1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lương cựu thủ tướng Đức sẽ "xứng danh anh hùng"

Gazprom, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga, hôm qua tiết lộ rằng lương của cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder - với tư cách là chủ tịch tổ hợp kinh doanh đường ống dầu khí từ Nga sang Đức, sẽ "xứng với đẳng cấp" của ông.

Thông tin về việc cựu thủ tướng Đức được chỉ định vào công ty đang có dự án gây tranh cãi nói trên, đã châm ngòi những cuộc tranh cãi ở Berlin, về việc liệu chính phủ có nên thảo dự luật xoay quanh việc các cựu chính trị gia đầu quân cho khu vực kinh tế tư nhân.

 

Gazprom, sở hữu 51% cổ phần của Công ty đường ống Bắc Âu, cho biết các cổ đông sẽ quyết định mức lương của ông Schroeder.

 

"Đây là dự án nhạy cảm về mặt chính trị và xã hội, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia và chúng tôi cần ông Schroeder thông tin một cách hiệu quả với những nhà quyết định chính sách ở cấp cao", một phát ngôn viên của Gazprom nói.

 

Những người thân cận với tổ hợp đường ống dầu nói trên cho biết con số 1 triệu euro (lương hàng năm của cựu thủ tướng) xuất hiện trên báo chí Đức là có thể tin cậy. "Ông ấy không thiếu những lời mời làm việc, và mức lương ông sẽ nhận có thể tương đương với mức mà một ngân hàng đầu tư hoặc một công ty khác đưa ra", một nguồn tin thân cận với tổ hợp nói.

 

Chức vụ mới của cựu thủ tướng, được công bố chỉ 3 tuần sau khi ông rời nhiệm sở, khiến người Đức tranh luận kịch liệt về mối quan hệ giữa chính trị và kinh doanh, đặc biệt là sau một loạt các vụ bê bối trong giới kinh doanh mấy năm nay.

 

Ronald Pofalla, tổng thư ký đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền, bình luận: "Một cựu thủ tướng phải biết điều gì là thích hợp và những trách nhiệm cần thiết của người nắm chính phủ".

 

"Gerhard Schröder đã hủy hoại niềm tin này. Đối với ông ta, vấn đề không phải là dầu khí, mà là tiền".

 

Khi còn tại nhiệm thủ tướng, Schröder là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho dự án đường ống dẫn dầu từ Nga tới biển Baltic. Đường ống này được ông cho là sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho Đức trong tương lai.

 

Dự án đường ống Baltic khiến Ba Lan và Ukraine tức giận, bởi đây là hai nước kiếm được tiền nhờ thu phí vân chuyển dầu của Nga qua lãnh thổ của họ trên đường đi sang Tây Âu.

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/Financial Times