Lý do khiến Kiev tin ông Trump sẽ không quay lưng với Ukraine
(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump duyệt bán "vũ khí đầu tiên" của Mỹ cho Ukraine năm 2017 là dấu hiệu cho thấy ông sẽ không quay lưng với Kiev nếu đắc cử.
"Ai đã bán vũ khí đầu tiên của Mỹ cho Ukraine? Cựu Tổng thống Trump, (duyệt bán) tên lửa Javelin. Ai đã bắt đầu chương trình chuyển giao miễn phí các tàu hải quân đầu tiên, tàu Island và tàu Mark-6 cho Ukraine? Ai đã chống lại Nord Stream 2 và trừng phạt tàu Fortuna của Nga đã đặt đường ống này? Cũng chính là ông Trump", Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nói ngày 3/1.
Năm 2017, khi còn đương chức, ông Trump đã phê duyệt thương vụ bán tên lửa Javelin cho Ukraine trong bối cảnh chiến sự miền Đông Ukraine tiếp diễn. Thời điểm đó, một số người cho rằng động thái này của chính quyền ông Trump tiềm ẩn rủi ro bởi có thể khiến Nga tức giận.
Tuy nhiên, sau khi rời nhiệm sở, ông Trump đưa ra những quan điểm trái chiều về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay với Nga. Một mặt, ông chỉ trích chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden viện trợ cho Kiev. Mặt khác, ông cho rằng, các đồng minh cần viện trợ thêm cho Ukraine.
Ông cũng nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử. Tuyên bố của ông làm dấy lên đồn đoán rằng nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, Mỹ sẽ thay đổi chính sách, ngừng viện trợ cho Ukraine, buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Kuleba tin rằng ông Trump sẽ tiếp tục ủng hộ viện trợ cho Ukraine.
"Ông Trump là người mà chúng ta có thể hợp tác được, chỉ cần biết cách làm việc với ông ấy", nhà ngoại giao Ukraine nói.
Ông thừa nhận, làm việc với ông Trump "khác hoàn toàn" làm việc với chính quyền Tổng thống Biden. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự biết ơn của Ukraine đối với những gì mà chính quyền ông Biden đã làm cho Kiev.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ ba nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang dần nóng lên. Ông Trump hiện là ứng viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa.
Trong khi Mỹ và nhiều đồng minh dường như không còn mặn mà trong việc hỗ trợ Ukraine như ban đầu do cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài, ông Trump liên tục nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của Washington giúp Kiev đạt được những thành công quan trọng trên chiến trường.
Trong nỗ lực nhằm thay đổi quan điểm của ông Trump về triển vọng hòa đàm giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 11 năm ngoái đã mời ông Trump đến nước này để chứng kiến những gì đang xảy ra.
"Nếu ông ấy có thể đến đây, tôi sẽ chỉ cần 24 phút để giải thích rằng ông ấy không thể quản lý được cuộc chiến này. Ông ấy không thể mang lại hòa bình", nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Tuy vậy, ông Trump đã từ chối lời mời. Ông giải thích: "Tôi dành sự tôn trọng cho Tổng thống Zelensky, nhưng tôi nghĩ chuyến thăm đến Ukraine thời điểm này không phù hợp. Chính quyền của ông Joe Biden đang làm việc với ông Zelensky, tôi không muốn tạo ra một sự xung đột lợi ích".