Lý do siêu tăng T-90 Nga chưa tạo đột phá tại Ukraine
(Dân trí) - Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng tại Ukraine nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại T-90 của Nga vẫn đối mặt với những thách thức nhất định trên chiến trường.
Xe tăng T-90 được xem là một trong những vũ khí hiện đại nhất Nga đưa tới chiến trường ở Ukraine, có thể được so sánh với xe tăng phương Tây như M1 Abrams, Challenger-2 hay Leopard-2.
Cho tới nay, Eurasian Times dẫn nguồn tin từ trang tình báo nguồn mở Oryx cho biết, Nga dường như đã mất khoảng 61 chiếc T-90, trong đó có 18 biến thể T-90M. Oryx thường dựa vào các hình ảnh thực tế trên hiện trường để thống kê thông tin, trong khi Nga chưa từng nêu số xe tăng T-90 bị thiệt hại.
Trước đó, T-90 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trên chiến trường với dàn vũ khí và trang bị hiện đại. Tuy nhiên, cho tới nay, màn trình diễn của siêu tăng được cho là vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Chia sẻ với Eurasian Times, chuyên gia quân sự Nektarios Papantoniou cho biết, nhiều cuộc giao tranh tại Ukraine tới nay diễn ra giằng co ở khu vực đô thị, vì vậy T-90 chưa thể phát huy tối đa lợi thế của vũ khí là khả năng cơ động và tấn công tầm xa như trên một khu vực trống và rộng lớn hơn.
Mặt khác, dù T-90 được trang bị hệ thống bảo vệ uy lực Shtora-1, nhưng các video trên hiện trường cho thấy xe tăng Nga vẫn bị tên lửa đối thủ tấn công theo kiểu "đột nóc", tức là bắn hỏa lực nhằm vào nóc xe tăng. Đây được xem là điểm mỏng manh và dễ tổn thương nhất của xe tăng. Theo ông Papantoniou, điều này cho thấy xe tăng Nga chưa được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động có tầm bao quát 360 độ.
Ông Papantoniou nói, hệ thống Shtora-1 được thiết kế cách đây hơn 30 năm để bảo vệ hiệu quả trước các tên lửa chống tăng phiên bản cũ kiểu tấn công theo đường thẳng. Tuy nhiên, các tên lửa chống tăng phương Tây hiện tại có khả năng tấn công theo đường vòng, tức là bay theo hướng thẳng đứng lên trời rồi dội xuống nóc xe tăng. Điều này dường như đang làm khó Shtora-1. Với một số xe tăng, Nga đã buộc phải hàn cứng lồng thép lên trên phần tháp pháo để ngăn tên lửa chống tăng Ukraine tấn công vào khu vực nhạy cảm nhất của vũ khí.
Ngoài ra, ông Papantoniou cho rằng, kíp điều khiển T-90 dường như chưa được huấn luyện đủ linh hoạt trước các kịch bản trên chiến trường, nên họ chưa phát huy hết uy lực của dòng xe tăng hiện đại hàng đầu trên chiến trường trước các tình huống chiến đấu bất ngờ trong môi trường không thuận lợi.
Chuyên gia quân sự nhận định, T-90 dù là vũ khí uy lực nhưng bản chất là phiên bản nâng cấp của T-72 - dòng xe tăng được chế tạo để đối phó với NATO từ thời Chiến tranh Lạnh. Tại Ukraine, T-90 phải đối mặt với những thách thức từ môi trường chiến đấu đô thị cho tới các dòng vũ khí mới, như UAV tự sát. Chúng chưa được nâng cấp để thích nghi với những vũ khí này.
Mặc dù vậy, vai trò của xe tăng trong hoạt động tác chiến hiện đại là không thể xem nhẹ, vì chúng bản chất vẫn là vũ khí giúp cho một đội quân tiến lên trên thực địa để kiểm soát lãnh thổ giành được từ đối phương.