Lý do khiến "thành trì" chống Covid-19 của Đài Loan bị chọc thủng
(Dân trí) - Sau khi kiểm soát tốt các làn sóng Covid-19 ban đầu, Đài Loan hiện phải đối mặt với đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Chỉ hơn một tuần trước, Đài Loan vẫn được coi là một hình mẫu kiểm soát tốt và hiệu quả dịch Covid-19 mà không cần đến những biện pháp như phong tỏa quy mô lớn. Chiến dịch ứng phó của Đài Loan hiệu quả đến mức không cần làm nhiều xét nghiệm và gần như không tiêm phòng.
Tuy vậy, Đài Loan bị cho là đã sai lầm khi đưa ra quyết định hôm 15/4 về việc rút ngắn thời gian cách ly đối với phi hành đoàn từ 14 ngày xuống còn 3 ngày. Không lâu sau quyết định đó, hai phi công của hãng hàng không China Airlines được xác nhận mắc Covid-19. Đến tháng 5, hàng chục phi công và tiếp viên của hãng này và người thân của họ cũng như nhân viên khách sạn được xác định dương tính với SARS-CoV-2 trong khi việc truy vết vô cùng phức tạp.
Chỉ trong vòng vài ngày, Đài Loan ghi nhận hơn 1.000 ca mắc, một con số tuy nhỏ so với các điểm nóng trên thế giới, nhưng là một con số kinh hoàng với người dân hòn đảo này bởi Đài Loan cũng chỉ ghi nhận chừng ấy ca mắc trong suốt các đợt bùng phát trước. Từ chỗ không có ca nhiễm trong thời gian dài, hiện mỗi ngày Đài Loan ghi nhận số ca mắc mới ở mức 3 con số. Điều này cho thấy, dịch có thể đã âm thầm lây lan ở hòn đảo này trong nhiều tháng.
"Nếu họ ghi nhận 300 ca, thì trong cộng đồng có thể đã có 3.000 ca, chỉ là họ chưa phát hiện ra. Vì vậy, Đài Loan nên có áp dụng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt, chặt đứt chuỗi lây lan, tiếp đến là triển khai tiêm chủng nhanh nhất có thể", Gregory Poland, chuyên gia virus học, giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vắc xin Mayo, cho biết.
Xét nghiệm hạn chế
Con đường nhiều khả năng nhất khiến Covid-19 chọc thủng tường phòng thủ Covid-19 của Đài Loan chính là khách sạn Novotel gần sân bay Đào Viên, một trong những sân bay vận tải lớn nhất thế giới.
Khi phi hành đoàn của China Airlines được cách ly tại một khu vực của Novotel, khu vực khác của khách sạn này vẫn mở cửa và lại hút khách nhờ những chương trình khuyến mại. Hơn 30 ca Covid-19 ghi nhận gần đây ở Đài Loan liên quan đến hãng hàng không và khách sạn này, nhưng giới y tế ở đây vẫn chưa xác định được chuỗi lây nhiễm rõ ràng.
Đó chính là một trong những vấn đề cốt yếu của Đài Loan: Xét nghiệm Covid-19 không thường xuyên - một chiến lược mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Đài Loan từng biện minh rằng xét nghiệm hàng loạt làm tăng nguy cơ dương tính giả và lãng phí nguồn lực y tế. Theo số liệu, tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 ở Đài Loan ngày 16/5 là 0,18 xét nghiệm trên 1.000 dân, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Singapore là 13,1 xét nghiệm trên 1.000 dân.
Xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng bởi nó là cách duy nhất để xác định nguồn lây và mức độ lây nhiễm của virus. Tiến sĩ Gigi Gronvall của Trường Y tế Cộng đồng (Mỹ), cho rằng tăng cường xét nghiệm là bước quan trọng cần thực hiện nếu muốn tránh kịch bản phong tỏa.
Chương trình tiêm chủng tụt hậu
Đến nay, Đài Loan mới chỉ tiếp nhận 300.000 liều vắc xin AstraZeneca. Chính quyền hòn đảo đã ký hợp đồng mua 20 triệu liều vắc xin của AstraZeneca và Moderna, nhưng phần lớn trong số này vẫn chưa được chuyển giao.
Giống như ở nhiều nơi khác đã kiểm soát được chuỗi lây lan trong cộng đồng, chương trình tiêm chủng của Đài Loan đang tụt hậu so với ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Tính đến hôm 17/5, mới chỉ có 0,9% trong số 23,5 triệu dân của Đài Loan được tiêm chủng mũi đầu tiên, một tỷ lệ tương đối thấp so với 14,5% của Trung Quốc đại lục, hơn 30% của Anh.
Đây là lỗ hổng lớn có thể khiến Đài Loan rơi vào chu kỳ mở cửa - đóng cửa như của Hong Kong, Singapore hay một số nước trong khu vực. Giới chức Đài Loan đã yêu cầu đóng cửa trường học, hạn chế tiếp xúc xã hội, khuyến khích người dân làm việc ở nhà thay vì áp lệnh phong tỏa. Lệnh phong tỏa sẽ áp dụng khi số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trên 100 ca trong 14 ngày liên tiếp và một nửa số ca không rõ nguồn lây.
Một đại diện của Đài Loan tại Mỹ cho biết, hòn đảo này sẽ tiếp nhận 5 triệu liều vắc xin của Moderna vào khoảng giữa năm nay, trong khi AstraZeneca sẽ bàn giao lô vắc xin thứ hai vào khoảng giữa tháng 6.
Từ giờ đến khi đó, giới chức Đài Loan hy vọng các biện pháp như hạn chế tiếp xúc, yêu cầu đeo khẩu trang có thể giúp hòn đảo ngăn dịch bùng phát mạnh.