1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý do ông Trump vẫn được ủng hộ mạnh mẽ dù vướng rắc rối pháp lý

Thành Đạt

(Dân trí) - Những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đánh giá cao những thành tựu của ông khi còn nắm quyền và sẵn sàng bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử năm nay, dù ông vướng nhiều rắc rối pháp lý.

Lý do ông Trump vẫn được ủng hộ mạnh mẽ dù vướng rắc rối pháp lý - 1

Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại sự kiện tranh cử ở Iowa ngày 14/1 (Ảnh: Reuters).

Các quan chức Iowa cho biết thời tiết ở khu vực này "lạnh đến mức nguy hiểm" trong những ngày gần đây, khi nhiệt độ xuống mức thấp nhất sau nhiều ngày tuyết rơi.

Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt không ngăn được hàng trăm người đổ ra đường để gặp cựu Tổng thống Donald Trump hôm 14/1 ở Indianola, một thị trấn nhỏ ở phía nam Des Moines, thủ phủ bang Iowa.

Một ngày trước cuộc họp kín ở Iowa, họ đội mũ và mặc áo in khẩu hiệu Make America Great Again (MAGA) tại sự kiện vận động tranh cử của ông Trump. Hơn 3 năm sau khi những người ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ để ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của Tổng thống Joe Biden và hàng loạt vụ truy tố sau đó, sự ủng hộ của các thành viên đảng Cộng hòa dành cho ông Trump vẫn ổn định.

Ông Trump đã giành được 51% số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại Iowa hôm 15/1, vượt xa các đối thủ gồm Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. Ông DeSantis và bà Haley đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba với tỷ lệ phiếu bầu lần lượt là 21% và 19%.

George Hutton, một người ủng hộ ông Trump tại hạt Madison, cho rằng các đối thủ của ông Trump trong đảng Cộng hòa đang "lãng phí thời gian của họ".

"Tôi nghĩ ông Trump sẽ giành chiến thắng áp đảo hơn những gì họ ước tính", ông Hutton nói, đề cập đến cuộc tranh cử ở Iowa.

Trong sự kiện vận động tranh cử ở Iowa, những người tham gia đã đứng suốt 15 phút dưới cái lạnh khủng khiếp khi xếp hàng dài bên ngoài trường cao đẳng cộng đồng nơi ông Trump phát biểu. Khi vào bên trong, nhiều người thậm chí còn không được gặp trực tiếp ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa. Thay vào đó, họ phải ngồi xem bài phát biểu của ông trên màn hình trong một căn phòng do khu vực tổ chức sự kiện chính đã hết chỗ.

Khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào ngày 15/1 ở Iowa, câu hỏi đặt ra không phải là liệu ông Trump có thắng không, mà là thắng với tỷ lệ phiếu bầu bao nhiêu.

Vấn đề kinh tế

Trong khi đối với nhiều người Mỹ, những năm tháng dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump gắn liền với sự hỗn loạn và những tuyên bố mang tính kích động, những người ủng hộ cựu tổng thống lại luôn đề cao khoảng thời gian ông còn ở Phòng Bầu dục.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump được hãng tin Al Jazeera phỏng vấn đã nêu ra 3 lý do chính khiến họ ủng hộ ông gồm: nền kinh tế, vấn đề nhập cư và sự bất ổn toàn cầu. Tính cách hướng ngoại của ông Trump và những vấn đề pháp lý cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của ông.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố nền kinh tế Mỹ đang "khỏe mạnh", nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng mạnh mẽ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đồng thời lưu ý rằng tình trạng lạm phát tàn phá nền kinh tế toàn cầu trong đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát.

Tuy nhiên, những cử tri ủng hộ ông Trump đã chỉ ra những khó khăn về kinh tế của chính họ cũng như lãi suất cao để cho thấy một bức tranh khác về nền kinh tế.

"Chúng tôi cần một cái gì đó khác với những gì chúng tôi đang làm bây giờ. Nó không hiệu quả. Điều đó nói lên rất nhiều điều về việc nền kinh tế đang ở đâu", David Brunell, 32 tuổi, một người ủng hộ ông Trump, cho biết.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các cử tri không xem xét các đối thủ khác của ông Trump trong đảng Cộng hòa? Những người ủng hộ nói rằng ông Trump là một nhân vật nổi tiếng và họ đã thấy cách ông điều hành nước Mỹ khi còn là tổng thống.

"Chúng tôi chỉ muốn đất nước của chúng tôi trở lại. Chúng tôi muốn đất nước của chúng tôi trở lại giống như thời ông ấy còn là tổng thống và tốt hơn nữa", Hutton nói.

Brunell có vẻ đồng ý với quan điểm trên. Brunell nói rằng anh chưa bao giờ để mắt tới các ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa vì ông Trump có "thành tích tốt và đi được một chặng đường dài".

Vấn đề đối ngoại

Lý do ông Trump vẫn được ủng hộ mạnh mẽ dù vướng rắc rối pháp lý - 2

Những người ủng hộ ông Trump dự sự kiện vận động tranh cử ở Iowa ngày 14/1 (Ảnh: Reuters).

Mặc dù chính sách đối ngoại hiếm khi là vấn đề hàng đầu trong các cuộc bầu cử gần đây ở Mỹ, nhưng một số người ủng hộ ông Trump đã đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine và Gaza là kết quả của những chính sách kém hiệu quả dưới thời Tổng thống Biden.

Khi còn là tổng thống, ông Trump rất ủng hộ Israel. Ông chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, chấm dứt tài trợ của Mỹ cho cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) và làm trung gian cho các thỏa thuận ngoại giao giữa Israel và các nước Ả rập.

Tổng thống Biden cũng có cam kết tương tự với Israel. Nhưng đối với những người ủng hộ ông Trump, tình trạng hỗn loạn trong khu vực không nằm ở chính sách cụ thể, mà ở tính cách của nhà lãnh đạo.

Nghị sĩ Jim Jordan từng nói rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không xảy ra nếu ông Trump làm tổng thống.

"Chúng ta đã đi từ Tổng thống Trump, người đã thể hiện sức mạnh trên toàn thế giới, đến Joe Biden", nghị sĩ Jordan nói.

Blaine Melvin, một người trông coi sân cỏ tại trường đại học địa phương, đã than thở về tình hình thế giới và nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden.

"Đây là thời điểm gần nhất với Thế chiến ba mà tôi từng chứng kiến", Melvin cảnh báo.

Chính quyền Tổng thống Biden tuần trước đã ra lệnh phát động cuộc tấn công quân sự nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen sau khi nhóm này tiếp tục tấn công các tàu có liên kết với Israel, yêu cầu Israel chấm dứt cuộc chiến ở Gaza.

Khi còn nắm quyền, ông Trump cũng đã thúc đẩy các chính sách cứng rắn ở Trung Đông. Ông đã ra lệnh tấn công tướng hàng đầu của Iran Qassem Soleimani và rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương, trong đó Tehran thu hẹp quy mô chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Một nhóm cử tri đảng Cộng hòa, những người ngày càng hoài nghi về sự can thiệp quân sự của Mỹ ở nước ngoài sau các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, cho đến nay vẫn ủng hộ ông Trump.

Vấn đề nhập cư

Kể từ khi tuyên bố tranh cử tổng thống lần đầu tiên vào năm 2015, ông Trump đã đặt vấn đề nhập cư vào tầm ngắm của mình, đôi khi sử dụng ngôn từ cứng rắn nhằm vào những người nhập cư.

Số lượng người đến biên giới phía nam Mỹ đã tăng vọt, bao gồm hơn 2 triệu người vào năm ngoái.

Tổng thống Biden cũng đã cố gắng hạn chế tình trạng nhập cư trái phép, bất chấp sự chỉ trích từ các nhóm bảo vệ quyền của người nhập cư và những người cấp tiến. Nhưng chính sách của ông Biden vẫn không thể so sánh được với lời lẽ gay gắt của ông Trump về vấn đề này.

"Ông ấy là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Ông ấy đã thắt chặt biên giới của chúng ta", Bob Snyder, một cư dân ở Des Moines, nói về ông Trump.

Ông Trump ngày 14/1 tiếp tục nhấn mạnh việc hạn chế di cư và nỗ lực xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang tìm cách mô tả ông Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ, với cáo buộc ông nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa cho rằng chính quyền hiện tại mới là mối đe dọa thực sự đối với nền dân chủ. Họ cho rằng những cáo trạng mà ông Trump đang phải đối mặt có động cơ chính trị và nhằm mục đích phá hoại cuộc bầu cử năm 2024.

"Các cáo trạng là sai sự thật", Snyder nói.

Ông Trump đang phải đối mặt với các cáo buộc hình sự về nỗ lực lật ngược kết quả bỏ phiếu năm 2020. Tuy nhiên, các vụ việc này dường như không có nhiều ý nghĩa với những người ủng hộ ông.

Tại sự kiện vận động tranh cử trước ngày bỏ phiếu ở Iowa, ông Trump đã phát biểu trong 1 tiếng 40 phút, chuyển đổi giữa các chủ đề - từ di cư đến chính sách đối ngoại, kinh tế đến giai thoại cá nhân - thu hút tiếng cười và sự cổ vũ từ đám đông.

Khi được hỏi yêu thích điều gì ở ông Trump, Evan Walker, 18 tuổi, người tham gia bỏ phiếu lần đầu tiên, nói: "Tôi thích cá tính của ông ấy nhiều hơn, ông ấy biết mình đang làm gì. Ông ấy rất hướng ngoại".

Theo Aljazeera, Newsweek