1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ly kỳ thuyết phục “quan tham” Trung Quốc về nước quy hàng

Chuyến bay từ Vancouver tới Bắc Kinh hạ cánh là lúc cựu giám đốc bất động sản cỡ bự của nước này bị bắt.


Nghi phạm Hạ Kiệm bị bắt và áp giải xuống khỏi máy bay từ Canada

Nghi phạm Hạ Kiệm bị bắt và áp giải xuống khỏi máy bay từ Canada

Trong suốt chiến dịch “đả hồ, diệt ruồi và săn cáo” kéo dài và gây tiếng vang, lực lượng chức năng Trung Quốc đã truy lùng rất nhiều đối tượng được liệt vào hạng “cáo tham nhũng” từng trốn ra nước ngoài, đặc biệt là Canada và thuyết phục họ tự nguyện về nước quy hàng. Tuy nhiên, theo một luật sư người Canada, vẫn còn nhiều bí ẩn đằng sau chữ “tự nguyện” này.

Thuyết phục “cáo tham nhũng” về nước

Nhắc đến chiến công bắt quan tham trốn ra nước ngoài của Trung Quốc không thể không kể đến việc lực lượng chức năng bắt nghi phạm tham nhũng Hạ Kiệm, người đã trốn sang Canada ngày 7/11/2017.

Chuyến bay mang số hiệu 992 từ Vancouver tới Bắc Kinh hạ cánh cũng là lúc cựu giám đốc bất động sản thuộc Tập đoàn Cảng Hà Bắc bị hai sĩ quan mang găng tay trắng còng tay, dẫn giải khỏi đường băng.

Ủy ban Thanh tra Kỷ luật (CCDI) Trung Quốc - cơ quan chống tham nhũng quyền lực nhất nước này cho biết, số tiền khổng lồ liên quan tới vụ tham nhũng của Hạ đã bị đóng băng.

Hạ Kiệm bị chính quyền Bắc Kinh cáo buộc đã tìm cách chạy trốn khỏi Trung Quốc tới Canada trong năm 2010 và sống chui lủi tại thị trấn Nanaimo, đảo Vancouver. Cuộc sống trốn chui chấm dứt khi tên và hình ảnh của Hạ bị CCDI công bố trong danh sách 100 nghi phạm truy nã trốn ra nước ngoài.

Trung Quốc đã công bố địa chỉ ở nước ngoài của một số nghi phạm tham nhũng sống tại Canada, Mỹ và một số nước khác.

Dù ông Hạ không có trách nhiệm chính thức phải rời Canada vì nước này không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc. Ngoài ra, Hạ Kiệm cũng không vướng vào bất cứ vụ phạm tội nào tại Canada. Nhưng cuối cùng, theo CCDI, Hạ đã tự nguyện quay trở về đại lục và đầu hàng trước cảnh sát.

Một số thành công bắt giữ “cáo tham nhũng” trốn ra nước ngoài khác của Trung Quốc như nghi phạm Lý Văn Cách trốn ở Colombia đã quay về nước vào đầu tháng 12/2017.

Trong số 100 nghi phạm trong danh sách “truy nã” của CCDI, 51 người đã bị bắt, trong đó có 13 người quay về từ Canada. Câu hỏi đặt ra, tại sao lực lượng chức năng Trung Quốc có thể thuyết phục những nghi phạm như Lý và Hạ về nước chịu tội?

Câu trả lời là...

Phân tích để tìm ra câu trả lời, tờ Bưu điện Hoa Nam đã tìm hiểu một số tài liệu cùng phỏng vấn Douglas Cannon - luật sư của một nghi phạm từng tự nguyện về nước vào đúng dịp Tết năm 2012 là Lý Đông Triết.

Lý là nhân vật cấp cao chạy trốn và cáo buộc biển thủ 113 triệu USD trong một sai phạm ngân hàng lớn nhất lịch sử Trung Quốc. Lý, em trai và gia đình sang Canada ngày 31/12/2004 bằng visa du lịch. Trước khi đến, họ đã lập tài khoản ngân hàng, lập công ty, mua siêu xe BMW và căn hộ hạng sang ở Coal Harbour, Vancouver.

Nhưng năm 2005, khi chính quyền Trung Quốc tìm kiếm anh em nhà Lý, họ đã bán tài sản tổng cộng 2,7 triệu USD, bỏ đăng ký xe và đóng tài khoản ngân hàng. Vợ con của hai anh em trở về Trung Quốc trong cùng năm còn hai anh em họ Lý ở lại xin tị nạn.

Dù Canada không cho phép tị nạn nhưng cơ quan di trú Canada đánh giá rằng họ có thể gặp nguy hiểm nếu bị trục xuất nên đã cho phép ở lại. Từng bị bắt vì ở quá hạn visa, Lý Đông Triết sống trong cảnh giới nghiêm và buộc phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt bao gồm đeo vòng theo dõi điện tử. Nếu muốn đi lại xung quanh Vancouver, Lý phải đi cùng luật sư Douglas Cannon.

Theo luật sư của Lý tại Vancouver, ông Douglas Cannon và một số tài liệu khác mà tờ Bưu điện Hoa Nam có được, chán ngán cuộc sống gò bó như trên, Lý đã chấp nhận thỏa thuận với Chính phủ.

Ông Lý đã có những cuộc thương lượng dài với lãnh sự quán Trung Quốc tại Vancouver bao gồm nhiều cuộc đàm phán với đại diện của Cảnh sát Trung Quốc tại Canada.

Thậm chí, theo luật sư Cannon, Lý đã gửi bản danh sách điều kiện dài 2 trang với tên “10 điều kiện để tôi tự nguyện quay về Trung Quốc” vào ngày 22/12/2011, khoảng 1 tuần trước chuyến bay về đại lục.

Ngoài điều kiện được đối xử công bằng, danh sách còn có điều kiện yêu cầu “không còng tay hoặc bất cứ hình thức ép buộc nào.

Tôi phải được đối xử như một hành khách đi máy bay bình thường”; “Được sống trong nơi ở an toàn như phòng khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng nào đó trong thời gian điều tra”; ăn Tết với mẹ và việc quay về Trung Quốc phải được giữ bí mật.

Ngoài ra, thỏa thuận còn có điều kiện không tuyên án Lý Đông Triều quá 15 năm và không án tù cho em trai Lý. Nhưng sau khi về nước, Lý đối mặt án tù chung thân, toàn bộ tài sản bị tịch thu; còn em trai chịu án tù 25 năm.

Theo luật sư Cannon, các cơ quan chức năng Trung Quốc có thể thuyết phục các nghi phạm về nước bằng cách đưa ra cho họ một thỏa thuận về khoan hồng hoặc ít nhất là đối xử công bằng. Nhưng khi họ về nước thì đa phần những cam kết này không được thực hiện đúng.

Theo Trang Trần

Báo Giao Thông