1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Triều Tiên bất ngờ thay thế “cánh tay phải” của ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Quyết định của Triều Tiên khi thay thế quan chức cấp cao được xem là “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong các cuộc đàm phán với Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn muốn duy trì động lực đối thoại với Washington.

Lý do Triều Tiên bất ngờ thay thế “cánh tay phải” của ông Kim Jong-un - 1

Ông Kim Yong-chol ngồi họp cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018 (Ảnh: NK News)

Cơ quan tình báo Hàn Quốc ngày 24/4 đã thông báo trước ủy ban tình báo quốc hội nước này rằng ông Kim Yong-chol, người đứng đầu Ủy ban Mặt trận thống nhất thuộc đảng Lao động Triều Tiên, gần đây đã được thay thế bằng người kế nhiệm ít tên tuổi hơn là Jang Kum-chol.

Triều Tiên không đưa ra thông báo chính thức về sự thay thế này. Tuy nhiên, ông Kim Yong-chol không được nhìn thấy xuất hiện trong phái đoàn quan chức cấp cao Triều Tiên tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này.

Sự vắng mặt của ông Kim Yong-chol trong phái đoàn tới Nga càng củng cố thêm phỏng đoán của giới tình báo Hàn Quốc về khả năng bị thay thế của quan chức cấp cao này. Trước đó, ông Kim Yong-chol, người được xem là “cánh tay phải” của ông Kim Jong-un, luôn đi cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các chuyến công du nước ngoài, bao gồm hai chuyến đi tới Singapore và Việt Nam để họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Kim Yong-chol, cựu tướng quân đội Triều Tiên, là nhà đàm phán hàng đầu trong các cuộc đàm phán hòa bình và phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ. Vai trò quan trọng này của ông được duy trì cho tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai hồi cuối tháng 2 tại Hà Nội.

Người đồng cấp với ông Kim Yong-chol bên phía Mỹ là Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông Kim Yong-chol từng hai lần gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, một lần vào tháng 6 năm ngoái và một lần vào tháng 1 năm nay, để trao tận tay bức thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho tổng thống Mỹ.

Thông điệp của Triều Tiên

Lý do Triều Tiên bất ngờ thay thế “cánh tay phải” của ông Kim Jong-un - 2

Ông Kim Yong-chol (ngoài cùng bên phải) ngồi cạnh ông Kim Jong-un trong cuộc họp với Tổng thống Donald Trump và phái đoàn Mỹ tại Việt Nam (Ảnh: AP)

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), nếu thông tin Triều Tiên thay thế ông Kim Yong-chol được xác nhận, điều đó đồng nghĩa với việc quan chức này có thể phải chịu trách nhiệm về việc hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Mỹ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Kết quả này khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un không hài lòng sau khi ông đi một chặng đường xa tới gặp Tổng thống Trump với hy vọng có thể được Mỹ nới lỏng trừng phạt.

Các chuyên gia nhận định việc loại ông Kim Yong-chol khỏi vị trí phụ trách các cuộc đàm phán với Mỹ dường như là cách để Triều Tiên gửi thông điệp tới Mỹ rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng nối lại các cuộc đối thoại và thúc đẩy đàm phán với Washington dù hội nghị thượng đỉnh lần hai không đạt được kết quả như mong muốn.

“Thực tế cho thấy ông Pompeo không thích người đồng cấp Kim Yong-chol. Ngay cả khi việc thay thế này có ít tác động (tới các cuộc đàm phán hạt nhân), song đó vẫn là dấu hiệu mà Triều Tiên gửi tới Mỹ rằng: “Chúng tôi muốn (đối thoại) tiếp tục và hãy tiến hành cuộc đối thoại tiếp theo””, Nam Chang-hee, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Inha, nhận định.

Theo Giáo sư Park Won-gon tại Đại học Handong Global, bằng việc thay thế ông Kim Yong-chol, Triều Tiên dường như muốn gây sức ép với Mỹ bằng thông điệp rằng, các cuộc đàm phán nên được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo, thay vì tốn thời gian vào các cuộc đàm phán ở cấp thấp hơn.

“Đó có thể là thông điệp được ông Kim Jong-un gửi trực tiếp tới ông Trump, trong đó đề nghị ông Trump đưa ra quyết định rõ ràng, theo chỉ đạo từ cao xuống thấp”, Giáo sư Park nói.

Lý do Triều Tiên bất ngờ thay thế “cánh tay phải” của ông Kim Jong-un - 3

Ông Kim Yong Chol gửi thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Yonhap)

Các chuyên gia khác cũng coi động thái thay thế ông Kim Yong-chol của Triều Tiên là dấu hiệu tích cực trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ.

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Cheong Seong-chang tại Viện nghiên cứu Sejong, việc thay thế ông Kim Yong-chol cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào quan chức này.

“Điều đó đồng nghĩa với việc ông Kim Jong-un sẵn sàng xem xét các phương án khác, thay vì chỉ sử dụng một quân bài duy nhất”, Cheong cho biết.

Nhà nghiên cứu Cheong cũng lưu ý rằng lập trường cứng rắn của ông Kim Yong-chol bắt nguồn từ mối quan hệ gần gũi của ông với quân đội Triều Tiên. Trong khi đó, Triều Tiên hiện có hai nhà ngoại giao hàng đầu trên mặt trận đối thoại là Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Thứ trưởng Choe Son-hui. Như vậy, Bình Nhưỡng có thể sẽ thay đổi chính sách với Mỹ.

“Ông Kim Yong-chol chưa bao giờ thoát khỏi việc tính toán tới các lợi ích của quân đội. Trong khi đó, ông Ri Yong-ho và bà Choe Son-hui, trong trường hợp cần thiết, có thể đưa ra lựa chọn phục vụ cho lợi ích của cả nhà lãnh đạo và chính quyền (Triều Tiên), ngay cả khi lựa chọn đó bất lợi cho quân đội”, Cheong bình luận.

Ông Cheong cho biết một quan chức xuất thân từ quân đội và có quan điểm “diều hâu” như ông Kim Yong-chol luôn mong muốn duy trì vị thế hạt nhân của Triều Tiên bằng cách đề xuất phi hạt nhân hóa một phần để đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt. Ông Cheong nhấn mạnh ông Kim Yong-chol phải “chịu trách nhiệm lớn nhất” bởi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận là do lập trường cứng rắn của quan chức này.

“Chiến lược đàm phán phi thực tế mà ông Kim Jong-un thể hiện tại Hà Nội đã cho thấy rằng ông ấy không thể đưa ra một quyết định sáng suốt vì tai và mắt của ông ấy luôn bị choáng ngợp bởi những người diều hâu như vậy”, chuyên gia Cheong nói, ngụ ý tới ông Kim Yong-chol.

Thành Đạt

Tổng hợp