1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lý Quang Diệu - người cha đáng tự hào

(Dân trí) - Đằng sau những chuyến công cán và hội họp, ông Lý Quang Diệu là một người cha đặc trưng “phương Đông”, người dù không nói nhiều về tình yêu thương dành cho gia đình, con cái nhưng luôn thể hiện nó bất kỳ khi nào có thể.

Với ông Lý, gia đình chính là thành quả lớn nhất của đời ông. Trong một cuộc phỏng vấn, ông từng nói “tôi có một gia đình tốt, hạnh phúc. Tôi có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tôi có 3 đứa con mà tôi rất tự hào. Tôi chẳng thể đòi hỏi gì hơn.”

Ông Lý Quang Diệu cùng vợ và các con trong một bức ảnh cũ (Ảnh: Lee Family)
Ông Lý Quang Diệu cùng vợ và các con trong một bức ảnh cũ (Ảnh: Lee Family)

Ông Lý có ba người con. Con cả Lý Hiển Long sinh năm 1952, con gái Lý Vĩ Linh sinh năm 1955 và con út Lý Hiển Dương sinh năm 1957. Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng năm 1959, ông Lý và vợ là bà Kha Ngọc Chi đã chấp nhận đánh đổi nhiều điều để các con có thể lớn lên và sống một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, tránh xa những ảnh hưởng từ vị trí và công việc của cha.

Một trong những quyết định như vậy chính là việc ông Lý chọn không sống tại Sri Temasek, khu tư dinh dành cho thủ tướng, “bởi việc đó sẽ không có lợi cho chúng. Chúng sẽ nhận thức sai về việc chúng là ai, là cái gì, khi xung quanh là những người phục vụ, người làm vườn”, ông Lý từng chia sẻ.

Nhưng việc theo dõi các con lớn lên cũng “thường xuyên nhắc nhở” ông Lý về “sự cần thiết phải xây dựng một môi trường an toàn và toàn diện cho những đứa trẻ của chúng ta”.

Với công vụ bận rộn, ông Lý phải phó thác phần lớn việc nuôi dạy các con cho vợ, người hàng ngày vẫn trở về nhà vào buổi trưa để ăn cùng các con. Bà cũng sẵn sàng dùng roi vọt khi chúng tỏ ra bướng bỉnh, nhưng với ông Lý, “khiển trách nghiêm khắc là đủ”. Ông cho biết “có một người cha hay dùng đòn roi khiến tôi phản đối việc đánh đập con cái”.

Ông Lý tự đề ra nguyên tắc về việc dành thời gian cho con cái. Ít nhất mỗi năm một lần, đôi khi là hai lần, ông sẽ đưa cả gia đình tới khu Cameron Highlands hoặc Fraser’s Hill để nghỉ ngơi 2 tuần.

Nhận xét về anh trai mình, ông Lee Suan Yew nói: “Anh ấy không phải là người thích dùng vũ lực; anh ấy không phải người sẽ ôm chặt con hay có các hành động tương tự, nhưng tình yêu của anh ấy dành cho các con là bao la”. Tình yêu thương của anh ấy “rất phương Đông, không giống người phương Tây”.

Ông Lý cũng là một người cha rất thực tế. Là một người lớn lên và được nuôi dạy trong môi trường nói tiếng Anh, khi phải học tiếng Trung để giành lấy sự ủng hộ chính trị từ cộng đồng người Hoa đông đảo ở Singapore, ông đã để cả ba người con học suốt 12 năm đầu đời tại những ngôi trường nói tiếng Trung.

“Tôi nói với các con bằng tiếng Trung cho đến khi chúng vào cấp hai…Ngọc Chi, vợ tôi, thì nói với lũ trẻ bằng tiếng Anh. Từ lúc lên 6, lũ trẻ được kèm thêm tiếng Malay tại nhà”.

Con cả của ông Lý thậm chí được cha yêu cầu gia nhập các nhóm hướng đạo sinh, để có thể tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè gốc Malay. “Được dạy học bằng 3 ngôn ngữ là rất quan trọng khi việc sáp nhập với Malaysia thành hiện thực. Đó là cơ hội cho lũ trẻ mở mang các mối quan hệ xã hội”, ông Lý chia sẻ.

Ông Lý và vợ chơi cùng các cháu nội, ngoại trong bức ảnh chụp năm 1989 (Ảnh: Lee family)
Ông Lý và vợ chơi cùng các cháu nội, ngoại trong bức ảnh chụp năm 1989 (Ảnh: Lee family)

Ông Lý xem việc giáo dục con cái là trách nhiệm rất quan trọng của bản thân, và hài lòng khi cả ba con đều giành được học bổng. Ông Lý Hiển Long đã đi theo con đường chính trị của cha, và nay đã trở thành thủ tướng Singapore, sau thời gian học thạc sỹ quản lý công tại đại học Havard danh giá.

Lý Hiển Dương, không muốn nối nghiệp cha, đã quyết định trở thành doanh nhân sau khi tốt nghiệp thạc sỹ quản trị đại học Stanford, Mỹ. Trong khi người con gái duy nhất của ông Lý, bà Lý Vĩ Linh, chọn ngành y, và hiện là giám đốc Viện Khoa học thần kinh quốc gia.

Nói về cha mình, ông Lý Hiển Dương cho biết ông là người luôn theo sát những gì các con làm và đưa ra những lời khuyên, ví dụ như việc chọn trường học, nhưng vẫn để cho các con quyền quyết định.

“Cha tôi đã đề xuất việc đó (theo đuổi con đường chính trị) nhưng tôi nghĩ đó không phải điều tôi muốn…Tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ đến việc đó. Tôi không biết vì sao một số người cho rằng do tôi là con của một thủ tướng, làm chính trị là số mệnh của tôi”, ông Hiển Dương nói

Trong một cuộc phỏng vấn 2 năm sau khi mẹ qua đời tháng 10/2010, Lý Hiển Dương cho biết: mất mát này là rất lớn về mặt tình cảm và cả sức khỏe với cha ông.
 
“Với ông, đó là điều rất đau đớn. Thực sự tôi nghĩ ông ấy đã già đi rất nhiều trong những ngày tháng sau đó”.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm