1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Macron và chuyện "startup chính trị"

Việc ông Emmanuel trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất của Pháp báo hiệu một làn sóng mới trong xu hướng chính trị thế giới, đặc biệt là tại châu Âu.

Với tư tưởng chính trị mới mẻ, không nghiêng về phe tả hay hữu, ông Macron đã triển khai một "startup chính trị" độc lập với phong trào “En Marche!” (Tiến bước!). Đây là một đảng mới ở Pháp, được thành lập hơn 1 năm, quy tụ những thân tín của ông Macron từ khi ông còn làm Bộ trưởng Kinh tế thời Tổng thống Francois Hollande.

Trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, không khó hiểu khi những thành viên của đảng Tiến bước đều có mong muốn cải cách đất nước, vốn đang gặp nhiều vấn đề khó khăn về kinh tế, an ninh, đối ngoại…

Xu hướng này như một làn gió mới thổi qua xứ Gaul, nơi người dân đã quá chán nản và thất vọng với những chính trị gia truyền thống như Hollande, Fillon hay Melenchon. Cử tri kỳ vọng vào một nhà lãnh đạo mới quyết đoán và có những hướng đi táo bạo hơn để đưa nước Pháp trở lại thời kỳ hoàng kim thuở nào.

Macron và chuyện "startup chính trị" - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến đặt một vòng hoa lên ngôi mộ chiến sĩ vô danh tại Khải Hoàn Môn, sau lễ nhậm chức chính thức ở Paris. (Nguồn: POOL)

Đây cũng là lý do tại sao bà Le Pen – đối thủ chính của ông Macron – người cũng có quan điểm muốn thay đổi nước Pháp, đã giành được sự ủng hộ của người Pháp trong vòng 1 cuộc bầu cử, nhưng lại không thể đạt được thành công tương tự trong vòng 2. Bà Le Pen, cũng như cha bà là Jean Marine Le Pen trong cuộc tranh cử với ông Jacques Chirac năm 2002, đã tìm ra “căn bệnh” của nước Pháp.

Tuy nhiên, thay vì tìm cách “chữa” trị căn bệnh này, bà Le Pen dường như đã thổi phồng sự sợ hãi của người dân để thu hút lá phiếu cho mình. Bà Le Pen muốn nương theo làn sóng dân túy (populism) ở Mỹ và châu Âu để đưa bà đến Điện Elysee, nhưng rủi thay, chính những ảnh hưởng nhãn tiền của xu hướng này – như người ta thấy ở Mỹ - đã khiến bà thất bại. Nhà lãnh đạo của đảng FN có lẽ đã thành công nếu như trước đó, ông Donald Trump không lên cầm quyền ở Mỹ.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Pháp, những yếu tố phi chính trị đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới lá phiếu của cử tri. Macron là một chính trị gia “sạch”, không dính líu vào các bê bối như cựu Thủ tướng Fillon. Nhưng hơn hết, Macron trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới bởi cuộc tình đặc biệt với người vợ hơn ông tới 24 tuổi. Sự nhất quán, chung thủy và lãng mạn của vị tân Tổng thống đã khiến người Pháp yêu mến và tin tưởng vào lời hứa của ông.

Hơn nữa, một chính trị gia thân thiện, giản dị, xuất hiện trước công chúng trong bộ vest bình dân cùng phu nhân Tổng thống diện bộ váy đi thuê đã trở thành hình ảnh gây chú ý đặc biệt đối với công chúng không chỉ ở nước Pháp…

Liệu ông Macron có trở thành một nguồn cảm hứng cho chính giới ở các nước láng giềng như Đức, Anh, Italy… đang bước vào giai đoạn bầu cử hay không? Thời gian sẽ sớm trả lời điều đó. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, chiến thắng của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ là một chỉ dấu quan trọng cho xu thế “trẻ hóa” chính trị đang không ngừng lớn mạnh tại “lục địa già”.

Theo Chinh Quân

Thế giới & Việt Nam