1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Macau - mắt xích ngầm kết nối Triều Tiên với thế giới

(Dân trí) - Vụ ám sát ông Kim Jong-nam đã khiến mọi người chú ý tới mối liên hệ giữa Triều Tiên và thành phố Macau nơi ông từng sinh sống. Từ lâu, Macau được cho mắt xích ngầm kết nối một đất nước Triều Tiên khép kín và đầy bí ẩn với thế giới bên ngoài.


Ông Kim Jong-nam tại Macau năm 2007 (Ảnh: AFP)

Ông Kim Jong-nam tại Macau năm 2007 (Ảnh: AFP)

Từ nhà hàng Aurora, thực khách có thể ngắm nhìn châu thổ Châu Giang và các tòa nhà chọc trời tại Macau. Nếu ông Kim Jong-nam còn sống, ông có thể tới nhà hàng này, uống bia Nhật và trò chuyện với bạn bè. Bởi theo những người bạn của ông tiết lộ với báo This Week in Asia, nhà hàng Italia này là một trong những địa điểm yêu thích của ông Kim Jong-nam tại Macau.

Thời báo Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, trong gần 2 thập niên, Macau đã là nơi sinh sống của ông Kim Jong-nam, con trai cả của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Nhưng ông này được tin là đã bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2 khi đang chuẩn bị bắt chuyến bay đi Macau.

Macau - nơi nổi tiếng với các sòng bạc - là một mắt xích quan trọng, không chỉ giúp hé lộ về cuộc sống của ông Kim Jong-nam và gia đình, mà còn về mối quan hệ giữa chính quyền Triều Tiên và thế giới bên ngoài.

Cộng đồng khép kín

Mặc dù ông Kim Jong-nam đã chuyển tới Macau vào đầu những năm 2000, có rất ít thông tin về cuộc sống của ông này ở đây và thậm chí thông tin về những người đồng hương của ông còn hiếm hoi hơn. Mặc dù một số người Triều Tiên thỉnh thoảng bị nêu tên trong các vụ bê bối những năm qua, cộng đồng Triều Tiên ở Macau nhìn chung sống hầu như khép kín.

“Họ luôn là một cộng đồng khác thường. Họ là những người muốn loại mình khỏi nhịp sống hàng ngày”, nhà bình luận về các vấn đề xã hội tại Macau Larry So Man-yum nói với SCMP. “Có một vấn đề về ngôn ngữ. Rất ít người nói tiếng khác ngoài tiếng Triều Tiên và họ rất thận trọng khi liên lạc với cộng đồng địa phương do các vấn đề chính trị”.


Nhà hàng Italia Aurora, nơi ông Kim Jong-nam thường hay lui tới khi còn sống (Ảnh: SCMP)

Nhà hàng Italia Aurora, nơi ông Kim Jong-nam thường hay lui tới khi còn sống (Ảnh: SCMP)

Người Triều Tiên được cho là đã hiện diện tại Macau kể từ những năm 1970, nhưng một nguồn tin cho biết những người đầu tiên đến Macau và Hong Kong vào cuối những năm 1950. Khi đó, Macau là thuộc địa của Bồ Đào Nha, còn Hong Kong là thuộc địa của Anh.

Các nhà phân tích nhận định rằng, từ quan điểm của Triều Tiên, Macau có các lợi thế so với Hong Kong. Macau có tất cả các ngân hàng nước ngoài và môi trường thuận lợi để huấn luyện các điệp viên Triều Tiên.

Khẳng định trên được chứng minh bởi vụ việc của cựu điệp viên Triều Tiên Kim Hyon-hui, người từng sống tại Macau trong 6 tháng để học tiếng Trung. Kim Hyon-hui sau đó đã đặt bom trên một máy bay của hãng hàng không Korean Airlines. Vào năm 1987, bà này và một đồng phạm lên một máy bay của Korean Airlines tại Baghdad, sử dụng hộ chiếu giả của Nhật và đặt một vali chứa bom trên máy bay. Chuyến bay đi Seoul, nhưng Kim Hyon-hui và đồng phạm đã xuống máy bay khi nó quá cảnh ở Abu Dhabi. Quả bom đã nổ tung trên biển Andaman, khiến toàn bộ 115 người trên khoang thiệt mạng.

Các nguồn tin cũng khẳng định Triều Tiên đã bắt cóc một công dân Thái Lan, Anocha Panjoy, tại Macau vào năm 1978 nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ.

Macau trở thành cánh cửa giúp Triều Tiên kết nối với thế giới

Trong nhiều năm, chính quyền Triều Tiên đã dùng Macau để tìm hiểu về thế giới bên ngoài. “Họ từng đưa người từ các khoa kinh tế tới tìm hiểu về Macau và các cách thức vận hành của một nền kinh tế thị trường”, một nhà quan sát cho biết.

Từ những năm 1990 trở về đây, Macau dường như đóng vai trò quan trọng hơn với Triều Tiên. Triều Tiên trước đây thường tham gia giao dịch trao đổi hàng hóa - trao đổi hàng hóa mà không cần tiền mặt. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, Triều Tiên bắt đầu cần nhiều tiền mặt.

Từ những năm 1990, cộng đồng Triều Tiên tại Macau gồm khoảng 50 người, nhiều trong số họ có hộ chiếu ngoại giao và điều hành các doanh nghiệp hợp pháp, như các công ty thương mại và nhà hàng.

Khi đó, Macau đã trở thành một dạng nhà kho thương mại cho Triều Tiên, một cơ sở hậu cần và tài chính nhờ mối quan hệ của Macau với các thị trường quốc tế.

“Người Triều Tiên tại Macau là các nhà đầu tư nước ngoài và nhập khẩu sâm. Sau đó, tôi cũng nhớ đã từng giúp họ đầu tư đất đai”, Antonio Correia, một luật sư về hưu từ Bồ Đào Nha từng cộng tác với những người Triều Tiên vào cuối những năm 1980 và 1990 cho hay.

“Họ lịch sự, nghiêm chỉnh, và rất ủng hộ “nhà lãnh đạo kính mến”, ông Correia nói, sử dụng cụm từ thường để gọi cố lãnh đạo Kim Jong-il. “Đó là một nhóm rất ít người, vì vậy chỉ ai làm việc với họ mới biết họ”.


Văn phòng của công ty Zokwang tại Macau (Ảnh: SCMP)

Văn phòng của công ty Zokwang tại Macau (Ảnh: SCMP)

Cáo buộc buôn lậu

Công ty nổi bật nhất của Triều Tiên tại Macau là Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Zokwang, bắt đầu hoạt động tại Macau vào tháng 4/1990. Có 4 thành viên sáng lập và số vốn ban đầu là 350.000 Pataca Macau (43.658 USD). Một báo cáo tình báo cho thấy Zokwang là một chi nhánh của công ty Triều Tiên có tên gọi Daesung Chongguk chuyên về lĩnh vực dệt và máy móc, và bị cáo buộc tham gia buôn lậu thuốc phiện.

Vào năm 1994, 5 quan chức của công ty Zokwang đã bị bắt trong khuôn khổ một cuộc điều tra nhằm vào vụ buôn lậu tiền giả mệnh giá 100 USD vào Macau. Nhưng không cáo buộc nào được đưa ra và cuộc điều tra dường như sau đó đã bị hủy bỏ.

Một năm sau đó, các nguồn tin cho biết cảnh sát Trung Quốc tại Macau đã bắt giữ một quan chức của một công ty thương mại Triều Tiên vì âm mưu mua bán thuốc phiện.

Một cơ hội nhằm mở rộng quan hệ giữa hai bên đã đến khi sân bay quốc tế Macau khánh thành vào tháng 11/1995. Năm sau đó, một đại diện của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo đã gọi cho một luật sư nói họ muốn mở một chi nhánh tại Macau. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã kết thúc không như mong đợi và kế hoạch này không thành.

Nhưng một chuyến bay giữa Bình Nhưỡng và Bangkok, quá cảnh tại Macau, cuối cùng đã được mở vào tháng 9/1996. Tần suất của các chuyến bay không đều, tùy vào từng tuần và từng tháng.

“Thường là không có hành khách. Khi trở lại Bình Nhưỡng, họ đưa hàng lên khoang: xì gà, rượu, và các sản phẩm vệ sinh cơ bản”, một nguồn tin cho biết.

Các nguồn tin cho hay Triều Tiên cũng sử dụng các chuyến bay như vậy để buôn lậu ma túy và vũ khí.

Vào năm 2005, một vụ bê bối lớn đã xảy ra đối với cộng đồng người Triều Tiên ở Macau. Khi đó, Bộ Tài chính Mỹ đã miêu tả ngân hàng Delta Asia tại Macau có liên quan tới hoạt động rửa tiền của Triều Tiên.

Vợ con ông Kim Jong-nam có an toàn khi ở Macau?

Ông Kim Jong-nam, người có vợ đầu và một con trai đang sống tại Bắc Kinh, tới Macau vào đầu những năm 2000. Ông Kim và người vợ thứ 2 nuôi 2 con tại Macau: con trai Kim Han-sol, 21 tuổi, con gái Kim Sol-hui, 18 tuổi.

Một số người tin rằng vai trò của ông Kim Jong-nam tại Macau là người môi giới cho các doanh nghiệp của gia đình, ít nhất là cho đến năm 2013 khi người chú dượng Jang Song-thaek bị xử tử. “Ông ấy có thể là một nhân vật trung gian giữa Triều Tiên và thế giới bên ngoài. Lý do tại sao ông tới các quốc gia khác là để làm ăn”, một nhà bình luận cho hay.

Macau có thể là một thiên đường an toàn cho chính quyền Triều Tiên và các hoạt động của họ trong nhiều thập niên. Nhưng sau vụ ám sát ông Kim Jong-nam tại Malaysia, các chuyên gia cho rằng giờ đây Macau không còn an toàn. Một số người nghi ngờ rằng Macau giờ đây có thể bảo vệ gia đình ông Kim Jong-nam, giữa lúc mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng.

“Rất nguy hiểm khi sống ở đó lúc này. Có thể an toàn hơn cho họ khi xin tị nạn ở phương Tây”, Steve Chung Lok-wai, một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Đại học Trung Quốc, nói.

An Bình

Theo SCMP