1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mái ấm gia đình: Mẹ Mỹ, con Việt

Bà Lynn Andrews, một giáo chức đã hồi hưu tại Cleveland, bang Ohio, hiện sống với 2 con nuôi mà bà xin từ Việt Nam. Timothy Hào Andrews, 18 tuổi, vừa xong trung học và sắp sửa vào đại học niên khóa tới và Daniel Minh Andrews, 15 tuổi, đang học lớp 9 trung học.

 
Mái ấm gia đình: Mẹ Mỹ, con Việt - 1

Bà Lynn Andrews và 2 con: Timothy Hào Andrews và Daniel Minh Andrews.

Bà cho biết lý do bà lặn lội về Việt Nam nhiều lần để làm các thủ tục giấy tờ nhận hai bé mồ côi làm con nuôi từ những năm đầu thập niên 1990: “Tôi luôn luôn ao ước được làm mẹ. Tôi ly dị năm 1994, không có con, ngay sau đó tôi tính đến chuyện nhận con nuôi. Tôi nhiều năm dạy tiếng Anh cho các học trò gốc Việt, nên điều tự nhiên đối với tôi là nhận con nuôi Việt Nam. Có nhiều người Việt trong cộng đồng ở đây mà tôi nghĩ họ sẽ là mẫu mực cho con tôi. Hầu hết học trò của tôi rất chăm chỉ siêng năng, coi trọng việc học”.

Bà cho biết thủ tục xin con nuôi rất rắc rối, tốn nhiều thời giờ và tiền bạc. Bà nói: “Có rất nhiều giấy tờ phải hoàn tất trong thủ tục xin con nuôi, cả ở Mỹ lẫn ở Việt Nam. Tại Mỹ, một cán sự sở xã hội đến gặp tôi tại nhà, xem xét nhà cửa để bảo đảm rằng nhà có phòng riêng, đầy đủ phương tiện cho bé sắp xin về nuôi, cán sự xã hội còn phỏng vấn xem tôi sẽ sử dụng phương pháp như thế nào để dạy dỗ bé, tôi sẽ làm gì để kỷ luật con trẻ; cha mẹ, họ hàng tôi nghĩ gì về ý định xin con nuôi từ Việt Nam, tôi phải có giấy tờ chứng minh là có công ăn việc làm, có đầy đủ sức khỏe để chăm sóc cho trẻ và dĩ nhiên là phải có hồ sơ lý lịch tốt. Tôi lại phải nộp thư giới thiệu từ đồng nghiệp, họ hàng và nơi làm việc để chứng minh tôi có đầy đủ tư cách để đảm nhận trách nhiệm làm mẹ”.

Sau khi điều tra xong xuôi, giấy tờ được bên phía Hoa Kỳ chấp thuận, bà phải nộp những giấy tờ đó cho sứ quán Việt Nam tại Washington, lúc đó còn là phái bộ ngoại giao. Sau đó bà sang Việt Nam nộp giấy tờ ở thành phố Hồ Chí Minh, và đã được chọn để xin bé Timothy. Chi phí cho bé đầu tiên và sau đó 2 năm bà xin thêm một bé nữa, rất lớn, bây giờ bà không còn nhớ là bao nhiêu. Bà phải trả lệ phí giấy tờ, lệ phí dịch thuật các tài liệu, tiền trả cho cơ quan lo việc xin con nuôi, vé máy bay, tiền khách sạn qua lại Việt Nam mấy lần để lo giấy tờ và gặp bé sắp nhận làm con nuôi. Theo lời nhiều người cho biết, chi phí xin một bé từ Việt Nam sang đây ngang với chi phí trả cho môt trẻ phải nằm bệnh viện tại Mỹ.

Bé Timothy Hào Andrews, tên Việt là Nguyễn Văn Hào, đến Mỹ năm 1995 lúc em gần 3 tuổi, còn bé Daniel Minh Andrews, tên Việt là Nguyễn Minh Hùng, đến Mỹ năm 2000 lúc em đã 5 tuổi. Bà Andrews cho biết về sự thích ứng của 2 cậu con của bà: “Timothy thích ứng rất dễ. Tôi cho là cháu đến đây một phần là do còn nhỏ tuổi hơn cháu thứ hai, một phần là do tính tình của cháu. Cháu dễ kết bạn, tại nhà trường cháu cũng gặp khó khăn với bài vở, nhưng cháu siêng năng, chịu khó nên vượt qua tất cả và học khá. Lúc cháu mới đến chúng tôi khá vất vả vì ngôn ngữ bất đồng, nhưng sau một thời gian mọi khó khăn đều qua và không có rắc rối gì nữa. Một trong những điều giúp cho cả hai con tôi là các cháu chơi bóng đá, hầu hết bạn bè của các cháu đều ở trong đội banh. Khi lớn hơn, Timothy rất có trách nhiệm. Bây giờ cháu giúp cho tôi giữ nhà để xe cho sạch sẽ, cắt cỏ và phụ cho tôi nhiều việc nhà. Còn Daniel thì gặp khó khăn hơn trong việc thích ứng. Tôi nghĩ rằng cháu đến đây lúc đã lớn hơn, được 5 tuổi, và có lẽ trước đó cháu đã có những kinh nghiệm sống còn in hằn trong tâm trí. Chắc chắn là cháu thương yêu gia đình, và chúng tôi thương yêu cháu, nhưng thái độ của cháu ở nhà trường có rắc rối và có nhiều vấn đề cháu cần phải vượt qua. Tôi vẫn cho cháu chữa trị tâm lý và cháu đã khá hơn rất nhiều”.

Về học vấn Timothy thuộc loại học sinh khá. Dù gặp khó khăn, nhưng em gắng sức chăm chỉ và rất thích học nên đã thắng vượt những trở ngại và hiện đang chuẩn bị vào đại học. Mẹ em phải trả tiền học và ăn ở trong trường đại học cho em một năm là 34 ngàn đôla. Daniel thì xếp hạng C trong trường. Em không chịu khó và không thích học, mẹ em phải kèm em và buộc em làm bài vở. Dưới áp lực đó em có tiến bộ và được điểm khá hơn. Bà Andrews - một cựu giáo chức - cho biết sẽ tiếp tục theo sát để lo cho đường học vấn của con. Một trong những điều mà cha mẹ nuôi tại Hoa Kỳ rất chú trọng là duy trì nguồn cội và văn hóa cho những đứa con mà họ xin từ các quốc gia khác. Trong trường hợp của bà Andrews, bà cho biết khi về Việt Nam để xin bé thứ hai, bà có dẫn theo bé Timothy, đưa em đến gặp người chăm sóc cho em trước đó tại viện mồ côi, cả Timothy lẫn người chăm sóc cho em đều rất vui mừng và cảm động. Trong sáu năm đầu, bà vẫn đưa các con đi dự trại hè của những gia đình nhận con nuôi nước ngoài.

Bà cho biết tiếp về những điều mà bà đã làm để giữ gìn văn hoá và nguồn cội cho hai cậu con nuôi của bà: “Khi các cháu còn nhỏ, tôi dẫn các cháu đến dự lễ Tết của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tôi đến lớp học và nhà trường của các cháu nói chuyện về Việt Nam, nhất là dịp Tết Nguyên đán và Trung thu. Khi các cháu nghe người ta nói tiếng Việt, các cháu chú ý ngay. Khi nhìn thấy có gì liên quan đến người Việt trên truyền hình là các cháu dán mắt vào xem. Thỉnh thảng chúng tôi có đến tiệm ăn Việt Nam ở đây và chúng tôi cũng nấu món Việt ở nhà nữa, như gỏi cuốn và một số món khác”. Khi được hỏi làm sao các em nhận ra là người ta nói tiếng Việt, bà Andrews cho biết hai con bà nhận ra được những âm trong tiếng Việt, và trong hầu hết mọi trường hợp các em đều đoán đúng. Khi có ai hỏi là các em có biết tiếng Việt hay không, câu trả lời là: “I speak Food Vietnamese!”, các em chỉ biết tiếng Việt qua tên các món ăn mà thôi! Bà Lynn Andrews nói về vai trò làm mẹ hai người con bà xin từ Việt Nam: “Thật là tuyệt diệu, tất cả những khó khăn vất vả trong việc dạy dỗ, lo lắng cho các con chẳng thấm gì với phúc đức được làm mẹ. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy may mắn được làm mẹ hai con của tôi. Tôi không thể tưởng tượng được là cuộc đời tôi lại không có các con. Hai cháu là lý do để tôi được làm mẹ, một điều mà cả đời tôi muốn làm. Tôi là một phần trong đời các con tôi, và chúng tôi là một gia đình”.
Theo Lan Phương
Theo VOA, Lao động