1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lính Nhật được tham chiến: Mỹ ủng hộ, Trung nổi đóa

(Dân trí) - Mỹ ngày 1/7 đã hoan nghênh sự thay đổi mang tính lịch sử của Nhật Bản nhằm mở rộng vai trò của quân đội, cho phép quân đội tham chiến để bảo vệ các đồng minh.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
 
“Chúng tôi đã theo dõi và quan tâm tới cuộc thảo luận sâu rộng tại Nhật Bản về vấn đề thực thi quyền phòng vệ của nước này theo Hiến chương Liên hợp quốc”, phó phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết trong cuộc họp báo thường ngày hôm qua.

“Chúng tôi hoan nghênh chính sách mới của chính phủ Nhật liên quan tới quyền phòng vệ tập thể và các vấn đề an ninh có liên quan”.

Sau nhiều tháng tranh cãi và vấp phải sự phản đối của những người chỉ trích, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 1/7 cho biết nội các của ông đã chính thức ủng hộ việc diễn giải lại hiến pháp hòa bình của Nhật, vốn cấm sử dụng vũ lực, ngoại trừ các tình huống rất hạn chế.

Theo việc diễn giải các quy định của hiến pháp, các binh sĩ Nhật giờ đây có thể trợ giúp các đồng minh trong trường hợp bị tấn công.

Bà Harf nói thêm rằng liên minh Mỹ-Nhật là “một trong những mối quan hệ an ninh quan trọng nhất của chúng tôi”.

“Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực của Nhật nhằm tăng cường hợp tác an ninh và duy trì sự minh bạch và cởi mở thông qua quá trình quyết định vốn dẫn tới chính sách mới”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ nói.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng hoan nghênh quyết định của chính phủ Nhật nhằm cho phép nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua, ông Hagel cho hay chính sách an ninh mới của Nhật sẽ cho phép lực lượng phòng vệ nước này tham gia vào nhiều hoạt động hơn và giúp liên minh Mỹ-Nhật hiệu quả hơn.

Theo ông Hagel, quyết định của Tokyo là một bước quan trọng để Nhật Bản đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và an ninh khu vực cũng như toàn cầu.

Bộ trưởng Hagel cho biết thêm, ông mong chờ thảo luận về chính sách mới của Nhật khi người đồng cấp Nhật Itsunori Onodera tới thăm Washington vào tuần tới.

Trung, Hàn nổi giận

Sự thay đổi quan trọng trên của Tokyo diễn ra trong bối cảnh các căng thẳng khu vực với Trung Quốc đang leo thang vì các tranh chấp biển đảo ở Hoa Đông và Biển Đông.

Tuy nhiên, chính sách mới của Tokyo đã khiến Trung Quốc nổi giận sau khi mối quan hệ giữa hai nước bị tổn hại bởi tranh chấp lãnh thổ, sự nghi kỵ và di sản quá khứ hiếu chiến của Nhật.

“Trung Quốc phản đối Nhật Bản bịa đặt mối đe dọa từ Trung Quốc để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị trong nước”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 1/7.

“Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản tôn trọng các lo ngại an ninh của các láng giềng châu Á và thận trọng giải quyết vấn đề liên quan”, ông Hồng Lỗi nói thêm.

Tại Seoul, Bộ ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng nước này xem quyết định của Nhật là một sự thay đổi quan trọng về chính sách an ninh và Seoul sẽ theo dõi chặt chẽ.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng Hàn Quốc sẽ không cho phép Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể mà không có yêu cầu hoặc sự đồng ý của Seoul, nếu nó ảnh hưởng tới an ninh trên bán đảo Triều Tiên và lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.

Hàn Quốc cho biết thêm, Nhật Bản phải từ bỏ việc xem xét lại lịch sử và có các hành động đúng đắn để có thể giành lại niềm tin từ các láng giềng. Tuyên bố của Hàn Quốc cũng hối thúc Tokyo nên duy trì hiến pháp hòa bình, vốn đã tồn tại hơn 60 năm qua.

Tuy nhiên, Thư ký báo chí của Bộ quốc phòng Mỹ John Kirby ngày 1/7 bác bỏ những chỉ trích từ một số láng giềng của Nhật rằng quyết định mới của Tokyo có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Ông Kirby cho hay không có lý do gì để tin hoặc lo ngại rằng chính sách mới của Nhật sẽ khiến các căng thẳng xấu đi. Ông này nói thêm, Mỹ cho rằng chính sách mới sẽ giúp củng cố an ninh và sự ổn định trong khu vực.

An Bình
Tổng hợp