1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Tổng thống Trump họp riêng 2 tiếng với ông Putin trong phòng kín

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là có lý do khi quyết định dành hơn 2 giờ đồng hồ để họp riêng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Helsinki, Phần Lan hôm 16/7.

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau tại Helsinki (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin gặp nhau tại Helsinki (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc gặp tại Helsinki, Phần Lan hôm 16/7, Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp riêng trong phòng kín kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Ngoài hai phiên dịch viên, cuộc họp này không có sự tham gia của bất kỳ quan chức nào trong chính quyền Nga - Mỹ. Giới chức Mỹ cho đến nay vẫn hoàn toàn không biết hai nhà lãnh đạo đã trao đổi với nhau những gì sau cánh cửa phòng họp.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump tiết lộ ông và Tổng thống Putin đã thảo luận về một loạt vấn đề như chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh của Israel, phổ biến vũ khí hạt nhân, tấn công mạng, thương mại, Ukraine, hòa bình ở Trung Đông và Triều Tiên. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không tiết lộ thông tin chi tiết về nội dung cuộc họp.

CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết có 3 lý do khiến Tổng thống Trump quyết định họp riêng với nhà lãnh đạo Nga.

Đánh giá người đồng cấp

Quan chức Mỹ cho rằng việc Tổng thống Trump đề nghị họp riêng với Tổng thống Putin là để đánh giá tốt hơn ông chủ Điện Kremlin, đồng thời phát triển mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo. Đây cũng là lý do khiến ông Trump từng họp riêng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore hồi tháng 6.

Tổng thống Trump từng nói rằng ông có khả năng cảm nhận rất nhanh về người đối diện. Đây cũng là điểm nổi trội hơn của ông chủ Nhà Trắng so với những người khác.

Trước khi gặp ông Kim Jong-un để đàm phán về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông Trump từng nói với các phóng viên rằng ông có thể biết rõ nhà lãnh đạo Triều Tiên có nghiêm túc hay không sau một phút gặp mặt.

“Bạn muốn biết tôi mất bao lâu ư? Tôi nghĩ chỉ trong vòng một phút đầu tiên, tôi đã hiểu (ông Kim Jong-un)”, Tổng thống Trump nói.

“Đó là giác quan của tôi, cảm nhận của tôi. Mất bao lâu để biết liệu họ có nghiêm túc hay không ư? Tôi nghĩ chắc chỉ trong một phút đầu tiên. Bạn biết đấy, người ta vẫn nói rằng bạn sẽ biết có thích ai đó không chỉ trong 5 giây đầu tiên. Tôi nghĩ tôi hiểu rất nhanh rằng liệu có chuyện gì đó tốt đẹp sắp xảy ra hay không”, ông Trump giải thích thêm.

Tổng thống Trump được cho là nhà lãnh đạo hành xử theo cảm tính và điều này có thể thấy trong hầu hết các quyết định của ông. Do vậy, việc đến một nơi mà ông có thể dễ dàng phán đoán người đối diện thực sự rất quan trọng với tổng thống Mỹ.

Tránh rò rỉ thông tin

Hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau trong cuộc họp báo chung (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau trong cuộc họp báo chung (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump từng rất giận dữ khi thông tin về các cuộc họp của ông với các nhà lãnh đạo nước ngoài bị rò rỉ trước đây. Ông chủ Nhà Trắng đã dặn các trợ lý rằng ông không muốn các thông tin nhạy cảm bị lộ ra ngoài sau cuộc gặp của ông với Tổng thống Nga. Trong cuộc gặp vào tháng 7 năm ngoái, ông Trump và ông Putin cũng đã trò chuyện riêng trong vòng một giờ đồng hồ với sự có mặt của một phiên dịch viên người Nga.

Trước hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Helsinki, Tổng thống Trump từng bị rò rỉ thông tin trong cuộc trò chuyện đầu tiên của ông với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Sau đó, cánh báo chí đã biết rằng nhà lãnh đạo Mỹ tìm cách thuyết phục người đồng cấp Mexico không đề cập đến việc nước này không trả tiền cho bức tường ngăn biên giới.

Truyền thông Mỹ cũng dẫn một nguồn tin cho biết trong cuộc họp với ông Putin tại Phần Lan, Tổng thống Trump không mang theo giấy bút vào phòng họp riêng với nhà lãnh đạo Nga vì lo ngại nội dung cuộc họp có thể bị lộ ra ngoài. Cuộc họp riêng của hai tổng thống dường như không có văn bản chính thức ghi chép lại nội dung chi tiết.

Tránh bị gián đoạn

Lý do thứ 3 giải thích cho quyết định họp kín của Tổng thống Trump là ông không muốn các trợ lý, những người có thể mang quan điểm cứng rắn với Nga, cắt ngang hoặc làm gián đoạn cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Putin.

Nguyên nhân sâu xa cho vấn đề trên nằm ở chỗ Tổng thống Trump thậm chí không tin tưởng chính các trợ lý của ông trong việc đưa ra những lời khuyên về cách ứng phó với Nga. Tổng thống Trump từng đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của một “thế lực ngầm” cực đoan tại Mỹ có khả năng vượt lên trên cả ông dù ông vẫn nắm quyền lãnh đạo đất nước. Đây có thể là lý do khiến ông Trump không dám chắc chắn rằng liệu các trợ lý của ông có làm gián đoạn cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin hay không.

Ngay từ trước khi Tổng thống Trump bắt đầu cuộc gặp với người đồng cấp Nga tại Helsinki, ông đã chịu sức ép từ giới nghị sĩ Mỹ. Họ kêu gọi ông hủy hội nghị thượng đỉnh với Nga, đặc biệt sau khi Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13/7 ra thông cáo cáo buộc 12 nhân viên tình báo Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Các nghị sĩ cho rằng ông Trump cần tỏ ra cứng rắn với ông Putin và thể hiện rằng Nga sẽ phải trả giá đắt vì can thiệp bầu cử Mỹ.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, Tổng thống Trump tiếp tục trở thành tâm điểm chỉ trích của các nghị sĩ và công chúng Mỹ vì những phát ngôn bênh vực Nga trong cuộc họp báo với Tổng thống Putin. Trước sức ép của dư luận, ông Trump đã phải lên tiếng đính chính và thừa nhận ông đã “lỡ lời” khi phủ nhận kết luận của tình báo Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử.

Không dừng lại ở đó, các nghị sĩ còn kêu gọi đưa nữ phiên dịch viên, người Mỹ duy nhất ngoài ông Trump có mặt trong cuộc họp kín của hai nhà lãnh đạo tại Helsinki, ra điều trần trước Quốc hội. Các nghị sĩ cho rằng chỉ bằng cách gây sức ép, họ mới có được câu trả lời từ phiên dịch viên này để biết chính xác chuyện gì đã xảy ra trong cuộc họp.

Thành Đạt

Tổng hợp