khi lên đường về nước. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), thủ tướng Malaysia cũng đã nói rõ quan điểm với chính phủ Trung Quốc về các thỏa thuận với Bắc Kinh.
Trả lời tờ The New York Times (Mỹ) trước khi đến Bắc Kinh, ông Mahathir nói thẳng về chiến lược của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới: "Trung Quốc biết rõ rằng khi cho một nước nghèo vay khoản tiền lớn, cuối cùng họ có thể kiểm soát những dự án đó". Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Malaysia, ông Lim Guan Eng, cũng đề cập việc Sri Lanka - quốc gia được công ty nhà nước Trung Quốc hỗ trợ xây cảng Hambantota - rơi vào bẫy nợ và phải để Bắc Kinh thuê cảng trong 99 năm cùng nhiều khu đất gần đó. "Chúng tôi không muốn rơi vào tình trạng giống Sri Lanka" - ông Lim cảnh báo.
Nỗi lo của nhiều nước
Sự lưỡng lự của Thủ tướng Mahathir là dễ hiểu khi nhiều nước tìm đến sự giúp đỡ của Trung Quốc có tương lai không mấy khả quan. Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Mỹ) cho biết Lào, Maldives, Mông Cổ, Pakistan - một số quốc gia khác tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh - đang đối mặt nỗi lo về bất ổn kinh tế.
Nợ của Mông Cổ hiện gấp 8 lần dự trữ ngoại hối trong khi các khoản nợ của Lào và Kyrgyzstan vượt quá 100% GDP của họ. Các quốc gia nợ nần chồng chất bất lực trước sự rớt giá của đồng nội tệ. Khi giá trị đồng tiền sụt giảm, các nước nợ Trung Quốc càng chật vật trong việc trả hết nợ (chủ yếu tính bằng đồng USD).
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từ lâu đóng vai trò là "ngân hàng cho vay toàn cầu" nhưng không một quốc gia nào cảm thấy vui vẻ khi nhận hỗ trợ từ IMF do các biện pháp khắc khổ của tổ chức này. Do đó, một số quốc gia bắt đầu tìm đến Trung Quốc ngay cả khi điều đó đồng nghĩa họ đối mặt với những rủi ro không thể đoán trước.
Thổ Nhĩ Kỳ, tâm chấn của sự hỗn loạn tài chính hiện nay, kiên quyết từ chối đề nghị hỗ trợ từ IMF trong khi Pakistan cũng bị các khoản vay mềm của Trung Quốc cám dỗ. Theo tờ Eurasian Times (Ấn Độ), nợ nước ngoài của Pakistan tăng 50% trong 3 năm qua, lên gần 100 tỉ USD, trong đó khoảng 30% là nợ Trung Quốc.
Một chuyên gia tài chính toàn cầu nhận định IMF cung cấp khung cho vay mang tính ràng buộc hơn nhưng đối với các nền kinh tế đang phát triển, sự hỗ trợ của Trung Quốc - quốc gia nhấn mạnh không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác - trông hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục dựa vào Trung Quốc, rắc rối cơ bản của các quốc gia đang gặp khó sẽ không được giải quyết và nợ có thể tiếp tục tăng lên.
Tại Lào, một tuyến đường sắt cao tốc đang xây dựng có kinh phí khoảng 6 tỉ USD, tương đương 40% GDP nước này. Trung Quốc tài trợ khoảng 70% chi phí nhưng việc hoàn trả khoản vay đó sẽ là gánh nặng đối với quốc gia Đông Nam Á. Bi kịch hơn, Turkmenistan đang chống chọi với khó khăn kinh tế và khủng hoảng thanh khoản do phải trả nợ cho Trung Quốc. Quốc gia Trung Á này buộc phải bán quyền phát triển mỏ vàng cho một công ty Trung Quốc thay cho việc hoàn trả các khoản vay.
Theo Xuân Mai
Người lao động