1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Malaysia: Công nhân Việt Nam và Bangladesh ẩu đả, 23 người bị thương

Một vụ xô xát giữa công nhân Việt và Bangladesh vừa xảy ra tại ký túc xá của một xưởng dệt ở Taman Semarak thuộc bang Kedah, Malaysia khiến 23 người bị thương.


Phó cảnh sát trưởng Datuk Abd Manan Mohd Hassan cho biết 3 trong số những người bị thương, gồm 2 người Việt và 1 người Bangladesh, đang được chăm sóc ở Bệnh viện Tuanku Jaafar. Trong khi đó, những công nhân còn lại được điều trị ngoại trú.
 
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 8/6, ông Abd Manan nói: “Cảnh sát đã nhận được thông báo về vụ đụng độ xảy ra lúc 21 giờ hôm 7/6. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, ít nhất 400 công nhân Việt và Bangladesh có mặt. Hầu hết họ đều cầm các thanh sắt, gậy gỗ, thậm chí cả đá. Đến 5 giờ hôm 8/6, cảnh sát mới giải tán được 2 nhóm”.
 
Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân vụ đụng độ là do một người đàn ông Bangladesh tán tỉnh một phụ nữ Việt. Khi ấy, cô đang trong ca trực đêm tại xưởng hôm 6/6.
 
Ông Abd Manan cho hãng tin Bernama biết: “Vì cảm thấy bị quấy rầy nên người phụ nữ đã kêu các nam công nhân trong khu ký túc xá đến cứu và đánh người đàn ông Bangladesh. Bất bình trước lối hành xử nêu trên, người đàn ông Bangladesh gọi những người bạn mình và cuộc đánh nhau lan rộng, bắt đầu từ xưởng dệt đến ký túc xá”.
 
Cũng theo vị phó cảnh sát trưởng Abd Manan, có 3.704 công nhân người nước ngoài trong ký túc xá nói trên, trong đó gồm 1.037 nam công nhân và 703 nữ công nhân người Việt. Ngoài ra, có 1.409 người đến từ Bangladesh.
 
Cảnh sát đang tiến hành lục soát khắp ký túc xá để tìm xem liệu còn có thêm bất cứ loại vũ khí nào được sử dụng để đánh nhau hay không. Cho đến nay, chưa có ai bị bắt giữ.
 
“Tình hình tại xưởng dệt đã được kiểm soát và an toàn. Chúng tôi sẽ gặp các công nhân để xác định nguyên nhân vụ đánh nhau và giải quyết mâu thuẫn” - ông Abd Manan nói. Hiện tại, hàng trăm công nhân bị buộc phải ở trong khu ký túc xá và xưởng dệt tạm thời đóng cửa để phục vụ công tác điều tra.
 
Theo Huệ Bình
Người lao động