1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lính Mỹ bị "cơ quan chủ quản" đòi nợ

Các cựu binh Mỹ đang “nóng mặt với thông tin của báo Los Angeles Times: gần 10.000 quân nhân Vệ binh Quốc gia ở bang California phải nộp lại số tiền thưởng cho “công trạng” nhập ngũ.

Nhóm quân bán thời gian này - có nhiều người đã nhiều lần đến Iraq hoặc Afghanistan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, chống quân nổi dậy và tổ chức khủng bố Al-Qaeda - đã nhận được lệnh phải nộp lại những khoản tiền thưởng lớn, sau một cuộc kiểm toán phát hiện việc “thưởng lố” cho lực lượng Vệ binh Quốc gia ở bang California. Nếu các cựu binh không hoàn tiền, họ sẽ bị tính tiền lãi, bị trừ vào lương hoặc bị kê biên tài sản để trả khoản nợ này.

Lúc cần quân, hứa thưởng to

Trên thực tế, hồi giữa những năm 2000, vì quá thiếu thanh niên đăng ký Mỹ nhập ngũ, Lầu Năm Góc “rao thưởng tiền to nhất trong lịch sử” nhằm giữ quân, khi Mỹ bị sa lầy vào hai cuộc chiến dai dẳng ở Iraq và Afghanistan.

Khoản tiền thưởng này chỉ dành cho các binh lính lãnh nhiệm vụ nặng như hoạt động tình báo, hoặc cho các sĩ quan rất cần cho các đơn vị được cử đến hai chiến trường Iraq và Afghanistan. Vệ binh Quốc gia thừa nhận ở đỉnh cao hai cuộc chiến này, tiền thưởng bị chi quá mức, nhất là 14.000 Vệ binh Quốc gia ở California (có tổng cộng 17.000 quân) được thưởng nhiều tiền hơn so với các chiến hữu ở những bang khác.

Năm 2010, một cuộc điều tra cấp liên bang do 42 quan chức Vệ binh Quốc gia ở California tiến hành (mãi đến tháng 9-2016 mới hoàn tất) đã phát hiện vì các sĩ quan lực lượng thiếu giám sát chặt chẽ, nên đã có sự gian lận tràn lan và quản lý tiền thưởng yếu kém, vào lúc lực lượng cần đạt chỉ tiêu nhận quân.

Cựu binh Vệ binh Quốc gia Jaffe sau khi ra tù khoe công trạng.
Cựu binh Vệ binh Quốc gia Jaffe sau khi ra tù khoe công trạng.

Cuộc điều tra phát hiện hàng ngàn khoản tiền thưởng và tiền vay nộp học phí được trao cho các quân nhân Vệ binh Quốc gia không đạt đủ tiêu chuẩn nhận tiền thưởng, hoặc đã có sự phê duyệt các khoản tiền này dù đã xảy ra nhiều kiểu sai sót giấy tờ. Khoảng 9.700 cựu binh và lính đang tại ngũ bị đòi nộp lại một phần hoặc toàn bộ số tiền thưởng họ đã được trao. Nỗ lực đòi tiền này cho đến nay thu hồi được hơn 22 triệu USD, có lẽ sẽ mất nhiều năm mới có thể hoàn tất, vì đã có những sự phản đối của cựu binh, các nghị sĩ.

Trung sĩ Toni Jaffe là một cựu binh Vệ binh Quốc gia ở California, phụ trách quản lý khoản tiền thưởng. Năm 2011, Jaffe bị tuyên án 30 tháng tù - bị giam ở một nhà tù cấp liên bang - vì đã khai man 15,2 triệu USD. 3 sĩ quan khác cũng bị buộc tội gian lận, bị quản thúc sau khi họ nộp lại số tiền.

Cựu binh bị đòi nợ, phải “trả góp”

Khi trả lời phỏng vấn của Los Angeles Times, các cựu quân nhân kể lại chuyện năm 2006, 2007, họ bị sĩ quan ra lệnh phải tập hợp đăng ký tái nhập ngũ 6 năm. Các cựu binh phàn nàn: quân đội “xù” lời hứa và áp gánh nặng tài chính lên vai họ, những người chỉ phạm một sai lầm là nhận tiền thưởng khi Lầu Năm Góc cần có quân.

Cựu thiếu tá Bộ binh Robert D’Andrea và hiện là thám tử điều tra tội phạm tài chính của Sở Cảnh sát Santa Monica, cho biết ông từng đi chiến trường Iraq, và bị yêu cầu trả lại 20.000USD ông đã nhận hồi năm 2008 vì thanh tra không thể tìm bản sao hợp đồng mà ông đã ký.

Cựu đại úy bộ binh Christopher Van Meter, 42 tuổi, cho biết ông đã phải thế chấp căn nhà để trả lại số tiền thưởng 25.000USD và 21.000USD tiền vay đóng học phí. Ông từng chiến đấu ở Iraq và bị thương nặng vì một quả bom bên đường hất văng ông khỏi tháp pháo xe bọc thép. Vì những chiến thương, ông đã được tặng huy chương Trái tim Tím.

Lính Mỹ bị "cơ quan chủ quản" đòi nợ - 2

Nữ cựu trung sĩ bộ binh Susan Haley từng đến Afghanistan năm 2008, đã phải trích ¼ khoản thu nhập của gia đình để “trả nợ góp” 650 USD/tháng cho Lầu Năm Góc. Bà từng nhận 20.500 USD tiền thưởng nhập ngũ mà Vệ binh Quốc gia nói là “trao không đúng tiêu chuẩn” cho bà.

Haley 47 tuổi, đi lính 26 năm cùng chồng và con trai cả (một quân y sĩ bị mất một chân ở chiến trường Afghanistan). Bà sợ có thể gia đình phải bán nhà để trả lại khoản tiền thưởng. Bà nói ám chỉ 6 năm tái nhập ngũ: “Họ sẽ nhận lại tiền của họ, nhưng tôi muốn họ trả lại tôi những năm đó”.

“Xin” Nhà Trắng xóa nợ hộ…

Từ chuyện Lầu Năm Góc đòi cựu binh Vệ binh Quốc gia nộp lại tiền thưởng, Hạ nghị sĩ Darrell Issa thuộc đảng Cộng hòa đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter xóa “món nợ mà anh em có công nhập ngũ và ra trận vì tổ quốc không đáng phải lãnh nợ”. Hạ nghị sĩ Duncan Hunter (thuộc đảng Cộng hòa) cũng gửi thư đến Lầu Năm Góc nói việc đòi lại tiền thưởng là một “quyết định quá ngu xuẩn”.

Các nghị sĩ California cùng ông Hunter đều là thành viên Tiểu ban quân bị Hạ viện, cũng hứa đấu tranh với Lầu Năm Góc để bãi bỏ lệnh bắt trả lại tiền thưởng nhập ngũ. Họ nói: “Nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ các cựu binh và gia đình họ, bảo vệ họ khỏi bị khó khăn tài chính, chứ không áp đặt gánh nặng tài chính lên vai họ. Lẽ ra họ không phải trả giá cho những sai lầm của người khác suốt 10 năm qua, và chúng ta nợ họ trong việc giải quyết vấn đề này”.

Các trang mạng xã hội cũng nhảy vào cuộc. Một cuộc vận động chữ ký đã được mở, qua đó “xin” Tổng thống Mỹ “giải thoát tình hình” và cho phép các cựu binh được giữ khoản tiền thưởng. Phải có 90.000 chữ ký trong 30 ngày mới được Nhà Trắng hồi âm.

Trang vận động chữ ký khác là change.org (đã có được 38.000 chữ ký vào ngày 23-10-2016, do một cựu binh Vệ binh Quốc gia xưng tên là Robert Richmond đăng ảnh một áo chống đạn đầy máu. Ông viết: “Chúng tôi trả bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Xin lỗi vì ảnh quá ghê, nhưng đây là áo chống đạn của đồng đội tôi bị thương ở Afghanistan. Anh ấy may mắn sống sót, nhưng đây chỉ là một trong vô vàn những hy sinh để chúng tôi tôn trọng hợp đồng đã ký đến cùng”.

… Chứ chỉ huy bó tay

Cựu trung sĩ nhất Richmond, 46 tuổi, từng đăng ký tái nhập ngũ 6 năm làm lính đặc nhiệm, cho biết năm 2014, ông đã nhận một thư đòi ông trả lại 15.000 USD tiền thưởng nhập ngũ cộng với tiền lãi, dù thực tế ông chỉ nhận được 11.000 USD tiền thưởng sau khi đã trừ thuế.

Vệ binh Quốc gia nói lẽ ra ông không được nhận số tiền thưởng, vì ông đã đi lính Bộ binh suốt 20 năm (tính đến năm 2006). Ông không chịu nộp lại tiền vì ông chỉ đi lính 15 năm khi tái nhập ngũ. Ông liên tục khiếu nại, kể cả sau khi nhận một thư đòi nợ hồi tháng 3 do Bộ Tài chính Mỹ gửi, cảnh báo món nợ của ông đã lên tới con số 19.664 USD gồm tính cả tiền lãi và tiền phạt.

Vì chuyện đi lính ở Afghanistan năm 2002 và 2003, Richmond đã bị vợ ly dị. Năm 2007, tiểu đoàn đặc nhiệm của ông được cử đến một thị trấn gần thủ đô Baghdad (Iraq) có biệt danh “Tam giác thần chết” vì ở đó giao tranh khốc liệt. Ông đã có nhiều lần đấu súng với quân nổi dậy suốt cả năm liền. Lần nọ, xe bọc thép của ông bị trúng mìn, ông bị chấn thương sọ não và bị thương nặng ở lưng. Sau khi xuất ngũ, ông từng là thợ dẫn đường tàu hỏa nhưng rồi bị mất việc. Hiện ông đang làm cho một công ty xây dựng ở Texas. Vì bị khoản nợ, ông chẳng thể vay tiền mua nhà.

Richmond cũng lập trang web youcaring.com để quyên tiền làm chi phí pháp lý cho các cựu binh muốn đấu tranh pháp lý để không phải trả món nợ. Ông nói: “Tôi đã ký một hợp đồng mà tôi liều cả mạng sống để thực hiện. Chúng tôi muốn chính phủ khẳng định chuyện đòi nợ chúng tôi là sai”.

Ngay cả các sĩ quan cấp cao Vệ binh Quốc gia cũng không thích chính sách đòi lại tiền, nhưng họ nói luật trói tay họ. Thiếu tướng Matthew Beevers, Chỉ huy phó lực lượng ở California, nói: “Cuối cùng thì binh lính bị trả giá lớn nhất. Chúng tôi sẽ rất hài lòng nếu xóa được nợ cho anh em. Nhưng chúng tôi chẳng thể làm thế, đó là hành vi vi phạm pháp luật”.

Theo Trung Trực/ Los Angeles Times

Cảnh sát toàn cầu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm