Lời xin lỗi nhằm xoa dịu căng thẳng của lãnh đạo Hong Kong
(Dân trí) - Lời xin lỗi của Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga được đưa ra sau các cuộc biểu tình của người dân nhằm phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Ngày 16/6, người biểu tình ồ ạt đổ xuống các tuyến đường tại Hong Kong. Họ mang theo quyết tâm mới và một danh sách dài những yêu cầu, khiến cuộc khủng hoảng chính trị lan rộng tại đặc khu hành chính này.
Ngày 15/6, nhà lãnh đạo Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thông báo dừng vô thời hạn dự luật dẫn độ trước khi đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi vào ngày hôm sau. Tuy vậy, động thái này của bà dường như không xoa dịu được sức nóng của dư luận.
Các nhà hoạt động cho rằng lời xin lỗi của trưởng đặc khu hành chính Hong Kong khá muộn màng.
Những người tổ chức biểu tình ước tính có gần 2 triệu người, trong tổng số 7 triệu dân Hong Kong, đã tham gia cuộc biểu tình vào cuối tuần qua. Con số khổng lồ này đã phần nào cho thấy rằng, công chúng vẫn chưa hài lòng với những gì chính quyền Hong Kong đã làm.
Nhiều người biểu tình cho biết họ thất vọng với tuyên bố của bà Lâm. Họ cho rằng lời xin lỗi của bà không chân thành.
“Bà ấy làm vậy do sức ép”, Leo Cheng, sinh viên 19 tuổi, nhận định.
Người biểu tình giơ biển đòi rút lại dự luật dẫn độ. (Ảnh: Reuters)
Người biểu tình hô khẩu hiệu và mang theo những tấm biển nêu yêu cầu của họ: bao gồm việc rút hoàn toàn dự luật, chứ không chỉ dừng vô thời hạn, điều tra công bằng việc cảnh sát sử dụng vũ lực trong cuộc đụng độ với người biểu tình hôm 12/6, rút lại tuyên bố chính thức nói biểu tình là bạo loạn bất hợp pháp vì điều này có thể khiến một số người biểu tình bị bắt phải đối mặt với án tù kéo dài.
Tuy nhiên, nhiều người kêu gọi bà Lâm cũng như các lãnh đạo cơ quan an ninh và tư pháp trong bộ máy của bà từ chức. Hiện chưa rõ kịch bản từ chức của bà Lâm có xảy ra hay không.
Bài bình luận trên Nhân dân Nhật báo, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 16/6 vẫn ủng hộ chính quyền Hong Kong. Tuy nhiên, khác với những bài bình luận trước đó trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, bài viết trên Nhân dân Nhật báo hôm qua không công khai đề cập tới bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Công việc khó khăn
Người Hong Kong xuống đường biểu tình ngày 16/6 (Ảnh: Reuters)
Cuối tuần trước, bà Lâm, một lãnh đạo nghiêm túc và thường kiên định trong lập trường của mình, không cho thấy rằng bà đang có ý định từ chức. Sau khi tuyên bố dừng vô thời hạn dự luật gây tranh cãi và đưa ra lời xin lỗi, bà Lâm tuyên bố sẽ “tiếp nhận những lời chỉ trích một cách chân thành và khiêm tốn nhất”.
Đây là lần thứ 3 trong vòng một tuần, những người biểu tình phong tỏa các con đường tại trung tâm Hong Kong để phản đối dự luật dẫn độ. Nhiều người lo sợ rằng nếu được thông qua, dự luật này sẽ tước đi một số quyền của họ.
Cuộc khủng hoảng mà trưởng đặc khu hành chính Hong Kong đang phải đối mặt có thể không thể qua nhanh trong “một sớm một chiều”. Bà Lâm vẫn đang tìm cách để khôi phục lại trật tự tại Hong Kong, song vẫn phải tránh đưa ra những nhượng bộ có nguy cơ làm suy yếu vị thế của bà.
Được đưa ra sau khi hàng nghìn người biểu tình kéo về tòa nhà Hội đồng Lập pháp trong suốt 6 giờ đồng hồ, lời xin lỗi của bà Lâm hôm qua là lần đầu tiên bà thừa nhận sai sót trong cách quản lý của mình.
“Chính quyền thừa nhận rằng những bất cập trong cách quản lý của chính quyền đã gây ra những mâu thuẫn và tranh cãi lớn trong xã hội Hong Kong, khiến nhiều người dân cảm thấy thất vọng và buồn bã. Trưởng đặc khu hành chính xin lỗi người dân Hong Kong vì điều này, và hứa rằng bà sẽ tiếp nhận những lời chỉ trích theo cách chân thành và khiêm tốn nhất, phấn đấu để cải thiện và phục vụ công chúng”, thông báo của chính quyền Hong Kong nêu rõ.
Hiện vẫn chưa rõ liệu bà Lâm có thể lấy lại được niềm tin không chỉ của người dân Hong Kong, mà còn của cộng đồng doanh nghiệp từng ủng hộ bà, hay không.
Bà Lâm đã khó hàn gắn những chia rẽ tại Hong Kong sau 2 năm tiếp quản quyền lực từ người tiền nhiệm Lương Chấn Anh, người buộc phải từ bỏ kế hoạch tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai do sự bất mãn của người dân. Mặc dù bà Lâm ban đầu có thể đánh giá thấp làn sóng phản đối của công chúng với dự luật dẫn độ, song thực chất công việc của bà được đánh giá là không hề đơn giản khi phải làm hài lòng cả Trung Quốc đại lục và người dân Hong Kong.
Thành Đạt
Theo NYT, Straitstimes