1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lỗ hổng trong cuộc chiến của Mỹ chống IS

Cuối tuần qua, Paris đã chủ trì một hội nghị quốc tế để thảo luận về các biện pháp quân sự nhằm tiêu diệt phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (ISIS hoặc IS) đang hoạt động từ Aleppo cho tới Baghdad.

Lỗ hổng trong cuộc chiến của Mỹ chống IS
Trung Đông đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng trong vòng ba năm qua, khi mà cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ, khiến quốc gia này bị chia rẽ và xóa nhòa biên giới với các nhà nước lân cận. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS, trước đó gọi là ISIS) và lực lượng người Kurd đang chiếm ưu thế hoàn toàn tại những khoảng trống quyền lực, và trong vài thập kỷ tới có thể vẫn chưa thể lấp đầy. Ảnh: BI

Tham dự hội nghị có các phái đoàn châu Âu, các quốc gia Ảrập, năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, đại diện EU, Liên đoàn Ả Rập, và Liên Hợp Quốc. Tất cả các vị khách đều hứa hẹn giúp Chính phủ Iraq chiến đấu với IS.

Nhưng, như Reuters đã lưu ý, một bản tuyên bố đưa ra sau hội nghị hôm thứ Hai đã không mảy may đề cập tới Syria.

Trong khi đó, các đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã khai thác lỗ hổng về mặt minh bạch để bảo vệ chính quyền Syria.

“Cách tốt nhất để chiến đấu với IS và chủ nghĩa khủng bố trong khu vực là giúp đỡ và củng cố các chính quyền Iraq, Syria, các quốc gia đang tham chiến trong cuộc đối đầu chống lại chủ nghĩa khủng bố” – Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir- Adbollahian nói với một nghị sĩ người Pháp. 

Mohammad Ali Jafari – người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran – nói rằng Mỹ sẽ hối hận về việc tấn công vào Syria. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng ông Assad cũng phải được tham gia. 

“Bất kỳ ai cũng cảm thấy lo ngại trước các dự định được tuyên bố công khai về việc tấn công các vị trí của lực lượng ‘Nhà nước Hồi giáo’ trên đất của Syria mà không có sự tương tác với chính quyền Syria” – ông Lavrov nói tại Paris. “Cũng như Iran, Syria là đồng minh tự nhiên trong cuộc chiến này”.  

Tờ Business Insider cho rằng, Mỹ mở rộng không kích tại Iraq nhằm vào IS. Nhưng chính quyền Obama dường như không có một quan điểm thống nhất về việc cần làm gì với ông Assad. 

“Các tuyên bố của Tổng thống và quan chức (Mỹ) cho thấy, việc Syria góp mặt trong chiến lược này chỉ có thể được thúc đẩy trong giai đoạn cuối của chiến dịch, và sẽ không tiến hành cho tới chừng nào ông Obama chưa hết nhiệm kỳ”, Mike Doran, quan chức cấp cao tại Trung tâm Chính sách Trung Đông, nhận định. 

Những vấn đề và tính toán dang dở "cho thấy chính sách của Obama với Syria không có nhiều tiến triển như vẻ bề ngoài", Doran nói thêm. “Ông ấy vẫn duy trì một cuộc nội chiến, nghi ngại về việc trang bị cho lực lượng Quân đội Syria Tự do, và miễn cưỡng hơn bao giờ hết đối với việc ủng hộ lật đổ Assad”. 

Trong hơn ba năm qua, Assad nói rằng ông đang phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố, trong khi vẫn hậu thuẫn cho các nhóm cực đoan mà lực lượng mạnh nhất trong số đó là IS ngày nay.  

“Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và al-Sham (ISIS hay IS) nổi lên như là một trong những thực tế được tạo nên để đảm bảo cho sự tồn vong của Assad, và ông cùng với những người hậu thuẫn Iran tìm cách dàn dựng cuộc xung đột này thành một vấn đề phe phái trong khu vực, cùng với một lựa chọn cổ điển giữa sức mạnh quân đội và những kẻ cực đoan dòng Sunni” – nhà ngoại giao người Syria là Bassam Barabandi, từng công tác nhiều thập kỷ tại Bộ Ngoại giao Syria, viết.

“Giờ đây ISIS đã trưởng thành, chính quyền Assad và Iran coi họ chính là đối tác của Mỹ”. 

Và rõ ràng là một cuộc chiến chống lại ISIS phải bao gồm các hoạt động tại Syria.

“Liệu chiến dịch này có thể thành công mà không cần giải quyết một phần của tổ chức này hiện đang ẩn náu ở Syria? Câu trả lời là không” – Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, nói tại Lầu Năm Góc.

Lỗ hổng trong cuộc chiến của Mỹ chống IS
Tổng thống Syria Bashar al-Assad có cuộc gặp với Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại Tehran, ngày 18/2/2007. (Ảnh: Reuters)
Ông Obama được cho là có nói riêng rằng, việc Syria bắn vào các máy bay Mỹ có thể dẫn tới việc lật đổ ông Assad, dù cho Ngoại trưởng John Kerry nói Mỹ có thể ‘liên lạc’ với chính quyền Assad để tránh mọi sự đụng độ có thể xảy ra. Chính quyền Obama cũng nói rằng, họ muốn củng cố phe đối lập ở Syria, nhưng không cho biết họ có muốn giúp lực lượng này trong các trận chiến ác liệt ở Aleppo không.

“Chính Aleppo, thành phố lớn nhất Syria, mới là cơ may lớn nhất của ISIS để mở rộng ca líp mà họ đòi hỏi” - Jean-Marie Guéhenno và Noah Bonsey thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế viết trên tờ New York Times. 

“Và một chiến dịch hiệu quả để ngăn ngừa, và sau cùng là đảo ngược lại sự bành trướng của ISIS nên bắt đầu từ đây, và càng sớm càng tốt”. 

Mỹ nói sẽ không hợp tác với Iran về mặt quân sự, nhưng đã thiết lập một kênh để thảo luận về cuộc chiến chống ISIS. Hiện chưa rõ các thảo luận này có bao gồm cả Syria hay không.

Thời báo Phố Wall lưu ý rằng, các quan chức Mỹ đang lo ngại các cuộc chiến qua tay Iran có thể nhằm vào lợi ích của Mỹ “nếu [người Iran] coi các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Iraq và Syria gây nên mối đe dọa tới các mục tiêu cốt lõi của Iran và quyền hành của ông Assad”.

Bất kỳ hành động nào của Mỹ đi ngược lại lợi ích của Tehran cũng có thể gây cản trở mục tiêu của chính quyền Obama đối với thỏa thuận hạt nhân và việc hòa giải với Iran. 

“Nói một cách thực tế, ông Obama cũng trong mối liên kết với Iran để chống lại ISIS” – Doran nhận định. “Cuộc chiến đó cũng gồm có liên minh với Assad. Đó mới là phần tế nhị nhất trong chiến lược này, bởi vì danh tiếng của ông Assad ở trong nước và với các đồng minh truyền thống của Mỹ thì không hay ho gì, chẳng hạn như với Ảrập Xê-út, cho nên Mỹ không thể trực tiếp đối thoại với chính quyền tại Damascus”. 

“Vậy nên những gì mà họ (Mỹ) làm trên thực tế là rào đón, trì hoãn, và lập lờ nước đôi, nói đãi bôi với mục tiêu của lực lượng Quân đội Syria Tự do, mà không bao giờ cho họ thực lực thật sự” – Doran kết luận. 

Theo Lê Thu
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm