1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mafia Ukraine và thị trường buôn lậu tranh, cổ vật, vũ khí

Tháng 11-2015, 3 tên trộm bịt mặt có vũ trang đột nhập Bảo tàng Castelvecchio ở thành phố Verona, miền bắc Italy, lấy đi tổng cộng 17 bức tranh của các danh họa thời Phục hưng.

Chúng hành động trong quãng thời gian ngay sau khi nhân viên bảo tàng rời đi và trước khi hệ thống báo động từ xa được kích hoạt. Chúng trói một nhân viên của bảo tàng và ép một người bảo vệ giao chìa khóa ôtô để nhảy lên xe và tẩu thoát.

Các nhà điều tra sau đó đã xem lại những đoạn video dài tổng cộng 4.000 giờ thu thập từ hệ thống camera an ninh của bảo tàng và các camera của những công trình phụ cận, nghe và phân tích hàng trăm cuộc điện thoại để xác định danh tính nghi phạm.

Trong một cuộc hội thoại, các nhà điều tra còn nghe được những tên trộm chúc mừng nhau, gọi vụ việc là "bàn thắng lớn" và nói chúng sẽ phải chờ vài tháng trước khi đem chào bán những bức tranh quý giá này ra chợ đen.

Nhà chức trách nghi ngờ những tên trộm có kế hoạch bán các bức tranh sơn dầu ở Ukraine hoặc Nga. Đến tháng 5-2016, giới chức đã bắt 13 nghi phạm ở Italy và Moldova. Trong số này có một nhân viên bảo vệ Italy đang làm nhiệm vụ khi vụ cướp xảy ra và một người anh/em sinh đôi của người này cùng người vợ mang quốc tịch Moldova.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) bên các bức tranh bị đánh cắp từ Bảo tàng Castelvecchio, Verona, Italy.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) bên các bức tranh bị đánh cắp từ Bảo tàng Castelvecchio, Verona, Italy.

Cuối cùng, lực lượng biên phòng Ukraine tìm thấy những bức tranh giấu trong túi nhựa tại một căn nhà nằm trên Turunchuk, một hòn đảo nhỏ nằm giữa sông Dniester chảy qua Ukraine và Moldova.

Cơ quan Biên phòng Ukraine cho biết, những bức tranh được gửi qua bưu điện từ Moldova tới vùng Odessa ở Ukraine và được các thành viên một nhóm tội phạm gồm các công dân Ukraine, Moldova và Nga cất giữ.

Bộ trưởng Văn hóa và Di sản Italy, ông Dario Franceschini xác nhận, 17 bức tranh bị đánh cắp đã được cảnh sát Ukraine tìm thấy và sẽ được đưa trở về Verona.

Thị trưởng thành phố Verona, Flavio Tosi cho biết: “Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy rất hạnh phúc vì các tác phẩm đó không những là một phần quan trọng của Verona mà còn là tài sản văn hóa của công dân thành phố chúng tôi và của cả thế giới”.

Bà Margerita Bolla, Giám đốc Bảo tàng nói với hãng tin ANSA: “Việc truy tìm được các tác phẩm là một thông tin tuyệt vời”. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng, việc thu hồi các tác phẩm nghệ thuật bị trộm, trị giá ước tính hơn 18,3 triệu USD, cho thấy hiệu quả cuộc chiến chống buôn lậu tác phẩm nghệ thuật của Ukraine.

Trong số các bức tranh, một số thuộc về những họa sĩ nổi tiếng như Tintoretto, Rubens và Mantegna. "Chúng ta không chỉ bảo quản giá trị toàn cầu của những bức tranh này, mà còn khẳng định uy tín của Ukraine bằng những hành động hiệu quả như thế này".

Đây là các họa phẩm của hai trong số danh họa bậc thầy thời Phục hưng là Peter Paul Rubens và Jacopo Tintoretto. Họa sĩ Tintoretto (1518-1594) sinh tại Jacopo Robusti ở Venice, Italy. Tác phẩm của ông mang dáng dấp thần thoại, chủ đề tôn giáo và rất nhiều bức chân dung giới tinh hoa của Venice.

Một số tác phẩm nổi tiếng nhất của Tintoretto là “The Last Supper” thực hiện năm 1594, “Thánh Mark cứu nô lệ”, “Susanna và các trưởng lão” và những tác phẩm trong cung điện của Doge. Họa sĩ bậc thầy người Bỉ Peter Paul Rubens (1577 - 1640) là người nổi tiếng thế giới qua tác phẩm chân dung, phong cảnh, các bức tranh lịch sử và các nhân vật trong thần thoại và ngụ ngôn, với lối nhấn mạnh sự chuyển động và màu sắc. Ông từng được Vua Tây Ban Nha Felipe IV và vua Anh Charles I phong tước Hiệp sĩ.

Năm 1600, Rubens sang Italy, nghiên cứu tranh của Titian, Veronese và Tintoretto. Với sự hỗ trợ tài chính từ các nhà quý tộc, Rubens đến Rome vào năm 1601 nghiên cứu nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ điển và sao chép tác phẩm của các bậc thầy người Italy.

Nếu cảnh sát Ukraine không tìm thấy những bức tranh quý này thì chúng sẽ đi về đâu? Nhiều khả năng chúng sẽ về tay mafia Italy. Giới chức Italy từ lâu đã có bằng chứng về việc hai băng nhóm tội phạm ma túy hùng mạnh của Italia - Ndrangheta ở Calabria và Camorra ở Neapolitan ở miền nam nước này - bắt tay nhau đưa những bức danh họa và tác phẩm điêu khắc cổ ra thị trường đen.

Trận chiến Anghiari của Paul Rubens, một trong các bức tranh được tìm thấy.
Trận chiến Anghiari của Paul Rubens, một trong các bức tranh được tìm thấy.

Như tại một phòng trưng bày đấu giá do mafia quản lý nằm trong nhà máy sản xuất xúc xích ở miền nam Italy, những vật phẩm được đem ra mời chào không có bất cứ giấy tờ nào xác nhận nguồn gốc cũng như tính xác thực của tác phẩm mà chỉ có những tấm bản đồ với vị trí được đánh dấu đỏ.

Những bức ảnh chụp cổ vật ăn cắp được giới thiệu với Domenico Quirico, nhà báo của tờ La Stampa giả làm nhà sưu tập nghệ thuật. Ông hợp tác với lực lượng cảnh sát bảo vệ di sản văn hóa Italy trong chiến dịch triệt phá mạng lưới mua bán, trao đổi vũ khí và tác phẩm nghệ thuật của mafia.

Một phần đầu bức tượng cổ bằng đá hoa - có niên đại từ thời đế quốc La Mã - được bán với giá 66.000 USD. Một bức tượng khác, lớn hơn và cổ hơn nữa, có niên đại từ thời Hy Lạp cổ đại, bán với giá hơn 1 triệu USD nhưng Quirico được bọn tội phạm đồng ý bán với giá 880.000 USD. Chiến dịch điều tra của nhà báo Quirico cho thấy hoạt động mua bán bất hợp pháp diễn ra khá rầm rộ.

Cổ vật vận chuyển trái phép vào Italia từ những chiếc tàu hàng mang cờ Trung Quốc xuất phát từ Sirte (thành phố ở Libya) cập cảng Gioia Tauro của vùng Calabria. Gioia Tauro được coi là cảng nguy hiểm nhất ở Italia với nét đặc trưng là hàng loạt tòa nhà được xây dựng bất hợp pháp trong đó phần lớn là từ container bỏ hoang. Ndrangheta hoạt động nhiều năm tại cảng Gioia Tauro, điều hành tập đoàn buôn lậu ma túy lớn nhất châu Âu.

Tháng 4-2016, Đại sứ Nga Vitaly Churkin ở Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã phát đi cảnh báo đến Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) về những đường dây buôn lậu cổ vật tài trợ cho khủng bố: "Khoảng 100.000 di sản văn hóa có tầm quan trọng toàn cầu, và 4.500 địa điểm khảo cổ đang nằm trong sự kiểm soát của IS ở Syria và Iraq. Lợi nhuận từ buôn bán cổ vật bất hợp pháp mang về cho IS ước khoảng 150 đến 200 triệu USD/năm". Kho tàng di sản văn hóa cổ quý giá này được buôn lậu qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ và bán trực tiếp cho các nhà sưu tập tư nhân.

Không chỉ buôn tranh và các tác phẩm điêu khắc cổ, mafia Ukraine còn mở rộng hoạt động buôn bán vũ khí sang các nước láng giềng. Tháng 8-2016, Cục Phòng chống tội phạm có tổ chức và khủng bố của Romania cho biết, cơ quan này bắt đầu chú ý đến thông tin của kênh truyền hình Anh Sky News về nạn buôn bán vũ khí trái phép từ Ukraine sang Romania.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tình báo nước ngoài trực thuộc Quốc hội Romania (SIE) Miheitse Kalimente cho rằng, tội phạm có thể nhập lậu vũ khí từ lãnh thổ của Ukraine hoặc công dân Romania có thể mua vũ khí tại Ukraine và bán chúng sang các nước phương Tây và khu vực Trung Đông. Một cựu quan chức an ninh Romania cũng nhận định: những thước phim được công bố trên truyền hình Anh là thật, bởi rõ ràng có tồn tại tình trạng buôn bán vũ khí trái phép và cần có biện pháp phòng chống hữu hiệu.

Theo quan chức này, chính quyền Romania cần hợp tác với Ukraine để ngăn chặn các kênh cung cấp vũ khí, tránh để chúng rơi vào tay tổ chức khủng bố IS.

Tháng 10 vừa qua, một nhóm các nhà báo Anh đã đến Romania gặp gỡ các tay "lái súng" người Romania sẵn sàng bán vũ khí cho các khách hàng Tây Âu. Trong đoạn phim quay bí mật, phóng viên Anh khẳng định các tay lái buôn biết rõ họ là nhà báo và việc mua bán súng ở Romania là tương đối dễ dàng.

Trong cuộc gặp, các tay lái súng người Romania cũng cho biết sẵn sàng bán vũ khí cho mọi đối tượng, từ tên cướp ngân hàng, các băng nhóm tội phạm, cho đến những kẻ khủng bố. Cũng theo các lái buôn, vũ khí được nhập lậu từ Ukraine vào Romania và một băng nhóm khác sẽ cung cấp chúng sang Tây Âu và Trung Đông.

Theo Quốc Hùng (tổng hợp)

An ninh thế giới