1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lo Mỹ tấn công quân sự, Iran "án binh bất động"?

Chính quyền Tổng thống Trump đang gia tăng trừng phạt Iran, khiến cho khả năng trở lại thỏa thuận hạt nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhưng liệu một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran có thực sự khả thi?

Iran "án binh bất động"

Bầu không khí căng thẳng và đề phòng đang nổi lên trong bối cảnh quá trình chuyển giao quyền lực bắt đầu ở Washington với việc chính quyền tiếp theo nhiều khả năng sẽ đảo ngược chiến dịch sức ép tối đa của Tổng thống Trump nhằm vào Iran, đồng thời tìm cách trở lại thỏa thuận hạt nhân.

New York Times tuần trước cho biết, Tổng thống Trump trong một cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia, đã đề nghị đánh giá về các lựa chọn tấn công quân sự tiềm tàng nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Lo Mỹ tấn công quân sự, Iran án binh bất động? - 1

Tên lửa đất đối đất và chân dung lãnh tụ tối cao Iran Leader Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh chụp năm 2017: AP

Tehran đã cảnh báo về một "phản ứng tương thích" nếu bị tấn công. Dù vậy, theo Middle East Eye, Iran vẫn lo ngại Tổng thống Trump có thể kéo khu vực vào một cuộc chiến mở rộng trước khi rời nhiệm sở và đã đề nghị các đồng minh ở Iraq dừng mọi cuộc tấn công nhằm vào binh sỹ và lợi ích Mỹ, nhằm tránh tạo cớ để Washington có thể "khai chiến".

Trong khi đó, theo Axios ngày 25/11, Quân đội Israel cũng đang chuẩn bị cho khả năng Mỹ tấn công Iran trong giai đoạn chuyển giao quyền lực vô cùng nhạy cảm ở Washington. Điều này khiến nhiều người lo ngại Tổng thống Trump có thể sẽ hành động nhằm phức tạp hóa "hồ sơ Iran" cho chính quyền kế nhiệm.

Không thể loại trừ khả năng tấn công

Theo các nhà phân tích, một cuộc tấn công như vậy ít có khả năng xảy ra, nhưng không thể hoàn toàn loại trừ, đặc biệt là đối với một người khó đoán như Tổng thống Trump.

"Tôi nghĩ, đó là điều có thể xảy ra. Cũng có một số dấu hiệu đáng lo ngại về điều đó", theo Ryan Costello, Giám đốc chính sách tại Hội đồng quốc gia của người Mỹ gốc Iran (NIAC).

Ông viện dẫn chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Trung Đông, gặp gỡ các nhà lãnh đạo có quan điểm phản đối Iran, bao gồm cả cuộc gặp với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tuy nhiên, việc tấn công các cơ sở hạt nhân Iran có thể cần sự chuẩn bị lớn cả về hậu cần và chính trị, và Tổng thống Trump thì không có nhiều thời gian để làm điều đó.

"Rồi sau đó, bạn sẽ hứng trọn sự đáp trả của Iran, đặc biệt là ở những nơi mà tên lửa uy lực của Tehran có thể vươn tới như Saudi Arabia và hay các căn cứ của Mỹ đặt rải rác trong khu vực. Đó sẽ là một động thái cực kỳ liều lĩnh và rủi ro", ông Costello nói.

Imad Harb, Giám đốc nghiên cứu và phân tích tại Trung tâm Abab ở Washington D.C. nói rằng, có những yếu tố thúc đẩy ông Trump tấn công Iran trong những tuần tới: để lại một di sản với tư cách là một Tổng thống đã trừng phạt Iran; ngăn cản chính quyền Biden trong tương lai khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân; hay tặng "quà chia tay" cho Thủ tướng Israel Netanyahu.

Ông cho biết thêm, các chính trị gia, các quan chức quân sự và dư luận Mỹ đều lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh ở Trung Đông, và một cuộc tấn công nhằm vào Iran nếu được tiến hành, sẽ nhanh chóng biến thành một cuộc xung đột mở rộng.

Chuyên gia Harb dự đoán giới lãnh đạo quân sự Mỹ sẽ phản đối lệnh tấn công Iran, đặc biệt là trong những ngày cuối cùng của chính quyền sắp mãn nhiệm.

Lầu Năm Góc thận trọng

Tuần trước, New York Times cho biết, các cố vấn của Tổng thống Trump, trong đó có quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley, đã can ngăn Tổng thống có ý định tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran.

Việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cùng các quan chức hàng đầu khác của Lầu Năm Góc đầu tháng này đã dấy lên lo ngại rằng ông Trump có thể đang chuẩn bị cho điều gì đó "bất thường", trong đó có cả khả năng tấn công Iran hoặc thúc đẩy quân đội can thiệp vào các vấn đề chính trị ở Mỹ.

Lo Mỹ tấn công quân sự, Iran án binh bất động? - 2

Trong một cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia, Tổng thống Trymp đã đề nghị đánh giá về các lựa chọn tấn công quân sự tiềm tàng nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.Ảnh: Reuters

Các tổng thống sắp mãn nhiệm thường kiềm chế khơi mào các cuộc xung đột có thể kéo dài tới sau khi họ kết thúc nhiệm kỳ, nhưng ông Trump vốn là nhân vật chính trị không theo quy ước thông thường.

Cho dù thất cử, nhưng ông Trump sẽ vẫn nắm trọn quyền tổng thống cho đến khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Điều đó bao gồm cả vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Mỹ.

Dù vậy, các lãnh đạo quân đội, các quan chức an ninh quốc gia, những người thường được tham vấn trước các quyết định quan trọng, nhiều khả năng sẽ tìm cách thuyết thục Tổng thống Trump tránh hành động quân sự vội vàng.

Năm 2019, Tổng thống Trump từng ra lệnh tấn công Iran nhưng đã hủy bỏ quyết định vào phút chót. Nhưng cũng chính ông Trump đầu năm 2020 đã ra lệnh tấn công sát hại tướng Iran Qassem Soleimani.

Theo ông Harb, đằng sau những tính toán nội bộ, tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ cũng phải cân nhắc liệu các đồng minh của Mỹ sẽ phản ứng như thế nào với một cuộc tấn công nhằm vào Iran.

Các đối tác vùng Vịnh của Mỹ có thể sẽ ủng hộ chiến dịch sức ép tối đa của Tổng thống Trump đối với Iran, nhưng họ cũng nhận thức được hậu quả tiềm tàng của một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran, bởi những gì xảy ra ngay sau đó là chính họ sẽ phải hứng đòn đáp trả của Iran.

Siết chặt trừng phạt

Về mặt chính trị, Tổng thống Trump đang tìm cách cản trở việc quay lại thỏa thuận hạt nhân trong tương lai của chính quyền kế nhiệm bằng cách gia tăng trừng phạt với các thực thể và cá nhân Iran.

Theo JCPOA, Iran thu nhỏ quy mô chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, sau khi rút khỏi thỏa thuận đa phương này hồi tháng 5/2018, chính quyền Mỹ liên tiếp đưa vào danh sách đen các công ty, ngân hàng, các quan chức chính trị và quân sự của Iran.

Ông Costello giải thích rằng, các đòn trừng phạt mới là nhằm gia tăng "cái giá chính trị" đối với Joe Biden nếu tái gia nhập JCPOA.

"Điều đó không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng lại ràng buộc về mặt chính trị, khiến chính quyền kế nhiệm gặp nhiều khó khăn hơn khi muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm chỉ để quay trở lại thỏa thuận hạt nhân", ông nói.

Sami Scheetz, Phó Giám đốc chiến dịch tranh cử của Biden tại Iowa, nói rằng, việc bổ nhiệm Tony Blinken làm Ngoại trưởng trong chính quyền sắp tới cho thấy sự nhấn mạnh vào con đường ngoai giao của chính quyền tương lai.

"JCPOA không phải là một thỏa thuận hoàn hảo, nhưng nó giúp kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân Iran mà không cần phải tốn một viên đạn nào. Việc Tổng thống Trump loại bỏ thỏa thuận đó chỉ càng tạo cơ hội cho những thành phần có quan điểm cứng rắn ở Iran vốn lâu nay luôn đối đầu với Mỹ. Ông Biden và Blinken đã nhiều lần nói rằng nước Mỹ cần phải trở lại khuôn khổ JCPOA", ông Scheetz nói với MEE.

Nhà phân tích Harb của NIAC nói rằng, những hậu quả thảm khốc của một hành động quân sự vội vàng ở thời điểm này sẽ khiến những người ra quyết định phải "chùn bước".

"Cuối cùng thì cho dù là bất cứ ai, khi tới bên bờ vực, họ cũng sẽ thấy rằng nó rất sâu và không muốn mình rơi xuống đó", ông Harb nói.